Chủ tịch nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) Robert Malley đã liệt kê 10 cuộc xung đột có xu hướng nổi bật trong năm 2020.
Những cuộc xung đột trên thế giới được coi như tấm gương phản ánh xu hướng toàn cầu. Cách những cuộc xung đột này bùng phát, kéo dài, lên đến đỉnh điểm và được giải quyết phản ánh sự thay đổi trong mối quan hệ giữa các nước lớn, cường độ cạnh tranh và mức độ tham vọng của các nhân tố trong khu vực.
Binh sĩ Mỹ chiến đấu ở Afghanistan gần 20 năm qua. Ảnh: AFP.
Trong bài viết đăng tải trên tờ Foreign Policy, tác giả Robert Malley, Chủ tịch nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) đã liệt kê 10 cuộc xung đột có xu hướng nổi bật trong năm 2020.
1. Afghanistan
Số người thiệt mạng do kết quả của cuộc xung đột tại Afghanistan lớn hơn nhiều so với số người thiệt mạng trong bất cứ các cuộc xung đột hiện tại nào khác trên thế giới. Mức độ bạo lực đã tăng vọt trong hai năm qua. Các cuộc tấn công của phiến quân Taliban và của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng làm rung chuyển các thành phố và thị trấn trên khắp quốc gia này. Còn Mỹ và chính phủ Afghanistan đẩy mạnh tiến hành không kích và chiến dịch bố ráp của lực lượng đặc nhiệm. Dân thường là nạn nhân phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nhất.
Trong bối cảnh khủng hoảng chưa có dấu hiệu lắng dịu, một cuộc bầu cử Tổng thống đã diễn ra vào cuối tháng 9/2019. Theo kết quả sơ bộ, Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani nhận được trên 50% số phiếu ủng hộ. Đối thủ chính của ông Ghani là Abdullah Abdullah không chấp nhận kết quả nói trên, đồng thời cáo buộc có sự gian lận. Kết quả cuối cùng, sau khi đã xem xét các khiếu nại, dự kiến được công bố trước cuối tháng 1/2020. Vẫn chưa rõ liệu những tranh cãi này có khả năng dẫn đến cuộc bỏ phiếu thứ hai hay không nhưng nó có thể khiến các nhà lãnh đạo Afghanistan “lao tâm khổ tứ” trong năm 2020.
2. Yemen
Xung đột tại Yemen đã cướp đi tính mạng của khoảng 100.000 người, đẩy quốc gia nghèo nhất thế giới Arab đến bờ vực của nạn đói. Yemen đã trở thành một chiến địa quan trọng trong cuộc cạnh tranh rộng rãi ở Trung Đông, giữa một bên là Iran với bên kia là Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực. Tuy nhiên, nó nhanh chóng diễn biến phức tạp và có nguy cơ vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Hiện tại, cánh cửa dẫn đến cơ hội hòa bình đã được mở ra trên 2 mặt trận. Trước tiên là giao tranh giữa phe trung thành với lực lượng ly khai miền Nam, hay còn gọi là Hội đồng chuyển tiếp miền Nam (STC) và chính phủ vào tháng 8/2019 đã khiến khối chống Houthi có nguy cơ sụp đổ. Thứ hai là cuộc tấn công bằng tên lửa vào các cơ sở sản xuất dầu mỏ của Saudi Arabia mà Houthi tuyên bố nhận trách nhiệm. Cuộc tấn công đã cho thấy những rủi ro không mong muốn mà một cuộc chiến có sự can dự của Mỹ, các đồng minh vùng Vịnh và Iran gây ra.
Lo ngại về rủi ro nói trên đã thúc đẩy Saudi Arabia và Houthi tham gia đàm phán nhằm giảm leo thang xung đột và có khả năng đưa Yemen ra khỏi sân chơi của cuộc tranh giành quyền lực giữa Saudi Arabia và Iran. Nếu diễn biến mới này dẫn đến một tiến trình chính trị mới tại Yemen do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn vào năm 2020, thì cuộc khủng hoảng mới có hy vọng chấm dứt.
3. Libya
Libya từ lâu đã trở thành đấu trường cạnh tranh của các nhân tố bên ngoài. Trong bối cảnh hỗn loạn sau khi cựu lãnh đạo Muammar al-Qaddafi bị lật đổ năm 2011, các phe phái thi nhau tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài. Sự cạnh tranh trong khu vực đã phủ bóng lên sự chia rẽ giữa hai chính phủ đối đầu và liên minh quân sự của họ. Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất ủng hộ các lực lượng do tướng Haftar lãnh đạo, còn Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ các nhóm vũ trang trung thành với Thủ tướng Fayez Sarraj Sarraj.
Nhiều ý kiến cho rằng, xung đột tại Lybia không còn là sự đụng độ giữa hai phe phái chính trong nước, mà có cả sự can dự của các liên quan, làm dấy lên nỗi ám ảnh về một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Địa Trung Hải.
4. Xung đột vùng Vịnh
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã gia tăng đến mức độ nguy hiểm trong năm 2019. Dự đoán năm 2020, sự đối đầu có thể đạt đến “điểm sôi”.
Trong năm 2019 đã xảy ra một loạt diễn biến nghiêm trọng tại vùng Vịnh, đặc biệt là các cuộc tấn công vào tàu chở dầu và cuộc tấn công các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia ngày 14/9. Vụ việc cho thấy sự đối đầu giữa Mỹ và Iran không chỉ giới hạn ở hai quốc gia mà còn lan rộng khắp khu vực.
Trong khi đó, các cuộc tấn công quân sự của Israel nhằm vào Iran và các mục tiêu liên quan đến Iran bên trong Syria, Lebanon, Iraq và Biển Đỏ cũng mở ra một mặt trận mới, cực kỳ nguy hiểm.
Do nhận thức được những nguy cơ rủi ro và cái giá phải trả cho chiến tranh, một số đối thủ của Iran tại vùng Vịnh đã tìm cách giảm leo thang căng thẳng trong khi họ tiếp tục ủng hộ cách tiếp cận “gây sức ép tối đa” của chính quyền Tổng thống Trump, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã mở đường dây liên lạc với Tehran, còn Saudi Arabia đã tham gia vào cuộc đối thoại nghiêm túc với phiến quân Houthi tại Yemen. Nguy cơ xung đột leo thang đã khiến Tổng thống Pháp Macron nỗ lực giúp Mỹ và Iran tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.
Tuy nhiên, với sự ngờ vực sâu sắc, mỗi bên đều có xu hướng chờ đợi bên kia đưa ra nhượng bộ trước. Chuyên gia Robert Malley cho rằng, bước đột phá về ngoại giao để giảm căng thẳng giữa các nước vùng Vịnh với Iran nói chung, giữa Washington và Tehran nói riêng vẫn có thể xảy ra. Nhưng khi lệnh trừng phạt khiến họ phải trả giá và Iran sẵn sàng quay lại đối đầu, thời gian không còn nhiều nữa.
5. Khủng hoảng Mỹ-Triều Tiên
Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đã lắng dịu hơn sau Hội nghị Thượng đỉnh lần 1 vào tháng 6/2018. Nhưng kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 vào tháng 2/2019 kết thúc mà không đạt kết quả, bầu không khí ngoại giao trở nên ngột ngạt hơn. Khoảng cách giữa hai nhà lãnh đạo cũng ngày càng lớn. Washington giữ vững lập trường yêu cầu Triều Tiên thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và “không thể đảo ngược”, còn Bình Nhưỡng tiếp tục tìm kiếm đòn bẩy để được nới lỏng các biện pháp trừng phạt, chấm dứt các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn.
Những tháng gần đây, Triều Tiên liên tiếp thực hiện các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Hồi đầu tháng 12, nước này đã tiến xa hơn với việc thử nghiệm cái được cho là động cơ tên lửa mới dùng cho tên lửa tầm xa và công nghệ liên quan tại bãi phóng mà ông Trump thông báo rằng Triều Tiên cam kết sẽ tháo dỡ.
Theo chuyên gia Robert Malley, lựa chọn tốt nhất cho cả hai bên vẫn là xây dựng sự tin tưởng, tìm kiếm một thỏa thuận mang lại lợi ích cho 2 nước, dù chỉ là ở mức độ khiêm tốn.
6. Kashmir
Sau thời gian dài nằm ngoài “radar” giám sát của cộng đồng quốc tế, giao tranh giữa Ấn Độ và Pakistan trong năm 2019 liên quan đến khu vực tranh chấp Kashmir đã đưa nơi đây trở lại tâm điểm chú ý.
Căng thẳng leo thang ngày 14/2 sau khi phiến quân Jaish-e-Mohammed (JeM) tiến hành cuộc tấn công liều chết vào căn cứ quân đội Ấn Độ ở Pulwama, thuộc vùng tranh chấp Kashmir khiến 44 binh sĩ thiệt mạng. Đến ngày 26/2, Không quân Ấn Độ không kích căn cứ của JeM ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa Pakistan, đánh dấu cuộc không kích đầu tiên của Ấn Độ vào lãnh thổ Pakistan kể từ năm 1971. Pakistan sau đó khẳng định Ấn Độ đã bắn qua Đường ranh giới kiểm soát chia cắt hai khu vực Kashmir, làm 6 thường dân thiệt mạng. Lực lượng quân sự hai bên đã giao tranh ở khoảng một chục địa điểm biên giới.
Mẫu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi Ấn Độ quyết định hủy bỏ quy chế trao quyền tự trị đặc biệt cho khu vực Jammu và Kashmir do nước này kiểm soát và áp đặt giám sát về an ninh và liên lạc hồi tháng 8/2019. Pakistan đáp trả bằng cách trục xuất đại sứ Ấn Độ và hạ thấp quan hệ giữa hai nước. Các chính trị gia và quân đội Pakistan tuyên bố sẽ ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng ở Jammu và Kashmir. Theo giới phân tích, nếu hai bên tiếp tục có những hành động thiếu kiềm chế, xung đột quân sự là điều khó tránh.
7. Venezuela
Cuộc khủng hoảng Venezuela leo lên nấc thang mới vào đầu năm 2019 khi Chủ tịch Quốc hội Venezuela Joan Guaido, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ và các đồng minh, tự xưng làm Tổng thống lâm thời ngày 23/1.
Lãnh đạo đối lập Joan Guaido tìm mọi cách lật đổ Tổng thống Maduro, từ việc tìm kiếm sự hỗ trợ của nước ngoài đến tiến hành đảo chính vào tháng 4/2019, nhưng không thành công. Trong khi đó, Tổng thống Nicolas Maduro vẫn đứng vững với sự hậu thuẫn của quân đội và các đồng minh như Nga, Trung Quốc, Cuba. Tuy nhiên, chính phủ của ông đang bị thiếu hụt nhân lực và nguồn lực.
Chính phủ và phe đối lập đã nhiều lần đàm phán tìm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng song các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Liên Hợp Quốc ước tính có 7 triệu người Venezuela cần viện trợ nhân đạo, nhiều người trong số họ đang sinh sống tại các khu vực biên giới bị kiểm soát bởi các nhóm vũ trang.
8. Ukraine
Việc Tổng thống Volodymyr Zelensky lên nắm quyền sau cuộc bầu cử hồi tháng 4/2019 đã mang lại nguồn năng lượng mới cho các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài tại khu vực miền đông Ukraine. Cơ hội tìm kiếm hòa bình đã được mở ra, nhưng để đạt được một nền hòa bình thực sự, Ukraine vẫn phải trải qua cả một chặng đường dài.
Ngày 9/12 vừa qua, Hội nghị Thượng đỉnh Normandy (nhóm Bộ Tứ gồm các nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Đức, Ukraine) đã diễn ra tại Paris. Các nhà lãnh đạo đã đạt được đồng thuận về một số biện pháp giảm căng thẳng cho cuộc xung đột, chẳng hạn như lập ra một kế hoạch ngừng bắn toàn diện hơn, tăng cường sự giám sát của Tổ chức An ninh và hợp tác Châu Âu, thiết lập các điểm qua lại mới cho phép dân thường đi qua đường ranh giới kiểm soát chia tách khu vực do phe đối lập kiểm soát và khu vực do quân chính phủ nắm giữ.
Dù không thể xử lý toàn bộ các vấn đề, song đối thoại cấp cao bốn bên được nối lại là cơ hội mà các bên khai thác triệt để. Một vòng đàm phán nữa sẽ được Bộ tứ Normandy tiến hành trong 4 tháng tới. Tuy vậy, lệnh ngừng bắn và các kế hoạch nhằm làm giảm căng thẳng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, giao tranh có thể leo thang. Để có một nền hòa bình thực sự, ông Zelensky vẫn cần phải có sự thỏa hiệp từ Moscow, ngoài việc đàm phán về một thỏa thuận với phe đối lập tại miền Đông.
9. Burkina Faso
Burkina Faso là quốc gia mới nhất trở thành nạn nhân của tình trạng bất ổn xảy ra tại khu vực Sahel của Châu Phi.
Phiến quân Hồi giáo đã tiến hành cuộc nổi loạn tại miền bắc nước này vào năm 2016. Mặc dù cuộc nổi dậy bắt nguồn từ phía bắc Burkina Faso, nhưng dường như nó có mối quan hệ mật thiết với các chiến binh thánh chiến ở nước láng giềng Mali. Bạo lực đã lan rộng, tàn phá phần lớn phía bắc và phía đông nước này, khiến gần 500 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Bên cạnh đó, sự bất ổn tại thủ đô Ouagadougou cũng cản trở những nỗ lực ngăn chặn cuộc tấn công của các nhóm nổi dậy. Sau làn sóng biểu tình bạo lực phản đối chế độ cầm quyền 27 năm của Tổng thống Blaise Compaore, quân đội Burkina Faso ngày 30/10 đã tuyên bố giải tán Chính phủ và Quốc hội nước này, đồng thời thành lập cơ quan chuyển tiếp để điều hành đất nước. Ngày 1/11, Tổng thống Blaise Compaore đã tuyên bố từ chức và kêu gọi tổ chức bầu cử trong vòng 90 ngày. Nhiều nước và tổ chức khu vực, quốc tế đã phản đối hành vi thâu tóm quyền lực của quân đội quốc gia Tây Phi này, đồng thời yêu cầu quân đội tiến hành một cuộc chuyển giao dân sự.
10. Ethiopia
Có lẽ không nơi nào trên thế giới vừa có triển vọng lại vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong năm 2020 như Ethipoia, quốc gia đông dân nhất và có ảnh hưởng nhất tại khu vực Đông Phi. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 4/2018, Thủ tướng Abiy Ahmed đã thực hiện những bước đi táo bạo nhằm mở cửa nền chính trị trong nước. Ông đã chấm dứt cuộc đối đầu kéo dài hàng thập kỷ đối với nước láng giềng Eritrea, thả các tù nhân chính trị, chào đón phiến quân trở về sau thời gian lưu đày, bổ nhiệm các nhà cải cách vào những vị trí chủ chốt. Ông đã giành được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước bao gồm cả giải Nobel Hòa bình 2019.
Tuy nhiên, ông Abiy Ahmed cũng phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Tự do hóa và nỗ lực phá bỏ trật tự hiện có đã mang lại nguồn năng lượng mới quốc gia, nhưng lại làm suy yếu vai trò của nhà nước trung ương. Xung đột sắc tộc gia tăng khiến hàng trăm người thiệt mạng, hàng triệu người phải đi lánh nạn. Cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 5/2020 có thể làm bùng phát bạo lực và gây chia rẽ trong bối cảnh các ứng cử viên nỗ lực lôi kéo sự ủng hộ của các nhóm sắc tộc trong cuộc bỏ phiếu.
Theo Hồng Anh/VOV.VN