Cập nhật: 11/11/2019 10:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cuộc bỏ phiếu ở Tây Ban Nha nhằm bầu ra Quốc hội mới diễn ra trong bối cảnh rạn nứt giữa các Đảng phái chính trị trên chính trường nước này ngày một lớn.

Ngày 10/11, người dân Tây Ban Nha lại có “cơ hội” để thể hiện quyền công dân của mình qua những lá phiếu, nhằm bầu ra Quốc hội mới, lần thứ 2 trong năm nay và cũng là lần thứ 4 trong vòng 4 năm trở lại đây. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa các Đảng phái chính trị lớn trên chính trường Tây Ban Nha đang ngày một lớn. Liệu rằng, cuộc bầu cử lần này có thể giúp “xứ sở bò tót” có được một Chính phủ ổn định và thống nhất, có đầy đủ năng lực và quyền hạn, để phát triển kinh tế đất nước, giải quyết các vấn đề nóng tồn tại hiện nay, bao gồm cả cuộc khủng hoảng chính trị tại Catalonia hay không.

Cuộc bỏ phiếu ở Tây Ban Nha nhằm bầu ra Quốc hội mới diễn ra trong bối cảnh rạn nứt giữa các Đảng phái chính trị trên chính trường nước này ngày một lớn. Ảnh: Reuters

Từ 9 giờ sáng nay (10/11) (theo giờ địa phương), tức 3 giờ chiều nay (theo giờ Việt Nam), cử tri Tây Ban Nha đã bắt đầu đi bỏ phiếu để bầu ra Quốc hội mới, gồm 350 ghế. Đây là cuộc bầu cử thứ 2 trong năm sau khi cuộc bầu cử hồi tháng 4 kết thúc với kết quả là Đảng chiến thắng không thể thành lập được chính phủ Liên minh.

Theo truyền thông Tây Ban Nha, trước thời điểm cuộc bầu cử bắt đầu, vẫn còn tới 1/3 số cử tri vẫn chưa biết họ sẽ bỏ phiếu cho Đảng nào, chứng tỏ những bế tắc chính trị hiện nay tại xứ sở bò tót là “khá lớn”.

Nhiều cử tri tham gia bỏ phiếu chia sẻ cảm xúc: “Tất cả chúng tôi đều cảm thấy mệt mỏi trước sự bất lực của các chính trị gia để đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh. Tuy nhiên, sau tất cả, chúng tôi vẫn là những người quyết định liệu tình trạng như vậy có tiếp diễn hay không. Tôi nghĩ mọi người phải đi và bỏ phiếu”.

“Nếu chúng tôi phải bỏ phiếu một lần nữa, chúng tôi sẽ bỏ phiếu vì một tương lai tốt đẹp hơn. Nếu lần trước cuộc bầu cử không diễn ra tốt đẹp, tôi hy vọng lần này, một Đảng chiến thắng sẽ mang lại cho cho người dân Tây Ban Nha những gì mà chúng tôi đáng được nhận”.

Tham gia cuộc tổng tuyển cử lần này, có 6 chính đảng lớn, bao gồm đảng Công nhân Xã hội (PSOE) của Thủ tướng tạm quyền Pedro Sanchez; đảng Nhân dân (PP) theo đường lối bảo thủ của ông Pablo Casado; đảng cực hữu Vox; đảng cánh tả Unidas Podemos; và 2 Đảng khác ly khai khác từ đảng Cánh tả.

Dựa vào kết quả hơn 10 cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất, đảng Công nhân Xã hội của Thủ tướng tạm quyền Pedro Sanchez dự kiến sẽ vẫn dẫn đầu và giành được khoảng 117 ghế tại hạ viện, giảm so với mức 123 ghế trong cuộc bầu cử hồi tháng Tư vừa qua. Về thứ 2 là đảng Nhân dân (PP) với 92 ghế, tăng mạnh so với 66 ghế trong cuộc bầu cử trước. Còn đảng cực hữu Vox dự kiến về thứ ba với 46 ghế trong quốc hội, tăng gấp đôi so với trước.

Dựa vào kết quả thăm dò đó, các nhà phân tích dự đoán, cuộc tổng tuyển cử lần này vẫn sẽ không có Đảng nào có khả năng giành đủ đa số ghế cần thiết tại Hạ viện, là 176 ghế, để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ. Dù đảng của Thủ tướng tạm quyền Pedro Sanchez có thể giành thắng lợi thêm 1 lần nữa, như cuộc bầu cử hồi tháng 4, song vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy các Đảng khác sẵn lòng ủng hộ ông để đứng ra thành lập được chính phủ Liên minh sau đó. Do đó, sau bầu cử, chắc chắn sẽ có các vòng đàm phán căng thẳng, kèm theo những điều kiện chính trị “khó khăn” sẽ được đưa ra.

Thực tế, trong 4 năm qua, các cuộc bầu cử ở Tây Ban Nha đều đưa đến các chính phủ thiểu số, hoặc bị “chết yểu” do các nhà lãnh đạo chính trị phải vật lộn để thích ứng trước sự trỗi dậy của các chính đảng mới, vốn là nguyên nhân chấm dứt tình trạng luân phiên thống trị của đảng Công nhân Xã hội và Đảng Nhân dân.

Ngoài ra, cuộc bầu cử lần này ở Tây Ban Nha diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở vùng Catalonia vẫn chưa chấm dứt và đảng Vox có quan điểm cực hữu đang trỗi dậy. Bên cạnh đó, một điểm khá quan trọng khác là Tây Ban Nha cũng đang đối mặt với triển vọng kinh tế bất ổn với sự tăng trưởng đang chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU).

Với cuộc bầu cử lần này, người dân Tây Ban Nha vẫn đang rất kỳ vọng vào việc các chính đảng nước này đạt được “bước đột phá” và đi đến thỏa thuận thành lập một chính phủ “đa số”, để chấm dứt sự bất ổn kéo dài, để giải quyết được tình hình kinh tế khó khăn, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ suy thoái trở lại trước những tác động của Brexit, sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu hay căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, kỳ vọng và ước mơ đó lại đang khá xa vời so với thực tiễn./.

Theo Đình Nam/VOV.VN

Tệp đính kèm