Cập nhật: 18/12/2019 09:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hội nghị lãnh đạo TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL về liên kết hợp tác phát triển du lịch lần thứ 2 năm 2019 do UBND TP.HCM và UBND 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL tổ chức ngày 14.12, tại tỉnh Bạc Liêu. Hội nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của các địa phương nói trên.

TP.HCM là trung tâm du lịch lớn nhất cả nước với thị trường 9 triệu dân

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng và lãnh đạo UBND TP.HCM, 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL tham dự.

Thiếu chiến lược

Khu vực ĐBSCL có vị trí gần tuyến hàng hải Đông - Tây và nằm trong hành lang kinh tế Tiểu vùng sông Mekong, rất thuận lợi để thu hút du lịch. Qua nhiều thế kỷ, cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa đã hình thành một nền văn hóa sông nước theo những đặc trưng riêng biệt gắn với hệ sinh thái tự nhiên và nền nông nghiệp lúa nước đặc thù. Bên cạnh đó, khu vực ĐBSCL có bờ biển dài, nhiều đảo lớn nhỏ với tiềm năng về du lịch biển, đảo rất phong phú. Ngoài các yếu tố thuận lợi trên, ĐBSCL còn tiếp giáp với TP.HCM, cùng tạo nên dư địa rất lớn để khai thác thị trường du lịch, nhất là với thị trường 9 triệu dân của TP.HCM và hơn 20 triệu dân của ĐBSCL, rồi lượng du khách rất lớn từ các vùng miền và khách quốc tế thông qua “cảng trung chuyển” TP.HCM. Chính vì vậy, ĐBSCL có tiềm năng rất lớn để liên kết với TP.HCM, tạo ra không gian du lịch đặc sắc, thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế du lịch khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Mặc dù có tiềm năng rất đa dạng và phong phú, nhưng nhìn chung du lịch toàn vùng ĐBSCL vẫn chưa thực sự phát triển, thiếu các trung tâm và điểm đến du lịch có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng quốc tế, sản phẩm du lịch kém đa dạng và gần giống nhau giữa các tỉnh trong vùng. Chúng ta đang thiếu một chiến lược phân vùng và liên kết du lịch để tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch toàn vùng. Để phát triển du lịch một cách bền vững, các địa phương cần tăng cường đầu tư trong chương trình liên kết, nhất là khuyến khích các doanh nghiệp lớn trên địa bàn TP.HCM đầu tư vào du lịch vùng ĐBSCL”. Còn ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng: “Việc liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP.HCM thời gian qua chưa thật toàn diện nên chưa phát huy tiềm năng hợp tác giữa các bên, chưa khai thác triệt để tài nguyên du lịch của các tỉnh. Điều này thể hiện qua việc quy hoạch chưa có tính đồng bộ, phối hợp thiếu chặt chẽ ở các dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng”.

Khách quốc tế đến cả vùng không bằng một tỉnh

Năm 2018, khu vực ĐBSCL đã thu hút 40,7 triệu lượt khách nhưng trong đó chỉ có 3,4 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 24.000 tỉ đồng. Con số này còn quá khiêm tốn so với tiềm năng du lịch rất lớn của vùng. Lượng khách quốc tế của khu vực ĐBSCL năm 2018 cộng lại chưa bằng lượng khách đến một tỉnh ở khu vực Nam Trung Bộ (năm 2018, riêng tỉnh Quảng Nam đã tiếp đón 3,8 triệu lượt khách quốc tế). Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đưa ra những con số để so sánh sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của ĐBSCL: “Nhìn sang các điểm du lịch lân cận trong khu vực Đông Nam Á, các con số này tạo khoảng cách quá lớn cho toàn vùng ĐBSCL. Ví dụ so với Bangkok (Thái Lan), chỉ với 9 triệu dân nhưng năm 2018 Bangkok đã đón gần 22 triệu lượt khách quốc tế hoặc như Singapore dân số bằng 1/2 dân số TP.HCM nhưng năm 2018 Singapore đón 18,5 triệu lượt du khách quốc tế và ngành Du lịch đem đến cho quốc đảo này gần 20 tỉ USD mỗi năm, cao hơn 3 - 4 lần so với TP.HCM và cao hơn 19 lần so với toàn vùng ĐBSCL”.

Theo ước tính, năm 2019 ĐBSCL đón 47 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách lưu trú ước đạt 13,5 triệu lượt, tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 30.000 tỉ đồng.

 

Ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và ĐBSCL

Thành lập Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch

Tại Hội nghị lần này, TP.HCM và các tỉnh, thành phố: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long thống nhất ban hành “Thoả thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL giai đoạn 2020- 2025” và thành lập “Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL” do Chủ tịch UBND TP.HCM là Chủ tịch Hội đồng, các Phó chủ tịch UBND TP.HCM và Phó chủ tịch UBND phụ trách du lịch các tỉnh là Cụm trưởng.

Đại diện các doanh nghiệp du lịch cho rằng nên lấy TP.HCM làm điểm tiếp nhận, phân phối khách chính đến ĐBSCL, quy hoạch 3 trục tuyến chính, mỗi tuyến có đặc trưng sản phẩm khác biệt, kết nối giữa các tỉnh. Ba tuyến trục sản phẩm du lịch TP.HCM- ĐBSCL tập trung phát triển trong thời gian tới nên theo hướng sau: “Tuyến du lịch xuyên tâm”: Những nẻo đường phù sa (TP.HCM- Long An - Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; “Tuyến du lịch hành lang ven biển phía Nam”: Non nước hữu tình (TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau; “Tuyến du lịch theo hướng biên giới phía tây tiếp giáp Campuchia”: Sắc màu vùng biên (Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang)…

Liên kết phát triển trong du lịch được nhận diện là một trong những đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cả vùng ĐBSCL và TP.HCM. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch vẫn tồn tại một số hạn chế liên quan đến việc quy hoạch, kết nối giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, thương hiệu du lịch liên kết vùng đặc trưng của 14 tỉnh, thành, cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin… Vì thế, khi thực hiện “Thoả thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch từ năm 2020”, các tỉnh, thành tham gia liên kết cần tập trung phát huy các di sản văn hóa, con người để có những sản phẩm du lịch riêng biệt, ứng dụng công nghệ mới để tăng cường kết nối, phát triển du lịch thông minh, phát triển bền vững cả về số lượng lẫn chất lượng du lịch.

Việc liên kết du lịch một địa phương không thể làm được mà cần có sự tham gia của các tỉnh, thành liên quan. Liên kết phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL có thể hỗ trợ, khai thác các tiềm năng lẫn nhau. Dựa vào thế mạnh của các tỉnh, thành để hình thành tuyến sản phẩm, chương trình du lịch cụ thể. Cần có sự điều phối, liên kết các dòng sản phẩm du lịch cho hợp lý, tận dụng được thế mạnh của các địa phương. Trong đó, cần đặt mục tiêu cụ thể từ việc liên kết là tăng chi tiêu bình quân của du khách tại các tỉnh, kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi tới các tỉnh. Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng phải có cơ chế đồng hành, thúc đẩy các doanh nghiệp lữ hành khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc biệt là cần kêu gọi những tập đoàn du lịch lớn tham gia để tạo sự phát triển mạnh mẽ hơn.

(Bí thư Thành ủy TP.HCM NGUYỄN THIỆN NHÂN)

Trên cơ sở Thoả thuận, TP.HCM và các địa phương cần xây dựng kế hoạch liên kết, hợp tác cụ thể cho những nội dung đã xác định, từ đó đề ra kế hoạch liên kết, hợp tác hằng năm. Ngoài ra, các địa phương trong vùng cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng cường quản lý điểm đến, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, xây dựng môi trường du lịch văn minh thân thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh.

(Thứ trưởng LÊ QUANG TÙNG)

 THÚY HÀ; ảnh: BÙI THANH TOÀN

Theo baovanhoa.vn

Tệp đính kèm