Chưa bao giờ cụm từ “khai thác IUU” được ngư dân miền Trung nhắc nhở với nhau nhiều như trong thời gian gần đây, bởi việc đánh bắt cá bất hợp pháp đã ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến hoạt động sản xuất và đời sống của chính họ.
Nâng cao ý thức người dân để chấm dứt hoàn toàn tàu cá khai thác bất hợp pháp. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Sau gần 1 tháng bám biển vươn khơi, cặp tàu QNg 90077-TS và QNg 90647-TS của ngư dân Ngô Văn Bé (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) trở về cảng Tịnh Hòa trong niềm vui tôm cá đầy khoang.
Trước khi đưa hải sản lên bờ, ông Ngô Văn Bé đến văn phòng kiểm soát nghề cá trình báo đầy đủ các loại giấy tờ và nhật ký khai thác. Cùng với đó, ông đề nghị cơ quan này xác nhận nguồn gốc cho hơn chục tấn cá vừa đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa.
Vừa chuyển hải sản cho đơn vị thu mua, ông Bé hồ hởi chia sẻ: Ngày xưa cứ đánh bắt về là bán ào, được bao nhiêu chở về trút cho “đầu nậu” lấy tiền rồi chia cho anh em bạn thuyền là xong chuyến biển. Bây giờ đánh mẻ nào là ghi nhật ký mẻ đó. Thủy, hải sản đều phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
“Dù thủ tục có kéo dài chút nhưng bà con ngư dân chúng tôi vẫn thực hiện, bởi tuân thủ quy định của nhà nước thì cũng là đang đảm bảo lợi ích của mình. Chúng tôi đã thay đổi dần thói quen và thấy yên tâm, vững tin hơn khi mỗi chuyến vươn khơi trở về”, ngư dân Ngô Văn Bé trải lòng.
Còn ngư dân Trần Năm (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bùi ngùi nhớ lại, trước đây anh cũng từng có con tàu bạc tỷ nhưng chỉ sau một phiên biển đánh bắt ở ngư trường nước ngoài, tàu anh đã bị lực lượng chấp pháp của Australia tiêu hủy.
Trở về quê sau chuyến biển mất mát tiền của, nay ngư dân Trần Năm đã đóng tàu mới, tiếp tục vươn khơi, tuy nhiên anh khắc ghi trong lòng sẽ không bao giờ đánh bắt trái phép ở ngư trường nước ngoài, mà cần phải nâng cao ý thức, tuân thủ luật pháp.
Những ngư dân trẻ đồng lòng giữ ngư trường xanh, phát triển nghề cá bền vững. Ảnh: VGP/Đình Nam
Nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua các cấp, ngành địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, giúp ngư dân nắm vững các quy định của pháp luật khi khai thác hải sản trên biển, qua đó đã giúp ngư dân nắm bắt nhiều quy định của Luật Thuỷ sản, về khai thác thủy sản trên biển, giúp ngư dân nâng cao ý thức, đồng lòng cùng chính quyền giữ gìn ngư trường xanh, phát triển nghề cá bền vững.
Ông Bùi Hồng Vân, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi phấn khởi cho biết, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, theo dõi, quản lý các chủ tàu, thuyền trưởng có dấu hiệu đưa tàu ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Đồng thời, Hội nghề cá tích cực vận động, yêu cầu các chủ phương tiện ký cam kết không được vi phạm. Nếu phát hiện vi phạm, mức xử phạt rất cao theo quy định và sẽ bị thu hồi giấy phép hành nghề.
“Nhờ các biện pháp đồng bộ, quyết liệt đã giúp ngư dân thay đổi nhận thức, tình trạng xâm phạm vùng biển các nước giảm mạnh. Kết quả là từ năm 2018 đến nay, chưa có tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi xâm phạm vùng biển các nước khác”, ông Bùi Hồng Vân chia sẻ.
Tự hào hơn, đến nay mô hình Tổ tự quản bảo vệ tài nguyên biển dựa vào cộng đồng được thành lập đầu tiên tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã nhân rộng ra 26 xã ven biển trên địa bàn tỉnh. Chính quyền và ngư dân thống nhất phương pháp quản lý hải sản bền vững, trong đó có các quy chế khai thác trong vùng biển như kích thước, lượng cá, phương tiện khai thác bao nhiêu mã lực, thời gian khai thác.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết: Mục tiêu của ngành thuỷ sản trong năm 2020 là phải ngăn chặn, chấm dứt hoàn toàn tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài. Muốn vậy, đầu tiên là phải nâng cao ý thức người dân, tuân thủ quy định pháp luật liên quan. Người dân cần hiểu rõ, chống khai thác bất hợp pháp, gỡ thẻ vàng chính là mang lại giá trị kinh tế trực tiếp cho mình và cộng đồng.
Theo Lưu Hương/baochinhphu.vn