Quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu năm 2019 có nhiều khúc mắc, nhiều khác biệt về quan niệm cũng như chính sách ở mọi khía cạnh.
Hơn 7 thập kỷ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai, sự kiện đã xác lập trật tự thế giới hiện đại, cũng như mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, dư luận lại chứng kiến cuộc khủng hoảng của chính nền tảng này. Mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu năm 2019 được biểu hiện ra ở nhiều khúc mắc, những khác biệt về quan niệm cũng như chính sách ở mọi khía cạnh, từ chính trị, an ninh quốc phòng, cho tới kinh tế.
Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Hurriyet Daily News
Nguyên nhân bùng phát căng thẳng
Năm 2019 là quãng thời gian chúng ta được chứng kiến rõ nhất sự chia rẽ sâu sắc trong quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, trên rất nhiều khía cạnh. Đó không chỉ là những lời lẽ gay gắt mà lãnh đạo đôi bên nhằm vào nhau mà còn là những hành động, chính sách nhằm trừng phạt lẫn nhau.
Nguyên nhân trực tiếp đầu tiên, mà tất cả chúng ta đều có thể nhận thấy, khiến cho quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh châu Âu bùng nổ mâu thuẫn trong không chỉ năm 2019 mà còn các năm trước, đó là việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Đây là nguyên nhân trực tiếp bởi sau khi lên làm Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã ngay lập tức có những chỉ trích nhằm vào châu Âu.
Ở đây có một số khía cạnh chúng ta cần đề cập.
Thứ nhất, ông Donald Trump vốn không phải là một chính khách chuyên nghiệp nên hầu như không quen thuộc, thậm chí là xem nhẹ các quy tắc lễ tân ngoại giao truyền thống, sẵn sàng dùng những phương thức giao tiếp không chuẩn mực, như thông qua mạng xã hội, hoặc những từ ngữ mạnh mẽ và nặng nề nhằm vào các nước đồng minh cũng như cá nhân lãnh đạo các nước này. Việc này đã diễn ra nhiều lần trong các lần ông Trump chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Thủ tướng Anh trước kia là bà Theresa May. Đây là cách hành xử gây ra rất nhiều bức xúc với các nước châu Âu.
Thứ hai, đó là việc ông Donald Trump đang điều hành nước Mỹ giống như điều hành một doanh nghiệp gia đình, với phong cách trực diện nhưng cũng khá tuỳ tiện và khó đoán, đồng thời nhiều khi xem chuyện an ninh-đối ngoại như một sự đổi chác về mặt thương mặt. Với phong cách và tư duy đó, ông Trump đã đề cập một cách trần trụi các mâu thuẫn vốn đang âm ỉ trước đây giữa Mỹ và EU, chủ yếu là chuyện đóng góp tài chính và san sẻ trách nhiệm trong NATO, đồng thời mang chuyện an ninh ra làm con bài mặc cả. Đó là cách tiếp cận có thể nói là tương đối thô bạo, không hề tuân thủ phép tắc ngoại giao truyền thống và đặc biệt là gây sốc cho châu Âu vì châu Âu vẫn tự xem mình là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ.
Tuy nhiên, tất cả những điều này không có nghĩa là ông Donald Trump là nguyên nhân gây ra mọi đổ vỡ trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Trên thực tế thì quan hệ chiến lược này đã có rạn nứt từ nhiều năm qua, khi các chính quyền Mỹ dần thay đổi các ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Dưới thời ông Bush, hai nước đứng đầu châu Âu là Đức và Pháp đã mâu thuẫn gay gắt với Mỹ khi phản đối việc can thiệp quân sự vào Iraq năm 2003.
Đến thời ông Barack Obama, khi Mỹ công khai việc dịch chuyển chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương thì châu Âu đã không còn giữ được vai trò trọng tâm trong chính sách của Mỹ và hướng đi của hai bên ngày càng xa rời nhau hơn khi Mỹ cũng rút dần khỏi Trung Đông, nơi vốn có tác động an ninh trực tiếp đến châu Âu.
Do đó, khi nước Mỹ có một Tổng thống xem nhẹ phép tắc ngoại giao và sẵn sàng đòi hỏi như ông Donald Trump thì sự lệch pha giữa hai bên ngày càng nhiều hơn và bùng nổ công khai. Ông Donald Trump chỉ là tác nhân khiến sự đổ vỡ này đến nhanh hơn. Và nếu so năm 2019 với các năm trước đó thì mâu thuẫn này ngày càng trở nên nặng nề hơn do các nước châu Âu bắt đầu phản kháng và bắt đầu toan tính đến một kịch bản nước Mỹ sau năm 2020 có một Tổng thống khác nên cũng bắt đầu ít kiềm chế hơn trong phản ứng với Mỹ.
Quyết tâm độc lập của châu Âu
Cuối năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I, 10 nước châu Âu đã họp nhau tại Pháp và ký vào “Sáng kiến can thiệp chung” do Pháp đề xuất, với ý tưởng sẽ thành lập được một đội quân phản ứng nhanh của châu Âu nằm ngoài khuôn khổ NATO có đủ năng lực hành động trong vài năm tới. Đến tháng 6/2019, nhân triển lãm hàng không Bourget ở Pháp, các nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha tiếp tục công bố mô hình máy bay chiến đấu thế hệ mới mà châu Âu dự định phát triển để không chỉ thay thế cho các phi đội máy bay thế hệ 4 là Rafael của Pháp, Typhoon Đức mà còn để trực tiếp cạnh tranh với máy bay chiến đấu thế hệ 5 và 6 của Mỹ, Nga hay Trung Quốc. Trước đó, Pháp-Đức cũng đã âm thầm triển khai một dự án khác là tích hợp công nghệ của hai nước để phát triển dòng xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ mới cho châu Âu, thay thế các dòng tăng Leclerc của Pháp và Leopard II của Đức.
Đây là các dự án cụ thể nhất để hiện thực hoá tham vọng của châu Âu nhằm xây dựng một nền quốc phòng mạnh mẽ hơn, độc lập và tự chủ hơn so với Mỹ và xa hơn nữa là có thể thành lập một quân đội châu Âu.
An ninh-quốc phòng là mấu chốt của vấn đề. Sở dĩ châu Âu phụ thuộc vào Mỹ trong nhiều thập kỷ qua vì cấu trúc an ninh hiện nay tại châu Âu được dựng nên sau Chiến tranh thế giới II, nơi người Mỹ chiến thắng còn châu Âu là các quốc gia đổ nát. Trụ cột trong cấu trúc an ninh này là khối quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO do Mỹ đứng đầu và đảm trách đến ¾ chi phí.
Trong nhiều năm Chiến tranh lạnh, cái ô hạt nhân của Mỹ đã mang lại sự cân bằng chiến lược ở châu Âu và là yếu tố an ninh sống còn với các nước này. Nhưng đổi lại, nó cũng tạo ra sự phụ thuộc, và ỷ lại, toàn diện của các nước châu Âu. Muốn thoát ra khỏi sự phụ thuộc đó thì chỉ có cách là châu Âu tự phát triển năng lực quốc phòng để có thể tự bảo vệ được an ninh cho chính mình. Hiện tại, châu Âu chưa có được năng lực đó.
Tuy nhiên, tham vọng này không dễ thực hiện.
Thứ nhất, nó phụ thuộc nhiều vào thái độ của người Mỹ. Dù chính quyền Mỹ của ông Donald Trump xem nhẹ NATO nhưng giới tinh hoa chính trị Mỹ, ở đây là cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ, cũng như các nghị sĩ thuộc Hai viện quốc hội Mỹ, vẫn chưa có thay đổi chiến lược nào trong tư duy về NATO.
Về cơ bản Mỹ vẫn xem NATO là một trụ cột có tính sống còn để bảo vệ lợi ích của Mỹ và trong tương lai có khả năng sẽ tiếp tục mở rộng NATO sang các khu vực khác trên thế giới để phóng chiếu sức mạnh của Mỹ. Vì thế, Mỹ sẽ không dễ dàng để mặc cho châu Âu phát triển năng lực quốc phòng của riêng mình bởi điều đó đồng nghĩa với việc sẽ làm suy yếu NATO, làm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ và xa hơn, là có thể tạo ra đối thủ với Mỹ.
Thứ hai, bản thân châu Âu cũng có những chia rẽ rất lớn trong nội bộ và khó có thể đoàn kết để xây dựng một chiến lược quốc phòng-an ninh chung. Nước Anh, một cường quốc kinh tế-quân sự đã rời EU và cũng đang lên kế hoạch phát triển vũ khí riêng. Nhiều nước khác, đặc biệt là tại Đông Âu và Baltic, thì hoàn toàn không có ý định rời bỏ cái ô an ninh của NATO.
Với các nước này thì NATO là sự đảm bảo tối thượng. Các nước như Rumania, Ba Lan đã và đang xây dựng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên đất mình và mời gọi Mỹ đem quân đến đóng thường trực. Vì thế, các nước này khó có thể tham gia vào các dự án khiến Mỹ không hài lòng. Cuối cùng, EU là tập hợp 27 nước có các ưu tiên về an ninh rất khác nhau nên cũng khó có thể có tiếng nói chung, mà điển hình là các khác biệt rất lớn trong cách xây dựng quan hệ với Nga.
Tương lai trục quan hệ Mỹ-châu Âu?
Trục Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu có thể sẽ không phải là nền tảng cho thế giới trong những thập kỷ tới. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và nhất là sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh thì đây quả thực là mối quan hệ xương sống cho trật tự thế giới hậu Thế chiến. Nhưng trật tự này đang ngày càng có nhiều dấu hiệu bị lung lay và sẽ bị thay thế bởi một trật tự khác.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi này, từ việc nước Mỹ đã và đang suy yếu một cách tương đối, tức tuy vẫn là siêu cường số 1 thế giới nhưng không còn giữ được vị trí thống trị bất khả xâm phạm như sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh.
Thế giới phương Tây của Mỹ và châu Âu tuy còn rất giàu có và nhiều ảnh hưởng nhưng cũng không còn thống trị được như trước. Quan trọng nhất, đó là thế giới ngày nay đã chứng kiến sự nổi lên của nhiều quốc gia-dân tộc ở nhiều vùng địa lý, từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, sự hồi sinh của Nga cho đến việc xuất hiện nước đang phát triển như BRIC và một số nước trong nhóm G20.
Vì thế, trật tự thế giới cũ phản ánh tương quan sức mạnh trong thế giới địa chính trị vốn được hình thành sau Thế chiến II và củng cố cho thế giới phương Tây sau chiến tranh lạnh, đang bị thách thức. Đó là lí do mà sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ, quốc gia dẫn đầu của trật tự cũ, với Trung Quốc và Nga, những nước muốn tạo dựng một trật tự mới, trở nên gay gắt như hiện nay và sẽ còn kéo dài nhiều thập kỷ nữa.
Với nội bộ thế giới phương Tây thì khi quyền lực và sự ảnh hưởng mất dần đi thì các mâu thuẫn nội bộ sẽ xuất hiện nhiều hơn. Về trung hạn, tôi cho rằng quan hệ đồng minh Mỹ-châu Âu vẫn sẽ được duy trì và có thể sẽ được cải thiện do về bản chất thì hai bên vẫn có rất nhiều lợi ích tương đồng, không chỉ về chính trị-kinh tế-an ninh mà còn về văn hoá, chủng tộc, tôn giáo.
Đây là các yếu tố rất quan trọng bởi dân số thế giới ngày càng đông, tài nguyên cạn kiệt, khí hậu biến đổi khiến cuộc cạnh tranh sinh tồn giữa các quốc gia-dân tộc, cộng đồng, chủng tộc… đang ngày càng bị phân hoá theo hướng cực đoan. Trật tự thế giới cũ là một trật tự ít nhiều phân chia theo ý thức hệ còn trật tự thế giới mới, theo tôi, có thể sẽ rất xem trọng vấn đề văn hoá, chủng tộc và tôn giáo. Đó có thể cũng sẽ là các yếu tố có tác động lớn đến tương lai của trục Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu.
Theo Quang Dũng/VOV.VN