Tên lửa hành trình có tốc độ nhanh nhất thế giới BrahMos là giải pháp để bảo vệ không phận và hải phận Ấn Độ.
Ngày 19/12/2019, Ấn Độ đã thử nghiệm thành công tên lửa BrahMos phiên bản phóng từ tiêm kích Su-30 MKI do Nga sản xuất. Vụ phóng diễn ra suôn sẻ khi tên lửa đánh trúng mục tiêu trên biển, ngoài khơi Ấn Độ.
BrahMos là kết quả của liên doanh thành lập bởi Công ty NPO Machinostroeniya của Nga và Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ. Đặc biệt, BrahMos trở thành nền tảng cho việc sử dụng công nghệ của Nga để phát triển tên lửa hành trình cho Quân đội Ấn Độ.
Tên lửa BrahMos. Ảnh: AP
Một khi công việc hoàn thành, Quân đội Ấn Độ sẽ nhận tên lửa hành trình siêu thanh tầm trung của riêng mình và tương tự như tên lửa Kalibr, tên lửa BrahMos có thể được phóng từ các tàu ngầm, chiến hạm thế hệ mới, cũng như từ máy bay chiến đấu tiên tiến và từ các bệ phóng trên mặt đất.
BrahMos của Ấn Độ hiện đang được cho là tên lửa hành trình có tốc độ nhanh nhất thế giới, có khả năng lên tới Mach 3, tương đương 1km/s hay 3.700km/h, trong khi có trọng lượng 2,5-3 tấn, tùy thuộc vào các loại đầu đạn.
Hiện tại, các phiên bản phóng từ mặt đất và trên biển của tên lửa BrahMos đã được triển khai, mỗi loại đều có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 600km.
Trong khi đó, mẫu tên lửa BrahMos của Su-30MKI sẽ trải qua hàng loạt các cuộc thử nghiệm chiến đấu trước khi đưa vào sản xuất hang loạt theo nhu cầu của Không quân Ấn Độ.
Ảnh: AFP
Phiên bản nâng cấp?
Theo đồn đoán, Ấn Độ sẽ trở thành đối tác đầu tiên của Nga được nhận công nghệ siêu thanh cho tên lửa BrahMos sản xuất trong nước. Đó là BrahMos-II và vật thể phóng này có thể đạt tốc độ 2,5km/s (9.250km/h hay tương tốc độ gấp 8 lần âm thanh) và như vậy là đủ để có thể tránh được mọi hệ thống phòng không trên thế giới.
Các cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh BrahMos-II dự kiến được tiến hành vào đầu năm 2020./.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN