Nhiều tour du lịch mở ra cùng nhiều dịch vụ chuyên nghiệp đã đưa Đất Mũi trở thành điểm du lịch khám phá, trải nghiệm hấp dẫn không thể bỏ trong qua hành trình đến với Cà Mau.
Du khách tại cột mốc Mũi Cà Mau. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Nằm cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 110km, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển từ lâu luôn là địa điểm hấp dẫn thu hút du khách đến tham quan khi đặt chân đến Cà Mau.
Đến đây, du khách không chỉ được đắm chìm trong không gian hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, đa dạng, mà còn được tận tay chạm vào cột mốc tọa độ quốc gia và chiêm ngưỡng biểu tượng của Mũi Cà Mau, nơi cuối trời cực Nam của Tổ quốc.
Trước kia, khách tham quan muốn đến được Đất Mũi chủ yếu phải di chuyển bằng canô, tuy nhiên, từ khi thông xe tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi đã tạo điều kiện cho du khách đến đây một cách dễ dàng bằng đường bộ.
Tuyến đường dài thẳng tắp nằm giữa những tán rừng U Minh Hạ xanh mướt, sẽ là một trải nghiệm thú vị cho du khách phương xa khi lần đầu đặt chân đến Đất Mũi Cà Mau.
Đến Mũi Cà Mau, trước tiên đa phần du khách đều muốn được nhìn thấy cột mốc quốc gia thiêng liêng và biểu tượng là một con tàu quay ra hướng biển.
Một trong những điểm đến mà du khách không thể bỏ qua khi du lịch tại Đất Mũi là Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, tọa lạc trong khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào tháng 5/2009. Nơi đây, được đặt dấu mốc tọa độ Quốc gia tại GPS0001 (cây số 0) là một trong bốn điểm cực đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam trên đất liền.
Cực Bắc là cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây là xã Apa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), cực Đông là Mũi Đôi (Vạn Ninh, Khánh Hòa) và cực Nam chính là cột mốc tọa độ Quốc gia GPS0001 (Đất Mũi, Cà Mau).
Hình tượng con tàu tại công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau cũng là một trong những điểm nhấn thú vị với hình tượng chiếc thuyền căng đầy gió luôn hướng ra biển khơi. Trên cánh buồm với dòng chữ “Mũi Cà Mau”, toạ độ: 8°37ཚ' 'Vĩ độ bắc, 104°43' Kinh độ đông.
Đây là địa điểm quen thuộc mà mỗi du khách đến với Đất Mũi đều không thể bỏ qua để chụp ảnh lưu niệm, ghi lại những khoảnh khắc đánh dấu chuyến hành trình đến với vùng cực Nam của Tổ quốc..
Cột mốc Đường Hồ Chí Minh - điểm cuối Cà Mau Km 2436 là điểm đến du lịch đánh dấu “điểm cuối cùng” trên chuyến hành trình trải dài từ Pác Bó-Cao Bằng (điểm đầu) đến Đất Mũi-Cà Mau (điểm cuối), đi qua 28 tỉnh, thành phố với chiều dài 3.183km. .
Với quy mô thích hợp và hình thức giản dị, du khách có thể ghé thăm cột mốc đường Hồ Chí Minh để ghi lại dấu ấn trên chuyến hành trình về thăm Đất Mũi.
Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền có thể ngắm được mặt trời mọc lên từ mặt biển Đông vào buổi sáng và lặn xuống mặt biển Tây vào buổi chiều.
Đến Mũi Cà Mau phải leo lên Vọng lâm đài (cao hơn 20m) rồi phóng tầm mắt ra xa để thưởng thức và cảm nhận màu xanh của rừng và biển đặc trưng nơi đây. Không gian rừng biển bao la mát lành khiến ta thêm yêu và tự hào về vùng đất nơi đầu sóng ngọn gió.
Mũi Cà Mau nằm trong khu vực Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, với hơn 42.000ha đất liền và bãi cạn. Vườn quốc gia với hệ thống rừng ngập mặn đa dạng, số lượng động thực vật rất đặc trưng mà hiếm nơi nào có được, từ mắm, đước, vẹt, cóc, bần cho đến cá, tôm, cua, sò, vọp, ốc len… tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh bảo vệ môi trường và hạn chế việc xâm lấn đất liền từ biển cả.
Du khách trải nghiệm hệ sinh thái ngập nước ven biển Đất Mũi-Cà Mau. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Đến Mũi Cà Mau, du khách có thể đi lại bằng thuyền máy, len lỏi giữa cánh rừng ngập mặn ngắm hệ sinh thái tuyệt vời nơi đây, tham quan mô hình làng rừng thời chiến được gìn giữ một cách cẩn thận để biết được cuộc kháng chiến lẫy lừng của cha ông xưa kia.
Những trải nghiệm như lội sông bắt ba khía, câu cá, bắt cua, thòi lòi cùng những trò chơi dân gian luôn thu hút nhiều du khách tham gia.
Nhiều món ăn đã trở thành đặc sản của địa phương khiến du khách đều mong được thử một lần thưởng thức như Ba khía muối Rạch Gốc, mắm cá chim, cá thòi lòi nướng muối ớt, cá đối kho mía, vọp hấp gừng, hàu nướng, trong đó không thể bỏ qua món cua Cà Mau, thơm ngon nức tiếng cả nước.
Ban đêm, du khách có thể chọn lưu trú ở các homestay giữa rừng đước, sẽ là một trải nghiệm đặc biệt khó tả.
Gần đây, nhiều tour du lịch mở ra cùng nhiều dịch vụ chuyên nghiệp đã biến Đất Mũi trở thành điểm du lịch khám phá, trải nghiệm hấp dẫn không thể bỏ trong qua hành trình đến với Cà Mau.
Để phát triển du lịch Cà Mau trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy.
Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy Cà Mau về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 xác định du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc…
Quá trình thực hiện Nghị quyết số 04 phải gắn với việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Cà Mau tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh phù hợp với phát triển du lịch Việt Nam và Chiến lược phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, theo hướng tập trung phát triển các khu vực có nhiều tiềm năng và động lực để phát triển du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch đảm bảo đồng bộ, chính xác nhằm xác định cơ cấu ngành dịch vụ du lịch trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh.
Cùng với việc tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tỉnh chú trọng phát triển các loại hình du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, mua sắm, nghỉ dưỡng…
Tỉnh Cà Mau chú trọng xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh và thân thiện cho du khách; đảm bảo cơ hội bình đẳng và lợi ích hài hòa cho tất cả người dân, doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch.
Đồng thời, tỉnh cũng nỗ lực đổi mới nội dung công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quảng bá du lịch trong và ngoài nước để nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp của xúc tiến du lịch.
Thương hiệu du lịch Cà Mau được xây dựng gắn liền với vị trí địa lý là điểm cực Nam của Tổ quốc cùng với các hoạt động mang đậm nét văn hóa địa phương.
Cà Mau dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách để đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối đến các khu, điểm du lịch trọng điểm mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh./.
Theo (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/kham-pha-dat-mui-ca-mau-noi-cuoi-troi-cuc-nam-cua-to-quoc/606628.vnp