Chuyên gia cho rằng Mỹ có thể đang rút bớt lực lượng quân sự khỏi Syria để tập trung nguồn lực đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Xe bọc thép của Mỹ tại tỉnh Hasakeh của Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AFP)
Theo Darius Shahtahmasebi, nhà phân tích về pháp lý và chính trị tại New Zealand và là người nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Mỹ tại Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương, lý do khiến Mỹ giảm bớt sự hiện diện tại khu vực Trung Đông và không còn mặn mà với tình hình tại Syria bởi Washington đã có một khu vực ưu tiên mới để phân bổ thời gian và nguồn lực: Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Sự thay đổi trong chiến lược của Mỹ dường như có liên quan tới một chuỗi hoạt động của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và những vấn đề về tương lai của Đài Loan. Bắc Kinh ngày càng có nhiều động thái nhằm mở rộng sự hiện diện của nước này trong khu vực.
Trung Quốc đã nhất trí rót tiền cho dự án sân vận động trị giá hàng triệu USD tại Solomon để quốc đảo Thái Bình Dương này tổ chức Đại hội thể thao Thái Bình Dương (Pacific Games) ở thủ đô Honiara vào năm 2023. Trước đó, Đài Loan cũng từng cam kết sẽ rót tiền cho dự án xây dựng tổ hợp thể thao này.
Sau Solomon, một quốc đảo Thái Bình Dương khác là Kiribati cũng quay lưng với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh. Sau các động thái trên, số đồng minh có quan hệ ngoại giao với Đài Loan hiện chỉ còn 15 nước.
Gần đây, Solomon đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chuyển sang Bắc Kinh. Truyền thông đưa tin, quốc đảo Thái Bình Dương được cho là nhận lại khoản hỗ trợ từ Bắc Kinh với số tiền lên tới 730 triệu USD.
Một số ý kiến cho rằng, với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc cũng như những gói viện trợ hào phóng do nước này mang lại, Tuvalu và các quốc đảo Thái Bình Dương còn lại cũng tiếp bước Solomon và Kiribati để ngả về phía Bắc Kinh.
Trong một nỗ lực nhằm tăng cường sự ủng hộ và trấn an Đài Loan, Mỹ, Đài Loan và các quốc đảo Thái Bình Dương còn lại đã gấp rút tổ chức Đối thoại Đảo Thái Bình Dương tại Đài Bắc. Mỹ gọi Đài Loan là người bạn lâu năm của Washington, đồng thời khẳng định sự ủng hộ “vững chắc” đối với mối quan hệ giữa Đài Loan với các quốc đảo Thái Bình Dương. Tuy vậy, điều này có thể gây khó khăn cho Mỹ do Washington vẫn đang ủng hộ nguyên tắc “Một Trung Quốc” của chính quyền Bắc Kinh khi không chính thức công nhận Đài Loan.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare trong cuộc gặp tại Bắc Kinh (Ảnh: AFP)
Cùng thời điểm diễn ra các hoạt động trên, Diễn đàn Hợp tác và Phát triển Kinh tế Các Quốc đảo Thái Bình Dương - Trung Quốc lần thứ 3 dự kiến sẽ diễn ra hôm nay 21/10 tại thủ đô Apia của Samoa. Diễn đàn dự kiến có sự tham gia của 400 quan chức, bao gồm lãnh đạo của 8 quốc đảo Thái Bình Dương đang có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc đại lục như Solomon và Kiribati, cùng 200 doanh nhân.
Australia, đồng minh vững chắc của Mỹ trong khu vực, đóng vai trò là “quan sát viên” tại diễn đàn này. Australia cũng ngày càng lo ngại về sự hiện diện tăng cường của Trung Quốc tại khu vực được coi là sân sau của nước này.
Theo thống kê của Viện nghiên cứu Lowy, Australia hiện vẫn là “nhà tài trợ” lớn nhất cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai vị trí tiếp theo lần lượt là New Zealand và Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản cũng “bám đuổi” không xa trên bảng xếp hạng.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa dẫn đầu phái đoàn gồm 31 người tới Samoa, trong đó có 7 thứ trưởng và 12 tổng giám đốc. Hai bên đã ký 7 thỏa thuận ghi nhớ hôm 19/10, cam kết hợp tác trên mọi lĩnh vực.
Trước một Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, Mỹ ngày càng dành nhiều sự quan tâm cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mỹ hiện duy trì khoảng 85.000 quân thường trú trên toàn khu vực.
“Việc một quan chức cấp cao như vậy của Trung Quốc tới khu vực là điều đáng lưu ý, và tôi đoán là ông ấy sẽ không đến tay không”, Jonathan Pryke, nhà nghiên cứu tại Viện Lowy ở Australia, nhận định.
New York Times gần đây đưa tin, Trung Quốc được cho là đã thuê trọn hòn đảo Tulagi của Solomon, nơi có cảng nước sâu tự nhiên nhằm phát triển kinh tế tại khu vực này. Tuy nhiên nhiều người lo ngại rằng, dự án của Bắc Kinh tại Tulagi có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, chẳng hạn thiết lập một căn cứ quân sự.
Sau chuyến đi tới Samoa, Phó Thủ tướng Trung Quốc sẽ tới Philippines - một đồng minh Mỹ tại Đông Nam Á. Đây cũng là một thành viên quan trọng trên bàn cờ địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương.
Trung Quốc tin rằng thế giới đang dịch chuyển khỏi hệ thống đơn cực do Mỹ dẫn đầu. Mặc dù tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh lan rộng ra toàn Trung Đông, châu Phi và thậm chí cả Nam Mỹ, nhưng cách nhanh nhất để phá thế độc tôn của Mỹ là thông qua khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Sách trắng Quốc phòng của Trung Quốc cũng ghi nhận điều này.
Hồi đầu tháng, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm một tên lửa uy lực mới, rất khó phát hiện tại Thái Bình Dương. Động thái này được cho là nhằm “nắn gân” Trung Quốc.
Mỹ cũng chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận quân sự quy mô lớn có tên gọi Defender Pacific (Người bảo vệ Thái Bình Dương) với sự tham gia của 12.000 binh sĩ, trong đó Washington sẽ phối hợp chặt chẽ với Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Brunei. Cuộc tập trận có sự tham gia của cả những nước như quần đảo Marshall và Palau, mặc dù các quốc đảo này vẫn đang duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Theo Thành Đạt/dantri.com.vn