Bệnh mạch vành là tên gọi chung của một nhóm các bệnh lý liên quan đến mạch vành - mạch máu duy nhất đến nuôi dưỡng cho cơ tim, nó có thể là xơ vữa mạch vành, thiểu năng vành, suy vành...
Bệnh mạch vành thường xảy ra khi các mảng xơ vữa tích tụ trong động mạch vành, làm giảm lưu lượng máu đến tim gây ra triệu chứng đau tim, đau thắt ngực hoặc có thể dẫn tới một cơn nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh động mạch vành là loại bệnh tim phổ biến nhất và đó cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh lý về tim mạch trên thế giới.
Vai trò của động mạch vành
Quả tim là một khối cơ rỗng có vai trò giống như một máy bơm. Tim bơm máu đi cung cấp cho toàn bộ cơ thể. Quả tim bao gồm hai phần có chức năng khác nhau: Tim phải nhận máu tĩnh mạch (máu đen) đến từ các bộ phận của cơ thể và bơm chúng lên phổi. Tại đây máu tĩnh mạch được làm giàu ôxy và trở thành máu đỏ. Tim trái nhận máu từ các tĩnh mạch phổi máu đỏ và bơm chúng lên động mạch chủ để đưa đến các cơ quan qua hệ động mạch ngoại biên.
Mỗi phần có buồng nhận máu, được gọi là tâm nhĩ, và buồng bơm máu, được gọi là tâm thất. Các tâm thất có thành cơ dầy (cơ tim) co bóp đều đặn (tần số khoảng 60-70 lần/phút khi nghỉ ngơi) để bơm máu đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, làm cho dòng máu chảy trong các động mạch theo nhịp đập của tim.
Các tâm nhĩ được ngăn cách với các tâm thất bởi các van tim (van ba lá ở bên phải và van hai lá ở bên trái). Các van tim này chỉ cho dòng máu chảy theo một chiều: khi tâm thất bóp để tống máu vào trong động mạch thì các van này đóng lại để ngăn cản dòng máu phụt ngược lên tâm nhĩ. Có các van tim tại các cửa ra của các tâm thất (van động mạch phổi tại cửa ra của tâm thất phải và van động mạch chủ tại cửa ra của tâm thất trái), các van này ngăn cản dòng máu chảy ngược về tâm thất trong thời kỳ tâm trương.
Để cơ tim hoạt động được, cũng như các cơ quan khác trong cơ thể, cơ tim cần được cung cấp đủ máu giàu ôxy. Máu được cung cấp cho cơ tim qua hệ thống động mạch vành. Các nhánh động mạch vành xuất phát từ gốc động mạch chủ. Hệ động mạch vành gồm có động mạch vành trái và động mạch vành phải. Các động mạch này chia ra các nhánh nhỏ hơn tới nuôi từng vùng cơ tim.
Xơ vữa động mạch gây nhiều biến chứng.
Bệnh động mạch vành có nguy hiểm?
Để hoạt động được bình thường, cơ tim cần được cung cấp năng lượng và ôxy bởi các động mạch vành. Bệnh động mạch vành xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh động mạch này bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn (thường là do các mảng xơ vữa). Thông thường cơn đau thắt ngực có thể xảy ra khi động mạch vành bị hẹp trên 50% khẩu kính của lòng mạch. Khi hoạt động thể lực, cơ thể cần nhiều ôxy hơn nên cơ tim phải làm việc nhiều hơn như: tăng co bóp, tăng tần số tim, huyết áp tăng... do đó nhu cầu ôxy của cơ tim cũng tăng lên. Nếu một nhánh động mạch vành bị hẹp, sự cung cấp máu cho vùng cơ tim tương ứng trở nên không đầy đủ. Cơ tim bị thiếu máu và thiếu ôxy gây cơn đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực này thường xảy ra khi bệnh nhân gắng sức và giảm đi khi bệnh nhân được nghỉ ngơi, nên người ta gọi là cơn đau thắt ngực ổn định. Nếu các mảng xơ vữa trong động mạch vành bị nứt, vỡ ra thì cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện cả khi nghỉ ngơi nên người ta gọi là cơn đau thắt ngực không ổn định.
Bệnh động mạch vành không nhất thiết phải xảy ra một cách từ từ. Nếu mảng xơ vữa bị vỡ ra có thể gây tắc mạch đột ngột hay tạo thành cục huyết khối gây tắc mạch. Lúc này động mạch bị tắc hoàn toàn và gây ra nhồi máu cơ tim. Trong cả hai trường hợp, các tế bào cơ tim bị thiếu ôxy đột ngột, cạn kiệt nguồn dự trữ năng lượng và chết giống như các cây bị khô kiệt nước. Hậu quả của nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào độ rộng của vùng nhồi máu. Vùng cơ tim bị chết càng rộng thì chức năng tim càng giảm nặng. Đây là một trong các nguyên nhân thường gặp nhất của suy tim.
Các phương pháp điều trị bệnh động mạch vành chủ yếu
Điều trị nội khoa: điều trị bằng thuốc, có thể dùng một hoặc nhiều loại thuốc kết hợp với nhau. Phương pháp này làm giảm được triệu chứng nhưng không giải quyết được nguyên nhân là hẹp lòng động mạch vành.
Điều trị ngoại khoa: phẫu thuật làm cầu nối chủ - vành. Vùng cơ tim bị thiếu máu sẽ được cung cấp máu bởi một mạch máu khác vòng qua chỗ động mạch vành bị hẹp hoặc tắc.
Tim mạch can thiệp: can thiệp động mạch vành qua da là phương pháp không phải phẫu thuật nhưng vừa làm giảm triệu chứng, vừa giải quyết được nguyên nhân là hẹp lòng động mạch vành.
Cho dù người bệnh đã được điều trị bằng phương pháp ngoại khoa hay tim mạch can thiệp thì việc sử dụng liên tục các thuốc là hết sức cần thiết để duy trì kết quả của các thủ thuật này. Bên cạnh đó, cần phải thay đổi lối sống như: Không hút thuốc lá; Luyện tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là tập đi bộ; Tránh căng thẳng quá mức; Ăn nhạt, không ăn mỡ và các phủ tạng động vật, hạn chế ăn trứng, sữa, đồ ngọt; Không uống quá nhiều rượu, bia. Và điều trị một số bệnh có liên quan đến bệnh động mạch vành: Điều trị bệnh tiểu đường; Ăn chế độ giảm cân chống béo phì; Điều trị rối loạn lipid máu; Điều trị bệnh tăng huyết áp.
Không chỉ gây nên các cơn đau thắt ngực dữ dội, bệnh mạch vành còn được coi là “kẻ giết người số một” trong các bệnh lý về tim mạch. Hậu quả cuối cùng của nó chính là cơn nhồi máu cơ tim - nguyên nhân gây nên cái chết của khoảng 7,4 triệu người trên thế giới mỗi năm (theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2012). Những người may mắn sống sót sau cơn nhồi máu cơ tim, thường sức khỏe cũng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng, đồng thời nguy cơ tái nhồi máu cơ tim và suy tim trong tương lai cũng rất cao. Chính vì vậy, việc điều trị tích cực và phòng ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim ở người bệnh mạch vành là rất cần thiết.
Theo suckhoedoisong.vn