Các chiến thuật chiến tranh thương mại ngắn hạn của ông Trump chỉ là một cú hích thúc đẩy cuộc chiến tranh Lạnh lần thứ 2 đến gần hơn.
Các chính trị gia Mỹ và phần lớn người dân nước này đều tin rằng Trung Quốc chính là mối đe dọa trong kỷ nguyên hiện tại, điều đó đã tác động lớn đến tình hình địa chính trị tại Châu Á, chuyên gia Gary Clyde Hufbauer, thuộc Viện kinh tế Quốc tế Peterson nhận định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN.
Vào năm 2018, 99 năm sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 1, 73 năm sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2 và 26 năm sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh đầu tiên, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã thông báo về một Cuộc chiến tranh Lạnh lần thứ 2, lần này là với Trung Quốc. Vũ khí ở thời điểm hiện tại là thương mại, đầu tư và công nghệ. Theo chuyên gia Gary Clyde Hufbauer, trong năm 2020 và thời điểm sau đó, dấu ấn của cuộc chiến tranh Lạnh thứ 2 sẽ thách thức các nhà lãnh đạo ở Châu Á và nhiều nơi khác.
Tổn hại từ cuộc chiến thương mại
Giới phân tích cho rằng, mặc dù Tổng thống Trump đưa ra những lời nhận xét khác nhau về Trung Quốc, nhưng mục tiêu hàng đầu của ông cho năm 2020 là một nền kinh tế phát triển vượt bậc, bởi nếu không có điểm sáng này, triển vọng tái đắc cử của ông sẽ bị hạ thấp. Đối với tương lai chính trị của ông Trump, kinh tế quan trọng hơn nhiều so với ván bài luận tội. Cuộc chiến thương mại đã giúp bù đắp phần lớn những thiệt hại do quyết định cắt giảm thuế năm 2017 gây ra. Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm của nước Mỹ năm 2017 đã làm gia tăng thâm hụt ngân sách liên bang lên đến gần 800 tỷ USD mỗi năm, và cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 21% tương đương với các nước phát triển khác.
Nhưng cuộc chiến này cũng gây ra những hệ lụy không hề nhỏ, làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn thế giới và làm giảm động lực đầu tư toàn cầu. Tổng thống Trump có thể không hài lòng với những đánh giá của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell nhưng việc lãi suất ở Mỹ đang giảm xuống mức âm là điều không thể phủ nhận. Những gì ông Trump có thể làm là xem xét lại cuộc chiến thương mại. Chuyên gia Gary Clyde Hufbauer cho rằng, trước mắt cuộc chiến này sẽ không leo thang. Thay vào đó, việc Mỹ cắt giảm một phần thuế quan hiện tại để đổi lấy tăng cường xuất khẩu nông sản nhiều khả năng sẽ diễn ra.
Nguy cơ tiềm ẩn về cuộc chiến tranh Lạnh lần thứ 2
Chuyên gia Gary Clyde Hufbauer đánh giá, các chiến thuật chiến tranh thương mại ngắn hạn của ông Trump chỉ là một cú hích thúc đẩy cuộc chiến tranh Lạnh lần thứ 2. Cho dù ông Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử 2020 hay một thành viên nào đó của đảng Dân chủ chiếm ưu thế thì điều đó cũng tạo ra rất ít sự khác biệt. Bởi nhà lãnh đạo Mỹ cùng các đối thủ Dân chủ của ông và phần lớn người dân Mỹ đều tin rằng Trung Quốc mới là mối đe dọa trong kỷ nguyên này.
Tuy nhiên có sự khác biệt về mức độ nhìn nhận mối đe dọa từ Trung Quốc. Một số nhân vật chính trị cấp cao của Mỹ như Thượng nghị sỹ Cộng hòa và Thượng nghị sỹ Dân chủ Charles Schumer coi Trung Quốc là “mối đe dọa hiện hữu”. Trong khi những người khác như Thượng nghị sỹ Cộng hòa Rob Portman đưa ra các phản ứng riêng biệt đối với sự thiếu công bằng về thương mại và đầu tư. Còn chính khách Henry Kissinger thì giữ giọng điệu ôn hòa, cảnh báo rằng Washington và Bắc Kinh đã chạm tới “chân của một cuộc chiến tranh Lạnh” khi tìm thấy ít sự đồng thuận trong môi trường chính trị hiện nay.
Theo phân tích của Gary Clyde Hufbauer, trong năm 2020 và thời điểm sau đó, thương mại song phương Mỹ-Trung có khả năng bị đình trệ hoặc co hẹp lại nhưng công nghệ sẽ là vũ khí hàng đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ 2. Mỹ đã yêu cầu nghiêm ngặt các công ty công nghệ nước này hạn chế bán thiết bị cho Huawei. Trong một thời gian ngắn, thiếu hụt công nghệ sẽ làm chậm lại khát vọng phát triển công nghiệp của Trung Quốc. Nhưng điều này sẽ không kéo dài. Không ngạc nhiên khi thấy rằng Huawei đang sản xuất hàng loạt điện thoại thông minh mà không cần phụ kiện của Mỹ.
Trung Quốc tung “đòn tấn công quyến rũ”
Trong khi Mỹ bận rộn với cuộc chiến thương mại, Trung Quốc đã phát động một “cuộc tấn công quyến rũ về kinh tế”. Vào thời điểm mà sự cởi mở về thương mại dễ dẫn đến nhiều rủi ro, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lặp lại tuyên bố rằng Trung Quốc luôn sẵn sàng mở rộng hoạt động nhập khẩu. Phát biểu tại Hội chợ triển lãm các mặt hàng nhập khẩu quốc tế tại Thượng Hải tháng 11 vừa qua, ông Tập Cận Bình không chỉ kêu gọi tăng cường nhập khẩu hàng hóa mà còn tán dương Tổ chức Thượng mại Thế giới (WTO) và ví toàn cầu hóa như một dòng chảy mạnh mẽ không thể ngăn cản được.
Chuyên gia Hufbauer cho rằng, người Mỹ có thể chê cười bài phát biểu của ông Tập Cận Bình nhưng họ nên tự hỏi liệu có nhà lãnh đạo nào khác của một cường quốc kinh tế sẵn sàng kêu gọi tăng cường nhập khẩu hay không. Đó chắc chắn không phải là Tổng thống Donald Trump, không phải Thủ tướng Angela Merkel của Đức hay Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản.
Châu Á ở “ngã ba đường”
Cuộc chiến tranh Lạnh lần thứ 2 mà các nhà lãnh đạo Châu Á sẽ phải đối mặt có những thách thức tương tự như cuộc chiến tranh Lạnh thứ 1 mà các lãnh đạo Châu Âu từng gặp phải, ông Gary Clyde Hufbauer cho biết.
Theo nhà phân tích này, những quốc gia châu Á gần Trung Quốc sẽ trở thành mục tiêu rõ ràng của tham vọng địa chính trị mà Bắc Kinh theo đuổi. Hiện nay, Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” và bằng nhiều biện pháp khác. Nhưng xét cho cùng, Trung Quốc vẫn là đối tác kinh tế của châu Á lớn hơn nhiều so với Mỹ. Nếu nước này không thực hiện tham vọng bằng chế tài quân sự thì sẽ có rất ít quốc gia Châu Á sẽ tham gia vào “cuộc thập tự chinh” của Washington.
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump vẫn chưa thực hiện biện pháp quen thuộc trong lĩnh vực trừng phạt kinh tế, đó là sử dụng những hạn chế về tài chính để ngăn chặn nước thứ 3 thực hiện giao dịch làm ăn với đối thủ Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là vào năm 2021 hay thời điểm sau đó, liệu Tổng thống Trump hoặc người kế nhiệm sẽ thực hiện biện pháp này để ngăn các nước Châu Á có công nghệ tiên tiến chia sẻ công nghệ với các công ty Trung Quốc hay không. Cần phải nhắc lại rằng, Mỹ đã từng thất bại trong nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục các nước châu Âu mua sản phẩm công nghệ của Huawei.
Theo Hồng Anh/VOV.VN