Tổng thống Vladimir Putin cho rằng các biện pháp nhằm nâng cao vai trò của quốc hội tại Nga sẽ không mâu thuẫn với thực tế rằng Nga vẫn là một nước cộng hòa tổng thống.
Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Tass)
Phát biểu tại cuộc họp với các thành viên của nhóm soạn thảo đề xuất sửa đổi hiến pháp ngày 16/1, Tổng thống Putin cho biết những đề xuất sửa đổi hiến pháp được ông đưa ra trong Thông điệp Liên bang hôm 15/1 sẽ nâng cao trách nhiệm của quốc hội và chính phủ.
Theo ông Putin, các biện pháp nhằm nâng cao vai trò của quốc hội tại Nga sẽ không mâu thuẫn với việc Nga vẫn là một nước cộng hòa tổng thống.
“Những sửa đổi được đề xuất hôm qua không ảnh hưởng tới những vấn đề cốt lõi của hiến pháp. Động lực chính cho những sửa đổi này nhằm đảm bảo cho sự phát triển lớn mạnh hơn của Nga như một nhà nước xã hội được quản lý bởi luật pháp, nâng cao tính hiệu quả của các thể chế quốc gia, củng cố vai trò của xã hội dân sự, các đảng chính trị và các khu vực của chúng ta trong việc đưa ra các quyết định quan trọng nhất liên quan tới sự phát triển của nhà nước”, ông Putin nói thêm.
Trong Thông điệp Liên bang mới đây, Tổng thống Putin dường như muốn giảm bớt quyền hạn bổ nhiệm của tổng thống và cho phép quốc hội có vai trò lớn hơn trong việc bổ nhiệm các quan chức chính phủ như thủ tướng, phó thủ tướng và các bộ trưởng liên bang.
“Hãy tưởng tượng: thủ tướng được bổ nhiệm và tổng thống không có quyền bác bỏ ứng viên thủ tướng, sau đó thủ tướng gửi đề xuất không phải tới tổng thống, mà là tới quốc hội và quốc hội cuối cùng sẽ phê chuẩn các phó thủ tướng và bộ trưởng liên bang. Tổng thống cũng không có quyền bác bỏ họ trong trường hợp này”, ông Putin giải thích.
Theo ông Putin, điều này rất hợp lý. Tổng thống cho rằng “Nga, mặc dù vẫn là nước cộng hòa tổng thống, nhưng sẽ trở nên cởi mở hơn”.
“Tầm quan trọng của quốc hội tăng lên và sự phối hợp giữa quốc hội và chính phủ cũng được nâng cao. Từ đó sẽ làm nảy sinh tình huống là quốc hội sẽ gánh trách nhiệm lớn hơn, không chỉ trong việc bổ nhiệm các bộ trưởng chính phủ và các phó thủ tướng, mà còn về công việc mà họ phải làm cũng như về chính sách mà chính phủ phải thực hiện”, ông Putin nói, đồng thời khẳng định “nhu cầu” của sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa quốc hội và chính phủ.
Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev trong cuộc gặp ngày 15/1. (Ảnh: RT)
Ông Putin cũng nhấn mạnh vai trò của tổng thống trong hệ thống chính trị Nga.
“Tôi chắc chắn rằng nhiều người có mặt ở đây sẽ đồng tình, và phần lớn người dân Nga cũng sẽ đồng tình, rằng Nga vẫn sẽ là một nước cộng hòa tổng thống, tổng thống nên nắm giữ những quyền lực quan trọng, như quyền sa thải những người phạm pháp, những người cho thấy sự bất cẩn trong việc thực hiện các nghĩa vụ của họ và có liên quan tới việc mất lòng tin”, Tổng thống Putin nói.
“Xét đến tổ chức phức tạp của nhà nước (Nga) cũng như việc đa tôn giáo, đa sắc tộc và lãnh thổ rộng lớn, đây sẽ là một phép thử lớn đối với Nga với kết quả chưa rõ ràng. Sự phối hợp linh hoạt giữa vai trò lớn hơn của quốc hội và sự phối hợp của quốc hội với chính phủ, trong khi tổng thống vẫn giữ các đặc quyền, đối với tôi là điều có cơ sở”, ông Putin nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng thống Putin, các hiệp ước quốc tế có thể được ưu tiên trong luật pháp Nga, nhưng không được đi ngược lại với hiến pháp.
“Nếu một hiệp ước, dù cho đó là hiệp ước nào đi chăng nữa, không phù hợp với hiến pháp, hiệp ước đó sẽ không được ký. Nếu chúng tôi nhận thấy hiệp ước vi phạm hiến pháp, hiệp ước đó sẽ không có hiệu lực ở Nga”, ông Putin cho biết thêm.
Tổng thống Putin ngày 15/1 đã tạo ra “cơn địa chấn” trong chính trường Nga khi đặt ra lộ trình để rời khỏi Điện Kremlin, khởi động quá trình chuyển giao quyền lực. Cùng ngày, Thủ tướng Dmitry Medvedev tuyên bố từ chức.
Tổng thống Putin sẽ nắm quyền đến hết nhiệm kỳ vào năm 2024, hoặc thậm chí có thể kết thúc sớm hơn. Ông có ý định xóa bỏ hệ thống tổng thống nắm quyền, dù hệ thống này cho phép ông nắm nhiều quyền lực hơn.
Thay vào đó, ông Putin muốn trao thêm quyền lực cho quốc hội, đặc biệt là thủ tướng. Ông cũng muốn tăng cường vai trò của Hội đồng Nhà nước. Ông Putin có thể sẽ đóng vai trò như “chính khách cao niên” trong Hội đồng Nhà nước sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống.
Theo Thành Đạt/dantri.com.vn