Có nhiều tiềm năng nhờ cảnh quan thiên nhiên đẹp, sông nước miệt vườn, các làng nghề thủ công truyền thống, các công trình kiến trúc cổ, làng cổ Ðông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè) đang trở thành một điểm đến nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang, nhất là trong dịp đón Tết, vui Xuân.
Khách du lịch tham quan nhà cổ của ông Phan Văn Ðức ở ấp An Lợi, xã Ðông Hòa Hiệp.
Tiềm năng phát triển
Mặc dù đã nghe giới thiệu nhiều về làng cổ Ðông Hòa Hiệp, chúng tôi vẫn thật sự bất ngờ khi nhìn thấy sự bề thế của những ngôi nhà cổ mang đặc trưng của vùng Nam Bộ. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cái Bè Trần Văn Nhu cho biết, Ðông Hòa Hiệp là một trong những làng cổ của vùng đất Tiền Giang nói riêng và Nam Bộ nói chung. Khi dinh Long Hồ được các chúa Nguyễn thành lập năm 1732, để thuận tiện cho việc khai khẩn và do mật độ dân cư đông, chúa Nguyễn đã chọn thôn An Bình Ðông (thuộc xã Ðông Hòa Hiệp) nay là thị trấn Cái Bè làm lỵ sở của dinh. Lỵ sở tồn tại được 25 năm mới dời qua Tầm Bào thuộc thôn Long Hồ, nay là TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long). Trong 25 năm là lỵ sở của dinh Long Hồ, vùng Ðông Hòa Hiệp quy tụ nhiều vị quan lại và điền chủ đến sinh sống, qua đó làm cho vùng đất này trở nên trù phú. Từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhiều ngôi nhà được xây cất bằng các loại gỗ quý, mái lợp ngói, cao, rộng, cất ba gian theo kiểu kiến trúc phương Ðông kết hợp phương Tây, đã góp phần tạo ra diện mạo kiến trúc và cảnh quan nổi trội của làng so với các địa phương khác.
Nhà ông Trần Tuấn Kiệt ở tổ 1, ấp Phú Hòa, bề ngoài mang dấu ấn làng cổ ở đồng bằng Bắc Bộ với năm gian, ba chái, có nhiều cột, kèo làm bằng gỗ quý và được các chuyên gia Nhật Bản xếp vào loại “cửu đại mỹ gia” của Việt Nam. Nhà ông Kiệt mang những đặc điểm chung của các ngôi nhà ở làng Ðông Hòa Hiệp như: Cột gõ to cao, kèo, đòn tay, trính, rui, mè, đòn dong, vách ngăn, vách… đều bằng gỗ; bên trong trang trí các khuôn hoành phi, chạm khắc nghệ thuật hình long, lân, quy, phụng, chim và các loài hoa. Hai cột cái có đôi liễn với nội dung chúc phúc, cầu may, trước nhà là phần sân rộng bày cây kiểng, hoa kiểng; phía trước có hàng rào và cửa cổng chắc chắn, khang trang, tạo nên một không gian vừa nghiêm túc vừa thể hiện sự trang trọng, hoành tráng, uy nghi, bề thế của người giàu có thời kỳ này.
Ðông Hòa Hiệp có nhiều ngôi nhà cổ như nhà ông Kiệt, mỗi nhà có những nét riêng biệt và nằm đan xen với những vườn cây trái xum xuê trong sáu ấp của Cái Bè đã tạo nên vẻ đẹp dân dã, thơ mộng của miền Tây. Thí dụ như nhà cổ của ông Phan Văn Ðức (tức Ba Ðức) ở ấp An Lợi tọa lạc trên diện tích 2 ha có sự pha trộn giữa hiện đại và truyền thống. Với việc văn hóa Pháp du nhập vào nước ta đầu thế kỷ 19, cụ sáu đời của ông Ba Ðức là Phan Văn Cương đã cho xây dựng ngôi nhà tâm huyết của dòng họ với những nét lãng mạn của kiến trúc Pháp. Ðương thời, một căn nhà bằng xi-măng với các mái vòm, trụ đỡ mang dáng dấp văn hóa phương Tây như thế vốn không nhiều. Việc xây cất căn nhà cũng kỳ công, tốn kém bởi cụ Cương từng cho người ra tận kinh thành Huế, thỉnh các thợ giỏi để chạm trổ đủ loại hoa văn tinh xảo, đẹp mắt lên các tấm gỗ quý, sau đó cho thuyền vận chuyển bằng đường sông từng tấm từ Huế về đến Cái Bè mới cho ghép lại.
Năm 1999 và năm 2000, Tổ chức JICA (Nhật Bản) đã tài trợ kinh phí để trùng tu, tôn tạo những ngôi nhà cổ trong làng, trong đó nhà cổ của ông Kiệt được thực hiện đầu tiên. Ngôi nhà này sau khi được hoàn thành đã thu hút du khách gần xa tìm đến tham quan. Thời điểm này cũng trùng hợp với nhiều hoạt động du lịch của huyện Cái Bè đã và đang phát triển cho nên được các doanh nghiệp du lịch đưa vào khai thác hoạt động du lịch. Nhờ vậy, nhà cổ của ông Kiệt và sau này là nhà các ông Ba Ðức, ông Võ… dần trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách trong nước và nước ngoài.
Nỗ lực của địa phương
Chánh Văn phòng HÐND, UBND huyện Cái Bè Lê Bá Thi cho biết, tỷ lệ khách du lịch đến Ðông Hòa Hiệp mỗi năm đang có sự chênh lệch lớn, với 70% là khách nước ngoài và 30% là khách trong nước. Số khách nước ngoài chủ yếu đến từ tháng 10 hằng năm và kéo dài đến tháng 3 năm sau, trong khi khách trong nước thường đi du lịch trong dịp hè, thời điểm trái cây Tiền Giang vào mùa. Ðiều đáng nói là mặc dù các loại hình du lịch đi kèm khá phong phú như tham quan vườn cây ăn trái, tìm hiểu những nghề thủ công truyền thống như: Làm cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa, đi chợ nổi Cái Bè, tát mương bắt cá, nghe đờn ca tài tử, thời gian lưu trú của khách không lâu, chủ yếu chỉ trong ngày hoặc hai ngày một đêm. Cũng vì thế, giá trị gia tăng từ du lịch làng cổ của Ðông Hòa Hiệp không nhiều khi các nhà cổ không thu tiền vé, chỉ phục vụ ăn uống nếu khách có nhu cầu.
Ông Ba Ðức, chủ một nhà cổ cho biết, có những lúc cao điểm, gia đình ông đón 100 đến 200 khách du lịch mỗi ngày. Ngoài tham quan nhà cổ, khách có thể ăn uống, sinh hoạt cùng gia đình theo hình thức homestay, đạp xe tham quan cảnh nông thôn, học nấu các món ăn truyền thống Việt Nam, thưởng thức các loại quả đặc trưng ngay tại vườn nhà hoặc tát mương bắt cá, nghe đờn ca tài tử, đi thăm chợ nổi Cái Bè hay các cơ sở làm bánh tráng truyền thống... Giá tua trung bình vào khoảng hai triệu đồng cho hai khách ăn nghỉ qua đêm, có phục vụ các bữa trong ngày. Tuy nhiên, số gia đình kinh doanh nhà cổ như ông Ba Ðức hay ông Kiệt chỉ đếm trên đầu ngón tay và thực tế là một số gia đình tại Ðông Hòa Hiệp không muốn làm du lịch hay quảng bá nhà cổ khi con cái họ đi làm xa, nhà chỉ còn những người già hoặc một số gia đình đã có điều kiện kinh tế khá giả, không cần thiết có thêm thu nhập. Do vậy, trong 36 ngôi nhà cổ tại Ðông Hòa Hiệp, khách du lịch thường chỉ biết đến nhà ông Kiệt, ông Ba Ðức, ông Võ… Ðiều này đã gây khó khăn cho chính quyền các cấp của huyện Cái Bè trong việc vận động các hộ dân tham gia làm du lịch, đưa làng cổ Ðông Hòa Hiệp trở thành nơi du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn.
Tháng 11-2019, UBND huyện Cái Bè đã tổ chức lễ hội văn hóa, du lịch làng cổ Ðông Hòa Hiệp. Ðây là hoạt động diễn ra hai năm/lần từ năm 2013 nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí của nhân dân, khách du lịch trong nước và nước ngoài. Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng để thúc đẩy phát triển du lịch, giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa và các sản vật của địa phương, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất và người Cái Bè nói riêng, Tiền Giang nói chung. Chánh Văn phòng HÐND, UBND huyện Cái Bè Lê Bá Thi cho biết thêm, dự kiến năm 2021, huyện sẽ tổ chức lễ hội này mỗi năm một lần, song song với việc thực hiện một loạt giải pháp đồng bộ trong bảo tồn nhà cổ, tạo điều kiện cho các hộ dân có ý tưởng làm du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch.
Theo ANH TUẤN, MẠNH HÀO VÀ TUẤN DŨNG/nhandan.com.vn