Chính quyền Mỹ được cho là đang áp dụng các chiến thuật ngày càng quyết liệt hơn trong nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc khi Bắc Kinh bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại, công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ.
Giáo sư Charles Lieber từ Đại học Harvard đã bị cáo buộc che giấu tài trợ từ Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Vụ việc Mỹ bắt giữ một giáo sư Đại học Harvard và mở cuộc điều tra tại các đại học danh tiếng vì nghi vấn nhận tài trợ từ Trung Quốc thời gian qua được xem là một trong những ví dụ điển hình, theo SCMP.
Hồi cuối tháng 1, Giáo sư Charles Lieber tại Đại học Harvard bị cáo buộc nhận tiền tài trợ từ một số tổ chức Trung Quốc nhưng không khai báo trung thực. Cùng với đó, các trường đại học danh giá như Harvard, Yales… cũng đang bị chính quyền Mỹ “đưa vào tầm ngắm” vì những khoản tài trợ có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo hồ sơ của tòa án ở bang Massachusetts, nhóm nghiên cứu của giáo sư Lieber đã được Viện Y tế Quốc gia và Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ hơn 15 triệu USD với điều kiện rằng ông Lieber phải khai báo đầy đủ về mọi vấn đề có thể gây xung đột lợi ích từ các nguồn tiền ở nước ngoài.
Ông Lieber đã bị cáo buộc không trung thực về quan hệ với Đại học Công nghệ Vũ Hán tại Trung Quốc. Ông cũng được cho đã ký một hợp đồng có liên quan tới chương trình thu hút các nhà khoa học trình độ cao của Trung Quốc. Ông Lieber bị cáo buộc đã nhận 50.000 USD mỗi tháng từ trường đại học ở Vũ Hán, đồng thời nhận 1,5 triệu USD xây phòng nghiên cứu công nghệ nano tại trường nói trên.
Khác với các vụ việc liên quan tới các nhà khoa học có gốc gác Trung Quốc, ông Lieber là một người da trắng. Ông và các đại học hàng đầu của Mỹ cũng đang bị cáo buộc không tiết lộ mối quan hệ với Trung Quốc chứ không phải là gián điệp hay đánh cắp công nghệ.
Giới quan sát cho rằng điều này thể hiện sự quyết liệt và cứng rắn hơn của chính quyền Mỹ trong các vấn đề liên quan tới việc bảo vệ công nghệ và bí mật thương mại của Mỹ.
Chuyên môn của ông Lieber là công nghệ nano, một lĩnh vực hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng về nhiên liệu, công nghệ xanh và sản xuất. Những lĩnh vực này được xem là có sự tương đồng với những lĩnh vực chiến lược trong kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” của chính phủ Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia tỷ dân.
Công tố viên Lelling nhận định rằng vụ ông Lieber cho thấy “mối đe dọa” từ việc Trung Quốc “lôi kéo” học giả và nhà nghiên cứu nhằm lấy đi công nghệ và công trình nghiên cứu của Mỹ.
Việc bắt ông Lieber là một trong nhiều động thái gần đây của chính quyền Mỹ nhằm chống lại cáo buộc Trung Quốc “đánh cắp công nghệ, tài sản sở hữu trí tuệ trong nỗ lực làm ảnh hưởng tới ưu thế về kinh tế và quân sự của Mỹ”.
“Đây là một mặt trận mới. Hồi chuông cảnh tỉnh này lớn hơn rất nhiều vì những người liên quan, chủng tộc của người này và tổ chức mà người này làm việc. Bây giờ, mọi đối tượng đều có thể bị ảnh hưởng chứ không chỉ là người có nguồn gốc Trung Quốc hay châu Á bị cho vào tầm ngắm”, cựu cố vấn khoa học và công nghệ Nhà Trắng Kei Koizumi nhận định.
Trước đó, ông Andrew Lelling, công tố viên ở bang Massachusetts tuyên bố rằng: “Chúng tôi không chọn đối tượng (để bắt giữ và điều tra), chúng tôi quan sát việc họ làm”.
Ông Lelling cho biết động thái của tòa án Massachusetts về vụ ông Lieber đã có hiệu ứng răn đe. Bộ Giáo dục Mỹ đã mở cuộc điều tra liên quan tới cáo buộc các trường đại học hàng đầu Mỹ không cung cấp thông tin về những món quà trị giá tổng cộng 6,5 tỷ USD từ Trung Quốc và các quốc gia khác, động thái được xem là vi phạm luật liên bang.
Theo Đức Hoàng/dantri.com.vn