Vùng biển, đảo huyện Kim Sơn có diện tích khá lớn, rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển tổng hợp, trọng điểm về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc gia; tổ chức các hoạt động cảng biển, dịch vụ vận tải và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản... Để đánh thức tiềm năng, tạo ra động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ cho vùng đất mới này, tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt quy hoạch tổng thể để khai thác hiệu quả lợi thế của khu vực phục vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ an ninh vùng biển của Tổ quốc.
Nhiều hộ dân khai thác vùng bãi ngang ven biển, đảo huyện Kim Sơn nuôi ngao làm giàu.
Tiềm năng, lợi thế lớn
Khu vực bãi ngang ven biển, đảo thuộc huyện Kim Sơn (Ninh Bình) hiện có bốn đơn vị hành chính, gồm thị trấn Bình Minh, ba xã Kim Đông, Kim Hải và Kim Trung. Ở đây có dải bãi bồi rộng lớn rất thuận lợi cho nuôi trồng hải sản. Có những cánh rừng sú, vẹt, bần, đước ngập mặn, xanh ngút ngàn, luôn che chắn bão to, sóng lớn bảo vệ đê biển, làng mạc, dân cư trong vùng. Rừng ngập mặn Kim Sơn là nơi cư trú hàng trăm loài chim, trong đó có loài di cư, hơn 50 loài chim nước mặn và nhiều loài quý hiếm ghi trong Sách đỏ. Sinh cảnh, thiên nhiên đa dạng, phong phú, cho nên khu vực bãi ngang ven biển, đảo Kim Sơn được coi là vùng dự trữ sinh quyển thế giới. Nhiều năm qua, khu vực này được Trung ương, tỉnh Ninh Bình quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đê biển Bình Minh (BM) 1, BM2, BM3; hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; hệ thống đường giao thông kết nối quốc lộ 10 với trung tâm các xã nêu trên; xây dựng khu thuyền tránh, trú bão; chợ đầu mối thủy sản. Năm 2019, nhiều công trình, dự án khác được đưa vào sử dụng phục vụ bảo vệ an ninh vùng biển, phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế biển như: Đường dẫn ra trạm Biên phòng đảo Cồn Nổi dài gần 6 km, do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Ninh Bình làm chủ đầu tư; dự án xây dựng kè cứng, kè mềm chắn sóng do Bộ Tư lệnh Biên phòng làm chủ đầu tư đang thi công ... Với tiềm năng, lợi thế đó, Kim Sơn có thể phát triển mạnh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc gia; du lịch khám phá biển, tắm biển và tìm hiểu thế giới tự nhiên; du lịch nông nghiệp đồng quê; tổ chức các hoạt động cảng biển, dịch vụ vận tải; nuôi trồng, đánh bắt hải sản, mở hướng làm giàu cho nhân dân.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển ở đây còn nhỏ lẻ. Theo Trạm trưởng Thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh (thuộc Chi cục Thủy sản Ninh Bình), Phạm Văn Hải, ngành kinh tế biển ở Kim Sơn mới chỉ có hình thức nuôi tôm sú quảng canh; nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi cua xanh, sản xuất hàu giống ở các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải, năng suất đạt từ 6 đến 7 tấn/ha. Anh Vũ Văn Lân, Tổ trưởng tổ kinh tế biển thuộc UBND huyện Kim Sơn cho biết: ‘‘Khu vực từ đê BM2 đến đê BM 3 và từ đê BM3 đến đảo Cồn Nổi, có hơn 1.150 hộ dân, cá nhân khai thác tận thu hải sản với diện tích 2.571 ha trên tổng diện tích 3.000 ha vùng bãi ngang ở Kim Sơn. Đất đai màu mỡ, địa hình bằng phẳng, hạ tầng giao thông cơ bản hoàn thiện, tiềm năng là vậy, song việc thu hút đầu tư ở Kim Sơn còn hạn chế, nhất là thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển. Do vậy, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của huyện mới đạt bình quân 7,8%/ năm, hiệu quả đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản ở khu vực bãi ngang ven biển rất thấp, khó đạt được mục tiêu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp 7% tổng GDP của tỉnh’’. Tìm hiểu chúng tôi được biết: Nguyên nhân chính là do huyện Kim Sơn chưa chú trọng phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế tài nguyên, thiên nhiên để phát triển kinh tế biển.
Kim Sơn có nghĩa là “núi vàng”, trước đây huyện được coi là giàu nhất ở tỉnh Ninh Bình. Bây giờ nếu tính cụ thể các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhiều mục tiêu khác, thì Kim Sơn có khi lại là huyện nghèo nhất tỉnh. Chủ tịch UBND xã Kim Đông Trần Đức Thuận khẳng định: ‘‘Lý do nghèo còn vì nhiều diện tích vùng bãi ngang của huyện chưa được đo đạc đất đai, lập bản đồ địa chính và công bố quy hoạch, cho nên người dân chưa thật sự yên tâm sản xuất’’. Tại kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức đầu tháng 12-2019, một số đại biểu khẳng định khu vực nêu trên còn tồn tại nhiều bất cập khác. Đó là việc bảo tồn đa dạng sinh học luôn phải chịu sức ép từ hoạt động chặt phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy hải sản; hình thức khai thác hải sản tận diệt có chiều hướng gia tăng; công tác quản lý, bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải, sự cố tràn dầu chưa được quan tâm đúng mức. Đáng nói hơn là tình trạng nhiều hộ dân nuôi trồng thủy hải sản ở đây có biểu hiện ‘‘ngầm’’ mua bán, chuyển nhượng đầm bãi không thông qua cơ quan quản lý nhà nước. Khi các mốc giới xác định diện tích của một số hộ tạm thuê đất bãi bồi sản xuất bị sóng to, gió lớn đánh trôi sinh ra tranh chấp, khiếu kiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự.
Sớm xây dựng vùng kinh tế biển năng động
Từ năm 2015, tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 378, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Đỗ Hồng Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Đó là động lực để Kim Sơn phát triển vùng bãi ngang ven biển thành khu kinh tế tổng hợp, năng động, đa ngành, đa lĩnh vực. Điểm nhấn là mở rộng diện tích rừng ngập mặn bảo vệ môi trường sinh thái, gắn với bảo vệ an ninh vững chắc vùng biển của Tổ quốc; xây dựng đô thị đảo Cồn Nổi, đô thị Bình Minh, Kim Đông và toàn bộ vùng bãi ngang ven biển trở thành khu du lịch sinh thái biển, du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, tham quan làng nghề... tầm cỡ quốc gia. Thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp chế biến nông - thủy hải sản; mở rộng khu chuyên canh nuôi trồng thủy, hải sản, đến năm 2030 đạt 4.100 ha; phát triển hệ thống giao thông hướng ra biển, phấn đấu giai đoạn từ năm 2021 đến 2030, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân trong vùng đạt 13%.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, trước mắt huyện Kim Sơn cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó tập trung đổi mới ba khâu then chốt gồm: Quản lý, khai thác và phát triển tài nguyên vùng bãi ngang ven biển; Chú trọng thu hút nguồn lực đầu tư theo hình thức xã hội hóa phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển; Nghiên cứu, đề xuất với tỉnh Ninh Bình, với T.Ư thực hiện một số cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp những nét đặc thù, khó khăn của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.
Để phát triển nhanh kinh tế biển đảo, giải pháp trước mắt trong năm 2020 là huyện cần khẩn trương phối hợp ngành chức năng của tỉnh hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính khu vực từ đê BM 2 đến Cồn Nổi và sớm hoàn thành quy hoạch chung xây dựng đô thị Cồn Nổi từ đó mới có cơ sở để thu hút, kêu gọi được các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, là vùng dự kiến có nhiều chương trình, dự án lớn đầu tư, cho nên huyện Kim Sơn cần tập trung chỉ đạo các xã vùng mép nước: Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung phối hợp Bộ đội Biên phòng, Công an và các cơ quan chức năng của huyện tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp chuyển nhượng đầm bãi trái quy định của pháp luật, để hạn chế phát sinh khiếu kiện khi thu hồi đất cho các dự án. Mặt khác, tỉnh Ninh Bình cần sớm công bố quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết vùng bãi bồi nêu trên, mới bảo đảm các điều kiện “cần và đủ” để người dân yên tâm sản xuất, tăng cường thu hút đầu tư nuôi trồng thủy hải sản, kiểm soát dịch bệnh, phát triển kinh tế biển theo hướng năng động, đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản, phát triển du lịch biển ở các tỉnh vùng châu thổ sông Hồng.
BÀI VÀ ẢNH: LÊ HỒNG
Theo nhandan.com.vn