Cập nhật: 12/01/2020 09:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong điều kiện thời tiết lạnh, 2 chứng bệnh dị ứng thường gặp nhất là viêm mũi dị ứng và hen. 2 bệnh có liên quan đến nhau và làm gia tăng bệnh cảnh của nhau.

Trong điều kiện thời tiết lạnh, lại đang giao mùa giữa mùa đông và xuân, nhiệt độ chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm rất lớn như hiện nay cộng với các yếu tố ô nhiễm môi trường như khói, bụi… thì các chứng bệnh dị ứng có nhiều điều kiện để phát triển và gia tăng. Hai chứng bệnh dị ứng thường gặp nhất là viêm mũi dị ứng và hen. Hai bệnh có liên quan đến nhau và làm gia tăng bệnh cảnh của nhau.

Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm lớp lót (niêm mạc) trong mũi và hầu họng. Tình trạng viêm làm cho lớp lót này trở nên nhạy cảm bất thường và có thể bị kích ứng bởi không khí lạnh, khói, mùi khó chịu, ăn thực phẩm có nhiều kích thích (tiêu, ớt,...) và khói thuốc lá. Biểu hiện có thể là ngứa, đau họng, nghẹt mũi hay chảy nước mũi.

Hen suyễn là một bệnh lý ở hệ hô hấp, trong đó, đường phế quản bị thu hẹp lại do phản ứng với tác nhân gây dị ứng như bụi, thú nuôi trong nhà, nấm mốc, phấn hoa, khói, mùi, bụi nước, rượu, thuốc lá; không khí lạnh; một số thuốc chữa bệnh hay các kích thích về cảm xúc. Đường hô hấp bị thu hẹp sẽ tạo nên những cơn rít, thở nhanh, ngực bị co ép và ho. Tình trạng cấp tính trầm trọng của suyễn được gọi là lên cơn hen. Dấu hiệu của cơn hen là thở dồn dập và khò khè; ho từng cơn tạo ra đờm trong; có dấu hiệu thắt ngực, thở khó khăn, thở ra nhiều; nhịp tim nhanh, tiếng từ trong cuống phổi khiến người bệnh xanh xao vì thiếu ôxy và có thể bị đau ngực hay mất tri giác. Cơn suyễn nguy hiểm có thể làm ngừng hô hấp và có thể dẫn đến tử vong.

Ảnh hưởng của viêm mũi dị ứng lên hen suyễn

Viêm mũi dị ứng và hen suyễn có một vấn đề chung là dị ứng. Điều này có nghĩa là hệ miễn dịch của người bệnh phản ứng lại các chất gây dị ứng. Mũi và phế quản cùng thuộc hệ hô hấp. Vì thế, chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Thống kê ở Úc thấy rằng, đa số những người bị hen suyễn có bị viêm mũi dị ứng (lên đến 80%). Lưu ý rằng, triệu chứng của hen suyễn có thể che đậy triệu chứng viêm mũi dị ứng, vì thế nếu bạn bị hen suyễn, nên kiểm tra xem mình có bị viêm mũi dị ứng hay không. Triệu chứng của viêm mũi dị ứng thường gặp là: đau họng thường xuyên, chảy nước mũi, ngứa mũi, khàn giọng, nghẹt mũi thường xuyên mà không có các triệu chứng khác, thường phải thở bằng miệng (đặc biệt lúc ngủ) và hay gặp ở trẻ em, ngủ thường hay ngáy, mũi mất cảm giác về mùi, thường hay bị rối loạn giấc ngủ...

Viêm mũi dị ứng có thể làm cho việc kiểm soát hen suyễn trở nên khó khăn hơn. Điều trị hiệu quả viêm mũi dị ứng có thể làm giảm cơn hen suyễn và giúp cho phổi làm việc tốt hơn. Viêm mũi dị ứng đặc biệt là khi bị nghẹt mũi rất dễ làm mất ngủ và mất ngủ lại gây ra rất nhiều hệ lụy, trong đó dễ bị lên cơn hen. Do cơn hen thường hay tái phát vào ban đêm.

Những điều cần tránh khi bị viêm mũi dị ứng và hen

Không nên hút thuốc và tránh ngồi gần người hút thuốc lá. Khói thuốc lá làm cho viêm mũi dị ứng và hen suyễn trở nên tồi tệ hơn và nó cũng làm cho các thuốc dự phòng giảm tác dụng.

Thường thì cùng dị ứng nguyên có thể khởi phát cả hen suyễn lẫn viêm mũi dị ứng, vì vậy, rất hữu ích khi xác định được các dị nguyên gây dị ứng và tránh chúng khi có thể. Tuy nhiên, việc này lại rất khó khăn. Điều cần làm trước tiên là phải tránh xa các dị nguyên gây dị ứng như thức ăn gây dị ứng, phấn hoa có mật độ cao trong mùa hoa nở rộ, các loại bụi, khói, khói thuốc lá, lông chó mèo và các loại sợi bông, sợi nhân tạo của chăn, đệm, thảm trải nhà... Cũng nên tránh stress để khỏi bị những cảm xúc bất lợi dẫn đến cơn khó thở. Nếu có điều kiện, bạn nên trang bị máy lọc không khí trong phòng làm việc và phòng ngủ (các phòng này phải tương đối kín), làm không khí sạch hơn nhưng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng chứng minh máy lọc không khí giúp kiểm soát hen suyễn và viêm mũi dị ứng.

Các loại thực phẩm người bị bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng không nên dùng thường xuyên là những thức ăn có nhiều gia vị thường thấy ở các món salad, các loại nước uống giải khát và thực phẩm đóng hộp, thức uống lên men, rau cải ngâm giấm hoặc làm dưa chua, các loại trái cây khô đóng gói, chế biến sẵn hay một số đồ ăn biển (tôm, cua, ghẹ, mắm nêm). Tất nhiên không phải mọi thực phẩm trên đều cần phải kiêng mà nên theo dõi xem mình thường dị ứng với loại thực phẩm nào, khi ăn thức ăn nào thì hay bị dị ứng và lên cơn hen để phòng ngừa và cách ly.

Biện pháp dự phòng hữu hiệu: Sự kiên trì rèn luyện là tập thở để kiểm soát cơn hen. Có thể tham gia các câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời để có bạn cùng giúp nhau kiên trì tập thở. Động tác tập thở cũng đơn giản nhưng cũng phải kiên trì: tập thở bụng, dùng co giãn của cơ hoành để hít vào được sâu nhất, nhiều ôxy nhất và khi thở ra tống được hết khí cặn ra ngoài. Mỗi ngày dành ra 2 - 3 lần, mỗi lần 20-30 phút tập thở ở nơi thoáng khí, yên tĩnh để phòng bệnh và cải thiện được sức khỏe.

Luôn mang theo mình thuốc xịt mũi họng

Về cơ bản, bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng và hen cần đi khám bệnh đều đặn và tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc. Tuy nhiên, loại thuốc xịt để cắt và kiểm soát các cơn hen và viêm mũi dị ứng cấp tính là loại thuốc mà người bệnh cần luôn mang theo bên mình. Viêm niêm mạc mũi và họng gây ra nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi. Vì vậy, đa số những biện pháp điều trị hiệu quả là xịt thuốc có chứa glucocorticoid vào trong mũi giúp ngăn chặn phản ứng viêm. Các thuốc xịt glucocorticoid này cũng tương tự với các thuốc xịt glucocorticoid trong dự phòng hen suyễn nhưng khác về cách thức sử dụng. Khi gặp phải cơn hen và viêm mũi dị ứng cấp tính, bệnh nhân cần dùng ngay loại thuốc xịt này để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

 

Theo BS. Đông Hà/suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm