Lần đầu tiên người dân và du khách được sống trong bầu không khí đặc biệt của cái Tết Nguyên đán truyền thống với ý nghĩa trọn vẹn nhất qua sự kiện “Tết phố” vừa được tổ chức tại khu phố cổ Hà Nội.
Hoạt động do BQL Phố cổ Hà Nội, CLB Đình làng Việt tổ chức nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, giới thiệu không gian sinh hoạt Tết truyền thống, tổ chức tọa đàm về phong tục truyền thống Tết của người Hà Nội, hoạt động diễn xướng dân gian, tổ chức nghi lễ hát cửa đình…
Áo dài ngũ thân xuống phố
“Tết phố” diễn ra tại nhiều điểm di tích trong khu phố cổ Hà Nội. Tại lễ khai mạc diễn ra tại đình Kim Ngân, số 42-44 Hàng Bạc, du khách được chứng kiến việc sắp mâm lễ của các gia đình, dòng họ ở Hà Nội dâng cúng các lễ vật đặc trưng lên đình. BTC tái hiện đoàn rước lễ từ Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây sang đình Kim Ngân trong trang phục truyền thống; lễ cáo yết Thành hoàng. Người dân và du khách cũng có cơ hội tham gia lễ dựng cây nêu trong sự vui mừng, phấn khích và thưởng thức diễn xướng dân gian: hát, múa cửa đình (Hải Phòng), hát Xoan (Phú Thọ), múa bồng (Hà Nội), hát Chèo, hát Văn…
Đặc biệt, cùng với các hoạt động tái hiện vóc dáng của Tết xưa, sự kiện cũng là dịp để các thành viên trong CLB Áo dài nam truyền thống thuộc Đình làng Việt tiếp tục chương trình quảng bá áo dài ngũ thân trong đời sống đương đại. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, trưởng nhóm Đình làng Việt cho biết, những ngày qua, các thành viên trong CLB thực sự tất bật để chuẩn bị cho Tết phố. Nhằm phát huy các giá trị văn hóa trong ngày Tết Nguyên đán, từ các năm 2016, 2017, 2018, 2019, chương trình Tết Việt đã được cộng đồng ủng hộ, đồng hành và đánh giá cao. Đến nay, sau 4 năm tổ chức, chương trình Tết Việt do Đình làng Việt khởi xướng đã trở thành một hoạt động thường niên khi Tết đến xuân về, một sự kiện văn hóa cuối năm mà đông đảo cộng đồng mong muốn được tham gia.
Với đặc thù hoạt động trên mạng xã hội nhưng luôn có các hoạt động thực tiễn nhằm bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, năm nay, CLB Đình làng Việt bên cạnh các hoạt động khơi dậy những giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng còn cố gắng tạo ra một nét mới, tạo ấn tượng với du khách trong và ngoài nước. Đó là sự “phủ sóng” của hình ảnh những chiếc áo dài ngũ thân như một biểu tượng của di sản văn hóa Việt Nam trong hầu hết các hoạt động của sự kiện.
“Thời gian qua, CLB Áo dài nam truyền thống của Đình làng Việt đã liên tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá áo dài ngũ thân trong các hoạt động thực tiễn. Tết phố năm nay là hoạt động có nhiều nhất sự xuất hiện của áo dài ngũ thân, tiếp tục quảng bá cho sự quay trở lại của áo dài nam trong đời sống đương đại”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình chia sẻ.
Lần đầu đi “Tết phố”
Lần đầu tiên tổ chức “Tết phố” ở phố cổ Hà Nội, nhằm tái hiện trọn vẹn không gian Tết cổ truyền, nhiều sinh hoạt truyền thống đã diễn ra tại đây. Ở đình Kim Ngân, BTC giới thiệu không gian sinh hoạt Tết truyền thống, tổ chức tọa đàm về phong tục truyền thống Tết của người Hà Nội và hoạt động diễn xướng dân gian, tổ chức nghi lễ hát cửa đình.
Tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây được sắp đặt giới thiệu không gian đón Tết của một gia đình Hà Nội, tổ chức hoạt động gói bánh chưng.
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, là không gian trưng bày giới thiệu hình tượng chuột trong văn hóa dân gian. Tại đây cũng có buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống của nhóm Đông Kinh Cổ nhạc.
Tại Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội, BTC trưng bày, giới thiệu quy trình và một số sản phẩm tiêu biểu của ba dòng tranh dân gian Việt Nam là Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng. Đây cũng là nơi trưng bày bộ ảnh giới thiệu một số công đoạn làm nghề của ba dòng tranh dân gian truyền thống.
Ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, “Tết phố” được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, giúp giới trẻ sẽ quan tâm nhiều hơn đến những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. “Hà Nội đã là một trong 246 thành phố chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Tổ chức UNESCO đánh giá cao các hoạt động văn hóa do chính cộng đồng tổ chức. Vì lẽ đó, chương trình “Tết Việt - Tết Phố 2020” phần lớn sẽ do cộng đồng thực hiện nhằm phát huy các giá trị di sản Phố cổ Hà Nội nói riêng và Hà Nội nói chung…”, theo ông Đinh Hồng Phong.
Những hoạt động tại sự kiện "Tết phố"
Bận rộn tíu tít chuẩn bị cho “Tết phố”, họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt tâm sự, Tết Nguyên đán là thời khắc quan trọng nhất trong năm, khi các gia đình đều trở về quây quần bên nhau và chuẩn bị đón mừng năm mới. “Mặc dù cuộc sống hôm nay đã đầy đủ hơn, nhịp sống cũng gấp gáp hơn, Tết đã có nhiều thay đổi, nhiều phong tục truyền thống cũng không còn nguyên vẹn như trước. Tuy nhiên trong tiềm thức, vẫn rất nhiều người nhớ về Tết truyền thống với những giá trị, phong tục đẹp đẽ nhất. Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng tái hiện không gian Tết xưa tại các điểm di tích với chủ đề “Tết Việt - Tết Phố 2020”, nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, kết nối cộng đồng bằng những hình ảnh thân quen, với các hoạt động gói bánh chưng, viết thư pháp, tranh dân gian ngày tết…”, ông Nguyễn Đức Bình cho biết.
Dựng cây nêu tại đình Kim Ngân, nghệ nhân Trần Nam Tước - giải A Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng toàn quốc năm 2019 cho biết, một trong những hoạt động tiêu biểu của chương trình “Tết Việt - Tết Phố” tại Đình Kim Ngân số 42-44 Hàng Bạc là phục dựng lại toàn bộ phong tục dựng cây nêu, treo câu đối đỏ. Nghệ nhân Trần Nam Tước chia sẻ, đây là một những hoạt động văn hoá truyền thống tốt đẹp của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán. Trên cây nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung, trên ngọn cây nêu buộc một bó lá dứa hoặc cành đa với ý nghĩa tránh ma quỷ… Vì vậy, mỗi dịp Tết mọi nhà sẽ dựng cây nêu, trên cây nêu treo đèn lồng vào buổi tối để soi đường cho hương linh ông bà tổ tiên về đón tết cùng con cháu.
“Tết phố” với nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra đến hết ngày 9.2 (ngày 16 tháng Giêng năm Canh Tý).
Theo MỘC AN/baovanhoa.vn