Sở VHTT Kiên Giang vừa có Tờ trình tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho lập “Đề án xây dựng hồ sơ đăng ký công nhận Nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”, thời gian thực hiện từ năm 2020 – 2021.
UBND tỉnh Kiên Giang trao quyết định công nhận Nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc cho Hội Nước mắm Phú Quốc Ảnh: LÊ SEN
Sau khi Nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Sở VHTT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang đăng ký danh mục với Bộ VHTTDL để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trước đó, sau khi nghiên cứu đề xuất của UBND huyện Phú Quốc và Hội Nước mắm Phú Quốc về việc đăng ký xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận nghề thủ công truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Sở VHTT Kiên Giang đã thống nhất với đề xuất vì đây là việc làm cần thiết và cấp bách. Việc xây dựng hồ sơ di sản sẽ góp phần bảo tồn tinh hoa và tôn vinh giá trị di sản văn hóa của Nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc; khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam; khẳng định mạnh mẽ giá trị thương hiệu sản phẩm nước mắm Phú Quốc, từ đó tăng giá trị xuất khẩu và phát triển nghề này theo hướng bền vững.
Nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc đã gắn liền với lịch sử phát triển văn hóa xã hội của tỉnh Kiên Giang. Nước mắm cá cơm Phú Quốc mang hương vị màu sắc đặc trưng riêng độc đáo, trở thành một sản phẩm truyền thống, mang tính biểu trưng riêng của huyện đảo Phú Quốc. Hiện có hơn 50 doanh nghiệp sản xuất nước mắm trên địa bàn huyện đảo; hằng năm cung cấp ra thị trường trên 30 triệu lít nước nắm từ 20-43 độ đạm, mang lại doanh thu hơn 600 tỉ đồng.
BÙI CÔNG BA
Theo vanhoaonline.vn