Cập nhật: 21/10/2019 09:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 20-10, tại Đà Nẵng, đại diện các Khu Bảo tồn biển, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế và các địa phương ven biển, đảo, và chuyên gia đã cùng thảo luận, đề xuất một số khuyến nghị và chính sách góp phần định hướng xây dựng Kế hoạch Hành động quản lý rác thải nhựa đại dương của ngành thủy sản giai đoạn 2020-2025.

Đà Nẵng tổ chức nhiều đợt ra quân dọn rác nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ra biển.

Chương trình do Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thực hiện.

Ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) trên biển là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng RTN nhiều nhất trên thế giới, khối lượng RTN thải ra biển khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm và đứng thứ tư trên 20 quốc gia cao nhất (theo nghiên cứu của Tiến sĩ Jenna Jambeck năm 2015).

RTN đang gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe các sinh vật biển. Dự tính đến năm 2050, khoảng 99% loài chim biển sẽ ăn nhựa. RTN sẽ gây hại cho hơn 600 loài động vật biển và 15% trong số đó gặp nguy hiểm do mắc vào RTN hoăc bị ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.

Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu RTN đại dương đến năm 2030. Nhiều tỉnh và thành phố ven biển cũng đưa vấn đề ô nhiễm và xử lý RTN vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam chưa có dữ liệu quốc gia xác định các nguồn phát thải nhựa từ đất liền hay từ biển và chưa có nghiên cứu hoặc thống kê định lượng nào về lượng RTN tại các vùng biển ven bờ, trong đó có các khu bảo tồn biển là khu vưc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do ô nhiễm rác thải trên biển.

Nhằm giảm thiếu RTN của ngành thuỷ sản, nhiều kiến nghị đã được đưa ra như: quản lý rác đối với các tàu, thuyền (tàu đánh bắt hải sản, tàu du lịch, tàu hàng…); xử lý các ngư cụ, giảm thiểu số lượng ngư cụ mắc lại dưới biển trở thành rác; hội thảo cũng chỉ ra tình trạng ô nhiễm trắng tại 11 khu bảo tồn biển, nhằm cung cấp số liệu quan trọng góp phần định hướng các hoạt động giảm ô nhiễm nhựa cho ngành thủy sản.

Tổng cục Thủy sản cũng đưa ra định hướng quản lý RTN ngành thủy sản đến năm 2025. Theo đó, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phục vụ quản lý RTN đại dương; giảm thiểu 50% RTN địa phương, 50% ngư cụ đánh bắt cá bị mắc hoặc bị vứt bỏ sẽ được thu gom, 80% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân huỷ, bảo đảm tối thiểu một năm hai lần thu gom, làm sạch rác thải nhựa tại các bãi tắm biển; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải.

Đây được xem là một trong những nỗ lực tích cực và cụ thể của Tổng cục Thủy sản trong cuộc chiến chống "ô nhiễm trắng” tại Việt Nam.

THANH TÂM

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm