Cập nhật: 29/11/2019 08:05:00
Xem cỡ chữ

Vĩnh Phúc có nhiều làng nghề truyền thống và mặt hàng nông sản, đặc sản, nếu khai thác, phát huy tốt sẽ góp phần phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Dựa trên lợi thế đó, chương trình mỗi xã một sản phẩm đang được các xã triển khai. Song việc triển khai chương trình OCOP ở một số địa phương đang gặp khó khăn.

Không chỉ khó khăn từ mặt bằng, đất sản xuất, hiện một số chủ cơ sở có sản phẩm được các địa phương lựa chọn tham gia OCOP vẫn đang lúng túng trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, hoàn thiện mẫu mã bao bì của sản phẩm. Bên cạnh đó hồ sơ dự thi đánh giá phân hạng sản phẩm còn thiếu nhiều.

Theo phân tích của các chuyên gia thực hiện Chương trình OCOP tỉnh, sản phẩm đặc sản trên địa bàn tỉnh tuy nhiều, song vẫn chưa được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng, bởi công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt. Việc người dân chưa nhận biết, phân biệt được sản phẩm thật, giả, sản phẩm nhập ngoại hay sản phẩm trong nước, trong khi tình trạng hàng giả, hàng nhái còn nhiều rào cản lớn trong việc thực hiện mục tiêu của Chương trình OCOP. Ngoài những thách thức nói trên, tỉnh lại chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cơ cấu còn nặng về cây lương thực chủ lực đã và đang là nguyên nhân khiến cho việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất theo hướng tập trung cho các sản phẩm làng nghề, nông nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn.

Thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu; kiến thức, kỹ năng về thị trường của cộng đồng và đội ngũ cán bộ còn hạn chế; các sản phẩm làng nghề truyền thống chưa hấp dẫn về mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng chưa rõ ràng, trong khi năng lực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của địa phương, doanh nghiệp còn yếu, xuất khẩu qua nhiều khâu trung gian khiến cho việc thực hiện Chương trình OCOP gặp nhiều trở ngại./.

Đặng Thưởng