Dịp Tết chính là thời gian giao mùa, thời tiết dễ thay đổi thất thường, cộng vào đó là chế độ ăn uống không hợp lý cùng với những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng làm chúng ta dễ kiệt sức vì mệt mỏi.
Bên cạnh việc lên danh sách thực đơn ăn uống cho ngày Tết của cả gia đình, vấn đề phòng tránh ngộ độc thực phẩm cũng là chủ đề luôn được chị em quan tâm. Bài viết sau đề cập đến một số giải pháp nên áp dụng trong dịp Tết để giữ gìn sức khỏe và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chọn mua và bảo quản thực phẩm đúng cách
Hãy bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình bằng cách chọn mua các loại thực phẩm tươi ngon và có nguồn gốc rõ ràng. Tuyệt đối không vì rẻ mà mua những loại thực phẩm đã hết hoặc gần hết hạn sử dụng.
Với những thực phẩm đã giết mổ, pha chế sẵn thì nên mua ở những nơi có uy tín, có bảo hành chất lượng cho các sản phẩm của mình.
Bạn chỉ nên lựa chọn các loại hải sản tươi sống để chế biến các món ăn, tuyệt đối không chọn hải sản đã chết, ôi thiu hoặc bảo quản lâu ngày vì các vi khuẩn sinh ra trong quá trình phân hủy sẽ gây nên tình trạng đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy... dài ngày, rất nguy hiểm. Vì vậy, cũng không nên dùng hải sản để chế biến các món gỏi.
Không nên ăn những củ khoai đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh, những củ đã đào khỏi mặt đất quá lâu. Nên thận trọng với những thức ăn để lâu hay bảo quản không tốt mà chuột, bọ, gián, ruồi... có thể động chạm đến.
Thực phẩm ngay sau khi mua về cần bảo quản trong tủ lạnh để đảm bảo sự tươi ngon cũng như lượng vitamin và khoáng chất có trong thực phẩm. Nếu để ở nhiệt độ thường quá lâu (nhiều hơn 1 - 2 giờ), thực phẩm sẽ dễ bị ôi thiu và phân hủy, từ đó dễ gây nên các độc tố gây ngộ độc cho cơ thể.
Đối với các loại thực phẩm như thịt, cá, hải sản có thể dự trữ trong ngăn đá của tủ lạnh khoảng 2 ngày, còn đối với thịt bò, thịt bê, thịt cừu thì có thể 3 - 5 ngày.
Các thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh cần được bọc kín và để riêng thức ăn sống và chín để tránh sự nhiễm khuẩn.
Thường xuyên vệ sinh nhà bếp
Nhà bếp, nơi chế biến thức ăn hàng ngày mới là môi trường lý tưởng để “thu hút” các vi khuẩn sinh sôi và nảy nở. Ngay trong bát đũa, khăn lau, bông rửa... cũng có tới cả tỷ con vi khuẩn gây bệnh đang trú ngụ và đe dọa sức khỏe.
Vì vậy, để đảm bảo vệ sinh cho món ăn trong quá trình nấu nướng, nên giữ cho căn bếp của mình luôn sạch sẽ và khô thoáng để vi khuẩn không có cơ hội phát triển và gây bệnh. Hãy thường xuyên vệ sinh bồn rửa bằng nước tẩy, thay khăn lau thường xuyên. Bát đũa nên sấy khô và bảo quản chỗ khô ráo sau khi sử dụng.
Rửa tay và vệ sinh vật dụng ăn uống thường xuyên
Thói quen tốt này có khả năng ngăn ngừa sự lây lan các vi khuẩn có hại qua đường ăn uống.
Theo các chuyên gia, cần rửa tay bằng nước ấm cùng với xà bông diệt khuẩn, sau đó lau khô tay với khăn vải mềm và nếu cẩn thận hơn có thể dùng bông gòn thấm cồn lau lên đôi bàn tay.
Công đoạn rửa tay nên được tiến hành trước và sau khi chuẩn bị món ăn, đặc biệt là đối với những loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá, trứng và các loại hải sản. Những vật dụng trong ăn uống cũng nên được rửa sạch với nước rửa bát và nước sạch, để loại trừ những loại vi khuẩn gây hại bám trên bề mặt.
Không dùng chung đồ dùng khi chế biến thức ăn sống và chín
Cần đặc biệt lưu ý tới các dụng cụ nấu nướng khi chế biến đồ ăn sống và chín, đặc biệt là bát, đũa, dao, thớt... Một dụng cụ dùng chung cho cả hai loại thức ăn sẽ là nguồn lây nhiễm vi khuẩn dễ dàng và nguy hiểm nhất.
Thức ăn cần được nấu chín và nên dùng ngay sau khi chế biến.
Các loại thực phẩm cần được nấu chín trước khi ăn để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc.
Chỉ nên sử dụng thức ăn ngay sau khi đã chế biến hoặc chậm nhất là sau từ 24 - 48h. Thức ăn lưu cữu lâu ngày cũng đồng nghĩa với nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ những món ăn để lâu ngày là rất lớn.
Hãy bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh ngay sau bữa ăn. Thức ăn cũ chỉ nên sử dụng lại một lần, hạn chế không đun đi đun lại nhiều lần. Việc hâm nóng thức ăn tốt nhất là bằng lò vi sóng vì khi đun lại trên lửa, hàm lượng vitamin và các khoáng chất có trong thức ăn sẽ gần như mất đi hoàn toàn.
Biểu hiện khi bị ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là các hội chứng lâm sàng xuất hiện do: thực phẩm bị nhiễm các vi sinh vật hoặc các sản phẩm của vi sinh vật (thường gặp nhất), thực phẩm bị nhiễm các hóa chất độc, hoặc ăn phải các thực vật hoặc động vật có độc tố.
Các triệu chứng cụ thể của ngộ độc thực phẩm phụ thuộc vào từng nguyên nhân, nhưng có một số biểu hiện chung, xuất hiện sau khi ăn từ 30 phút đến nửa ngày, đó là các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, đau đầu, vã mồ hôi, chân tay lạnh, một số có thể có phát ban..., tần suất và mức độ các triệu chứng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, trong đó các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm thường gặp nhất là do phẩy khuẩn, Salmonella, tụ cầu vàng, Rotavirus và phẩy khuẩn tả.
Xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm
Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm rất đa dạng, bệnh cảnh ngộ độc rất khác nhau, do đó việc xử trí ban đầu cũng khác nhau tùy theo nguyên nhân, theo triệu chứng và biến chứng.
Bù nước và điện giải là vấn đề quan trọng nhất, đặc biệt ở trẻ em, nếu không rất dễ gây rối loạn nước và điện giải, sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Ngay tại nhà, cần bù nước cho người bệnh bằng dung dịch osezol hoặc viên hydrite. Cần chú ý pha dung dịch bù nước phải theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói osezol hoặc viên hydrit để pha làm nhiều lần. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi. Nếu triệu chứng không thuyên giảm, cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.
Theo suckhoedoisong.vn