Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền nam, từ ngày 22 đến 28-1, tình hình xâm nhập mặn ở Long An có khả năng diễn biến hết sức gay gắt, nghiêm trọng do việc giảm xả nước từ thủy điện Trung Quốc ảnh hưởng đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vào đúng dịp chuẩn bị đón xuân Canh Tý 2020.
Ruộng lúa Đông Xuân ở xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An không còn nước tưới, khô nứt đất.
Tiếp theo đó, thời gian ảnh hưởng cao nhất vào các tháng 2, 3, 4 và tăng dần đến tháng 5 mới kết thúc. Trước tình hình này, Long An xác định công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết: Ranh giới độ mặn 4 gam/lít đã xâm nhập sâu trên sông Vàm Cỏ Tây về đến phường 5 và 6, TP Tân An; trên sông Vàm Cỏ Đông nước mặn đã về đến xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, cách cửa sông hơn 82 km. Trong những ngày tới, ranh giới độ mặn 4 gam/lít trên sông Vàm Cỏ Tây sẽ tiếp tục tăng thêm khoảng 2 km và về đến xã Lợi Bình Nhơn, TP Tân An; trên sông Vàm Cỏ Đông nước mặn sẽ về đến xã Thạnh Lợi, Lương Bình, huyện Bến Lức. Ranh giới độ mặn 1 gam/lít sẽ xâm nhập sâu Vàm Cỏ Tây về đến xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa; trên sông Vàm Cỏ Đông mặn sẽ về đến xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, cách cửa sông hơn 100 km. Với tình hình này sẽ làm cho khoảng 22 nghìn ha lúa Đông Xuân 2019-2020 tại các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa, Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thạnh Hóa và TP Tân An khả năng thiếu nước vào cuối vụ; hơn 500 ha rau màu và hơn 8.300 ha hộ dân ở Cần Đước, Cần Giuộc thiếu nước tưới và sinh hoạt vào cao điểm mùa xâm nhập mặn.
Thực tế, tại xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đã xuất hiện tình trạng ruộng lúa Đông Xuân thiếu nước tưới, nhiều ruộng lúa xuống giống được vài tuần đã bắt đầu khô nứt đất, không còn nguồn nước cứu lúa do hệ thống nội đồng đã cạn nguồn nước ngọt. Nhiều ruộng lúa trong giai đoạn đồng trỗ đang được người dân sử dụng máy nổ bơm nước truyền qua nhiều chặng để cứu lúa.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn, UBND tỉnh Long An đã yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố cần quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai và xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và của toàn dân, toàn xã hội để chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ và "ba sẵn sàng"…
Âu tàu Rạch Chanh nằm trên Quốc lộ 62 được vận hành để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh.
Xâm nhập mặn 2020, được dự báo khá gay gắt, trước tình tình này, UBND tỉnh Long An kiến nghị Trung ương sớm hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện nạo vét các công trình thủy lợi tạo nguồn dẫn nước ngọt và trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất và dân sinh. Hiện tại, hệ thống các kênh, mương tạo nguồn đã bị bồi lắng nhiều, mặt cắt bị thu hẹp, do đó chưa đáp ứng khả năng dẫn nước, trữ nước và cấp nước trong thời gian mùa khô. Dọc theo Quốc lộ 62 nằm trên dòng sông Vàm Cỏ Tây còn nhiều vị trí cống dưới lộ như: cống Bà Định, Thủ Cồn, La Khoa, Bến Kè, Bà Hai Màng cần Trung ương sớm bố trí vốn để thi công khép kín trữ nước ngọt phục vụ sản xuất cho 62 nghìn ha đất sản xuất hai tỉnh Long An và Tiền Giang. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải kiến nghị UBND tỉnh tỉnh sớm bố trí vốn để lắp đặt 16 cửa cống ngăn mặn gồm: Tám Khanh, Rạch Chùa, Rạch Gỗ, Bà Lộc, Rạch Bần, Tam Lang, Ổ Gà, Cá Bóng, Bà Thầy, Cả Ràng, Rạch Gia, Bà Sở, Thầy Pháp, Nước Trong, Cây Khế, Rạch Lò.
Long An đã phối hợp Tiền Giang triển khai đắp các đập tạm tại các rạch nằm trên Quốc lộc 62, huyện Thạnh Hóa: Bà Định, Thủ Cồn, La Khoa, Bến Kè để bảo đảm ngăn mặn xâm nhập khi độ mặn gần vượt 1 gam/lít, bảo vệ diện tích sản xuất của hai tỉnh Long An, đồng thời phối hợp tốt quy chế vận hành hệ thống Bảo Định để lấy nước từ cống Bảo Định (độ mặn dưới 1,0 gam/lít) làm giảm độ mặn trên sông Vàm Cỏ Tây lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho một phần huyện Tân Trụ, huyện Thủ Thừa và huyện Bến Lức qua các cống cặp sông Vàm Cỏ Tây.
Sở Giao thông vận tải liên hệ Ban quản lý Âu tàu Rạch Chanh nằm trên Quốc lộ 62, thuộc Bộ giao thông vận tải quản lý để có giải pháp vận hành hợp lý nhằm bảo đảm ngăn mặn, trữ ngọt cho sản xuất nông nghiệp của xã Lợi Bình Nhơn, TP Tân An, xã Mỹ An, Mỹ Phú huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) và xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang).
Để giảm thiệt hại ở mức thấp nhất trong mùa xâm nhập mặn năm 2020, Long An lấy bài học của mùa khô, xâm nhập mặn năm 2016 làm cơ sở để tập trung mọi giải pháp phòng, chống. Sự tác động của tình trạng hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước mùa khô 2016, đã gây thiệt hại nặng nề cho hơn 10 nghìn ha lúa, rau màu và cây ăn trái, ước tính gần 200 tỷ đồng.
Theo THANH PHONG/nhandan.com.vn