Một thanh niên trẻ đã may mắn sống sót, trong khi 12 người di cư cùng anh trong thùng đông lạnh xe tải đã thiệt mạng trong hành trình vượt biên vào Anh.
Faraj từng nghĩ rằng anh sẽ chết trong thùng đông lạnh của xe tải khi vượt biên vào Anh (Ảnh: Metro)
Trong bài viết đăng trên báo Metro (Anh) ngày 11/11, Faraj Alnasser cho biết khi đọc được thông tin về việc 39 người thiệt mạng trong thùng xe tải ở hạt Essex, Anh hồi tháng trước, anh cảm thấy “buồn nhưng không bất ngờ”.
“Tôi cũng từng tới Anh bằng thùng đông lạnh của xe tải, vì thế khi nghe câu chuyện của 39 người thiệt mạng, tôi đã nhớ lại những rủi ro mà chúng tôi từng phải đối mặt khi tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn để bảo vệ chính mình và gia đình”, Faraj nói.
“Khi tôi 17 tuổi, tôi sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng tôi bắt đầu cảm thấy nhớ nhà khủng khiếp và nhớ bà tôi ở Syria. Khi tôi quay trở lại (Syria), tôi cảm thấy kinh hãi khi chứng kiến tác động của cuộc chiến. Bà tôi cảnh báo rằng tôi sẽ chết nếu không rời đi”, Faraj kể lại.
Theo Faraj, anh lựa chọn nhập cư vào châu Âu vì muốn “tránh chiến tranh càng xa càng tốt”. Faraj chọn tới Anh vì hiểu rằng khoảng cách xa như vậy sẽ giúp anh quên đi những ký ức đau buồn về chiến tranh. Eo biển Anh sẽ giúp chia tách “quá khứ và hiện tại” của Faraj.
Hành trình vượt biên
Những người di cư bị phát hiện chui vào thùng xe tải tại Pháp trước khi vào Anh (Ảnh: Getty)
Faraj cho biết anh đã dừng chân ở nhiều quốc gia. Tại Hungary, Faraj từng suýt chết, bị cảnh sát ngược đãi và bỏ tù 10 ngày.
“Họ không cho tôi đồ ăn hay quần áo, chỉ có nước bẩn để uống. Từ đó (Hungary), tôi được đưa tới một nhà tù ở Serbia và tôi chỉ có một ngày để rời khỏi đất nước này”, Faraj cho biết.
Sau 3 tháng, Faraj tới Pháp và sống trong trại tị nạn Dunkirk trong 1 tháng. Tại đây, thanh niên này bắt đầu nghĩ về việc vượt biên vào Anh.
“Tôi có 3 lựa chọn: trả cho ai đó 3.000 Euro (3.300 USD) để đi chui vào Anh, nhảy lên một đoàn tàu song cơ hội thành công không cao, hoặc chui vào trong xe tải nhưng có thể sẽ bị đưa đến nơi mà tôi không muốn. Sau khi xem xét mọi thứ, xe tải dường như là lựa chọn tốt nhất với tôi”, Faraj cho biết.
Theo lời kể của Faraj, vào một buổi tối, anh đi theo một nhóm người và cầu xin họ cho chui vào trong xe tải cùng.
“Không ai trong số họ nói tiếng Ả rập, vì thế tôi không thể nói chuyện với họ, nhưng tôi nghĩ họ từ Iran, Afghanistan và Việt Nam”, Faraj cho biết.
“Bên trong xe tải rất lạnh, và chúng tôi nhận ra đó là xe tải đông lạnh chở thực phẩm.. Sau vài giờ, tôi không thể thở, vì thế chúng tôi bắt đầu tạo ra tiếng động để tài xế có thể nghe thấy và tới giúp chúng tôi, nhưng anh ta không biết chúng tôi đang ở trong. Tôi không biết tôi đã ở trong xe tải đó bao lâu, nhưng tôi chắc chắn đó gần như là phút cuối của cuộc đời”, Faraj cho biết.
Faraj sau đó ngất đi, cho tới khi tỉnh lại trong một bệnh viện ở Anh. Người đàn ông trẻ tuổi không biết tại sao anh ta lại ở đó và chuyện gì đã xảy ra cho tới khi hỏi bác sĩ.
“Cảnh sát đã tìm thấy 14 người chúng tôi trong xe tải, và mặc dù họ đã cố gắng cứu tất cả chúng tôi, nhưng chỉ có 2 người sống sót. Tôi không thể tin được là mình may mắn như thế nào khi còn sống”, Faraj nói thêm.
“Sĩ quan cảnh sát hỏi tôi có ổn không và tôi nói rằng có. Nhưng cảnh sát vẫn thắc mắc về 12 người thiệt mạng, những người không có giấy tờ để chứng minh họ xuất thân từ đâu. Gia đình họ sẽ không biết chuyện gì xảy ra với họ. Tôi cảm thấy bất lực. Tôi biết mình đã may mắn như thế nào khi được cứu, nhưng tôi vẫn cảm thấy suy sụp suốt một năm”, Faraj cho biết.
Cuộc sống khó khăn
Máy quét phát hiện người ngồi trên các thùng hàng trong xe tải ở Dover, Anh (Ảnh: Dailymail)
Sau khi tỉnh dậy, Faraj nộp đơn xin tị nạn và được cấp quyền tị nạn. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Anh yêu cầu những người như Faraj phải tìm được nơi ở, trong khi anh không biết phải đi đâu, cũng không có tiền và không thể nói tiếng Anh.
“Tôi trở thành người vô gia cư. Điều kiện sống ở đây thật khủng khiếp, bạn phải ngủ trong thời tiết giá lạnh và mưa, bạn phải tiếp tục di chuyển và bạn không có gì trong tay cả. Bạn không được phép học hành hay làm việc vì bạn không có nhà. Mọi người coi thường bạn và dường như không hiểu rằng, việc bạn không có nhà ở không đồng nghĩa với việc bạn là người xấu”, Faraj cho biết.
Sau hai tuần, Faraj tìm thấy một khu nhà dành cho những người gặp vấn đề về tâm thần và ma túy. Là người nhập cư, Faraj có thể ở đó miễn phí trong 1 năm, sau đó sẽ phải rời đi.
“Tôi thấy rất khó khăn khi sống ở đó vì tôi không cảm thấy an toàn. Có một ngày tôi đang lau bếp và ai đó đã tìm cách giết tôi bằng cách đánh vào đầu tôi. Họ không phải là người xấu, họ chỉ là những người có vấn đề (về thần kinh). Tôi cố gắng làm việc, nhưng mặc dù tôi có giấy phép lao động, họ vẫn lợi dụng tôi vì tôi là người nhập cư. Một nhà hàng đã trả tôi 5 bảng Anh cho 6 giờ làm việc, nhưng một nhà hàng khác không trả tiền sau khi tôi làm việc cho họ 5 ngày, vì họ nói rằng công việc lau chùi nhà vệ sinh của tôi mới chỉ là thời gian “đào tạo”. Tôi phải trông cậy vào đồ ăn từ thiện”, Faraj nhớ lại những ngày đầu tới Anh.
“Tôi không biết tương lai của tôi sẽ như thế nào. Nhưng tôi biết ơn vì vẫn còn sống, đặc biệt trong chiếc xe tải đó, tôi từng nghĩ rằng mình sẽ chết… Tôi chia sẻ với 39 nạn nhân và gia đình của họ. Lẽ ra không có ai phải trải qua điều đó, nhưng vẫn có quá nhiều người như vậy. Tôi không muốn chuyện này tiếp tục xảy ra. Chúng ta phải chấm dứt những chuyến xe tải bi kịch”, Faraj nhấn mạnh.
Theo Thành Đạt/dantri.com.vn