Cả Nga và Trung Quốc đều đẩy mạnh các hoạt động trong vũ trụ. Mỹ xem đó như mối nguy hiểm về quân sự và có những động thái đối phó.
Tham mưu trưởng không quân Mỹ David Goldfein mới đây cho rằng mối đe dọa lớn nhất mà Nga và Trung Quốc tạo ra cho Mỹ là ở trong không gian vũ trụ.
Trang tin Defense News dẫn lời tướng Goldfein phát biểu tại một sự kiện ở California (Mỹ) vào đầu tháng 9/2019 như sau: “Nga là mối đe dọa tương đối nguy hiểm vì nền kinh tế của nước này suy yếu và dân số của họ tăng trưởng kém, trong khi Trung Quốc là mối đe dọa thực sự, với nền kinh tế lớn”.
Vệ tinh nhân tạo. Ảnh: Thewestsidestory.net.
Đánh giá của Goldfein xuất hiện trong bối cảnh giới lập pháp Mỹ chuẩn bị phê chuẩn việc thành lập một binh chủng mới cho tác chiến trong vũ trụ.
Các thách thức đối với Mỹ
Nga và Trung Quốc hiện nay, bên cạnh các hệ thống gây nhiễu trên mặt đất, các hệ thống laser và rocket có thể làm “câm, mù” hoặc phá hủy các vệ tinh bay ở tầm thấp, còn đang thực hiện các dự án nhỏ hơn, cơ động hơn có thể tác động vào các thiết bị của Mỹ trên không gian.
Cộng đồng tình báo Mỹ trong một báo cáo chiến lược 2019 kết luận như sau: “Các đối thủ của chúng ta đang có những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ, từ đó đặt ra các mối đe dọa mới, và các mối đe dọa này vẫn đang gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực vũ trụ, không gian mạng, vi tính và các công nghệ phá rối mới nổi khác”.
Báo cáo giải thích thêm: “Bây giờ không còn địa hạt của riêng Mỹ nữa. Quá trình dân chủ hóa không gian tạo ra các thách thức đáng kể cho Mỹ”. Theo báo cáo này, các vũ khí chống vệ tinh của Nga và Trung Quốc có thể “giảm mức độ hiệu quả quân sự của Mỹ cũng như an ninh tổng thể của Mỹ”.
Giữa năm 2013 và 2015, chính quyền Nga đã phóng vào quỹ đạo một số vệ tinh mà Mỹ cho là bí hiểm.
Các vật thể vũ trụ Kosmos-2491, -2499 và -2504 của Nga có thể bay dọc ngang trên các mặt phẳng quỹ đạo ở độ cao hàng trăm ngàn “feet” (một feet xấp xỉ 0,3m) so với mặt đất. Các vệ tinh này nhỏ và cơ động, có thể tiến sát các vệ tinh khác ở khoảng cách tính bằng mét.
Anatoly Zak, một nhà sử học về vũ trụ, nói về các bộ ba Kosmos nói trên: “Bạn có thể trang bị thiết bị phóng laser cho chúng, thậm chí đặt một số vật liệu nổ trên đó. Nếu một trong các thiết bị này tiến rất sát với một vệ tinh quân sự nào đó, nó có thể gây hại”.
Hồi tháng 6/2016, cơ quan vũ trụ Trung Quốc phóng vệ tinh Roaming Dragon lên quỹ đạo thấp.
Một cách chính thức, Roaming Dragon là một thiết bị thu hồi rác thải vũ trụ. Theo Bắc Kinh, công việc của vệ tinh này là kéo các thiết bị vũ trụ cũ kỹ và các mảnh vỡ trên quỹ đạo Trái Đất và tống chúng một cách an toàn xuống bề mặt Trái Đất.
Thế nhưng Roaming Dragon có một thiết kế đặc biệt. Nó rất cơ động và nhanh nhẹn, có cánh tay robot nối dài. Nhờ đó nó có thể hoạt động như một vũ khí, có thể xích lại gần và tháo dỡ vệ tinh thuộc về các quốc gia đối thủ.
Nga và Trung Quốc không phải là các nước duy nhất trong việc triển khai các thiết bị vũ trụ có thể vũ khí hóa được. Mỹ, Thụy Điển và Nhật Bản đều đã thử nghiệm hoặc triển khai các vệ tinh cơ động có thể thực hiện các thủ thuật bay gần mà cả vệ tinh của Nga và Trung Quốc đều làm được. Tuy nhiên, Moscow và Bắc Kinh đang triển khai các vũ khí không gian tiềm tàng với số lượng lớn hơn các nước khác.
Đối sách của lãnh đạo không quân Mỹ
Tướng Mỹ Goldfein đã phê chuẩn 3 phương pháp để đánh bại các mối đe dọa của Nga và Trung Quốc trong vũ trụ. Ông nói: “Chúng tôi phải bảo vệ những gì chúng tôi có. Đồng thời, chúng tôi cần chuyển đổi sang cơ sở hạ tầng có thể bảo vệ được. Và chúng tôi cần chuyển đổi lực lượng của chúng tôi thành một lực lượng chiến đấu”, chứ không phải dừng lại ở một lực lượng chỉ quen vận hành thiết bị vũ trụ trong một môi trường “tương đối thân thiện”.
Tướng Goldfein cũng đã phê chuẩn hành động “đánh phủ đầu”. Ông nói: “Trong mỗi cuộc đấu quân sự, chúng tôi xác định rằng nếu ta ra tay trước trong vũ trụ, chưa chắc chúng ta đã thắng. Nhưng nếu ta ra tay sau, nhiều khả năng ta sẽ thua cuộc”.
Quốc hội Mỹ sẽ phê chuẩn việc thiết lập một binh chủng vũ trụ mới, bắt đầu bằng ngân sách quốc phòng 2020. Động thái này được giới chức Mỹ hy vọng là sẽ tái định hướng các lực lượng vũ trụ của Mỹ để ứng phó với một môi trường không gian mà theo họ mang tính thù địch nhiều hơn.
Dự kiến “lực lượng vũ trụ” mới này của Mỹ sẽ là một lực lượng tách biệt bên trong Không quân Mỹ, khá giống với lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ nằm dưới dự quản lý của Bộ Hải quân Mỹ (nằm trong Bộ Quốc phòng Mỹ). Nhân sự từ Không quân Mỹ hiện nay sẽ được điều chuyển sang binh chủng mới này, trong khi đó quân chủng hải quân và lục quân Mỹ vẫn được giữ lại các nhân sự vũ trụ của riêng họ./.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN