Cập nhật: 19/01/2020 10:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau nhiều năm nghiên cứu, nắm vững công nghệ lõi, các nhà khoa học của Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã có thể chủ động tất cả các công đoạn để tạo nên sản phẩm máy bay quan sát không người lái (Dragonfly-DF26). Việc làm chủ công nghệ lõi cho phép bảo đảm tính bảo mật, chủ động phát triển nâng cấp cũng như vận hành, bảo dưỡng thuận lợi.

Các máy bay Dragonfly-DF26 đang được hoàn thiện.

Nhóm nghiên cứu có hơn 10 nhà khoa học, do TS Nguyễn Trọng Tĩnh, Viện trưởng Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học làm trưởng nhóm, chủ nhiệm dự án. Nhóm nghiên cứu bắt đầu tiếp cận công nghệ máy bay không người lái từ năm 2010 - 2012, với khá nhiều phức tạp, khó khăn trong tiếp nhận, phát triển công nghệ thuộc lĩnh vực công nghệ cao an ninh quốc phòng. Máy bay Dragonfly- DF26 là sự tiếp nối công nghệ máy bay không người lái của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, do đó, có nhiều ưu điểm nổi bật. TS Nguyễn Trọng Tĩnh cho biết, trước đây, Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học đã chế tạo nhiều loại máy bay cho nghiên cứu khoa học và quốc phòng. Tuy nhiên, hệ thống máy bay đó đều phụ thuộc vào đường băng hoặc phải dùng bệ phóng. Khi hoàn thành nhiệm vụ, những chiếc máy bay này muốn hạ cánh phải dùng đến hệ thống dù, cho nên khó đáp ứng nhiệm vụ. Hiện nay, máy bay Dragonfly- DF26 đã cho phép lên, xuống thẳng đứng, không cần diện tích bãi đáp, có thể cất, hạ cánh trên tàu thủy. Bên cạnh đó, ưu điểm là khả năng bay treo (đứng tại chỗ) khi hoạt động trên không; gọn nhẹ nhưng khả năng mang tải có ích tới bốn ki-lô-gam, đủ cho một số máy đo chuyên dụng trong các ứng dụng cần thiết; thời gian bay đến 180 phút, đủ để thực hiện các nhiệm vụ chuyên nghiệp về thám không; bán kính hoạt động đến 50 km, đủ rộng để thực hiện các nhiệm vụ chuyên nghiệp.

Theo PGS, TS Hà Quý Quỳnh, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, với những tính năng nổi bật đó, Dragonfly- DF26 phù hợp cho nhu cầu quan sát, giám sát từ trên cao, lập bản đồ không ảnh, bản đồ và vi-đê-ô hiện trạng đất, rừng, nguồn nước; đánh giá sản lượng nông sản, tài nguyên rừng và những tính năng nghiên cứu khoa học khác. Trong trường hợp gặp sự cố, máy bay tự xử lý để bảo đảm quá trình bay, nghiên cứu. Do đó, hệ thống máy bay này hỗ trợ do thám những vùng ô nhiễm hóa chất nặng; cơ sở có độ nguy hiểm cao mà con người phải bảo đảm đủ trang thiết bị mới có thể tiếp cận; kiểm soát hệ thống đường dây điện cao thế, hệ thống ống dẫn nguyên liệu, nước đi qua những vùng rừng núi hiểm trở; kiểm soát tội phạm trên sông, vùng khó…

Vận hành máy bay Dragonfly-DF26 đòi hỏi người vận hành phải được đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật và chế độ bảo hành, bảo dưỡng thường xuyên. Tuy nhiên, do được chế tạo hoàn toàn tại Việt Nam, cho nên sẽ thuận lợi hơn trong vận hành, bảo quản, sửa chữa. Việc làm chủ công nghệ lõi cho phép bảo đảm tính bảo mật, sẵn sàng chuyển giao công nghệ, nâng cấp, tạo ra tính năng mới để phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu người dùng, đồng thời chủ động cập nhật trình độ kỹ thuật của thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tĩnh khẳng định, máy bay không người lái Dragonfly DF-26 là sản phẩm của trí tuệ Việt Nam, thể hiện bản lĩnh và những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà khoa học Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học trong tiếp cận công nghệ của thế giới. Sự thành công của dự án nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái cho thấy sự hợp tác liên ngành hiệu quả của các công nghệ như công nghệ thông tin, cơ học, điện tử, vật liệu… Mục tiêu lớn nhất dự án nghiên cứu đã đạt được, đó là sẵn sàng thương mại hóa thiết bị máy bay không người lái, với nhiều phiên bản đáp ứng nhu cầu người sử dụng. 

Theo PHÙNG TUẤN ANH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm