Mới đây, tại TP. Đà Nẵng diễn ra Hội nghị lần thứ 8 các quốc gia ký kết Bản ghi nhớ về quản lý, bảo tồn rùa biển và môi trường sống của chúng ở khu vực vùng biển Ấn Độ Dương và Đông Nam Á (IOSEA MOS8) giữa đại diện 33 quốc gia thành viên, các tổ chức phi chính phủ trong nước và ngoài nước.
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Theo thống kê, vùng biển Việt Nam có 5 loài rùa biển sinh sống là các loài: Vích, Đồi mồi, Đồi mồi dứa, Quản đồng và Rùa da. Tất cả các loài rùa biển tại Việt Nam đã được đưa vào danh sách các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ cũng như danh mục các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, được gọi là Sách Đỏ (Redlist) của thế giới (năm 2000) và Sách Đỏ Việt Nam ở các mức độ nguy cấp khác nhau. Tuy nhiên, số lượng những báo cáo và nghiên cứu về các loài rùa này tại Việt Nam còn rất hạn chế.
Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Viện Nghiên cứu môi trường biển (IMER) thực hiện, số lượng rùa lên đẻ trứng tại Việt Nam đã giảm từ 10.000 cá thể mỗi năm vào những năm 1980 xuống còn 450 cá thể vào năm 2019.
Hầu hết số lượng rùa lên đẻ trứng tập trung ở Côn Đảo (425 cá thể/năm) và hầu hết là Vích. Cũng theo một số khảo sát do IUCN thực hiện năm 2017 tại vùng biển các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Trung thì 2 trong số 5 loài rùa trên là Đồi mồi và Rùa da đã được xác nhận biến mất ở những vùng biển này.
Một trong những lý do dẫn đến tình trạng suy giảm số lượng rùa biển là do khai thác quá tải các bãi đẻ của rùa, đánh bắt, buôn bán rùa biển bất hợp pháp và buôn bán, sử dụng các sản phẩm làm từ rùa, suy giảm chất lượng môi trường, mất sinh cảnh và nguồn thức ăn…
Trứng rùa Côn Đảo được ấp nở thành công ở Cù lao Chàm
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, rạn san hô và thảm cỏ biển tại các vùng biển ở Việt Nam đang bị suy thoái nhanh chóng, thậm chí tại cả các khu bảo tồn biển. Xu hướng này sẽ ngày càng trầm trọng hơn trong tương lai do tốc độ phát triển kinh tế và dân số tăng nhanh tại các khu vực đảo. Ngoài ra, ô nhiễm rác thải nhựa cũng là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực đến sức khỏe các sinh vật biển.
Với tư cách là quốc gia ký kết Bản ghi nhớ IOSEA, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các quốc gia thành viên nhằm bảo vệ rùa biển nói riêng và các loài thuỷ sinh nguy cấp, quý hiếm nói chung.
Căn cứ các cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành các quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học đặc biệt đối với các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm trong đó có các loài rùa biển như Luật Đa dạng sinh học, Luật Thủy sản, Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1176/QĐ-TTg ngày 12/9/2019 phê duyệt Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016-2025 với mục tiêu chung là bảo tồn, bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng tại Việt Nam… Những hoạt động trên đã góp phần quan trọng và mang lại những kết quả tích cực trong công tác quản lý và bảo tồn rùa biển và môi trường sống của chúng trong thời gian qua.
Tại hội nghị lần này, đại diện của các quốc gia cũng tập trung thảo luận nhiều nội dung trong MOU đã được ký kết và những vấn đề quan trọng về rác thải nhựa, biến đổi khí hậu, nguồn giống rùa biển…
Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Trong khuôn khổ hội nghị, Việt Nam sẽ đề xuất Vườn quốc gia Côn Đảo trở thành thành viên Mạng lưới các khu bảo tồn rùa biển IOSEA (IOSEA Marine Turtle Site Network) và báo cáo tại phiên toàn thể để các nước thành viên xem xét thông qua. Đây là một nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn rùa biển nói riêng trong thời gian qua; khẳng định sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong lộ trình bảo vệ loài thuỷ hải sản nguy cấp, quý hiếm, chống khai thác IUU và hướng tới khai thác hải sản bền vững và có trách nhiệm.
Lưu Hương
Theo chinhphu.vn