Ông Sáu Ninh quản lý đội tàu cá hơn chục chiếc, doanh thu mỗi năm cả chục tỷ đồng, ông cũng sẵn lòng giúp ngư dân trẻ gắn bó với biển cả.
Ngư dân tỉnh Bình Định ai cũng biết tiếng lão ngư Bùi Thanh Ninh (hay còn gọi là Sáu Ninh) ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn. Ông góp vốn mua sắm, quản lý đội tàu cá hơn chục chiếc, doanh thu mỗi năm cả chục tỷ đồng. Ông sẵn lòng giúp ngư dân trẻ gắn bó với biển cả. Giờ tuổi đã cao, không còn sức đi biển nhưng ở trên bờ, ông là người điều hành và hướng dẫn các tàu cá đánh bắt hợp pháp, góp phần làm giàu cho gia đình, quê hương, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngư dân Nguyễn Văn Phần, 44 tuổi ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định kể, trước đây, gia đình anh có chiếc tàu gỗ đánh bắt xa bờ, làm ăn thua lỗ đành bán tàu trả nợ. Thấu hiểu tình cảnh của 2 vợ chồng anh, ông Sáu Ninh cho mượn tiền đóng mới 1 tàu cá. Anh Phần chỉ đủ sức góp một phần giá trị con tàu. Sau 5 năm chăm chỉ làm ăn, anh Phần trả hết nợ cho ông Sáu Ninh và đồng sở hữu 1 nửa con tàu.
Đội tàu của ông Sáu Ninh vừa trở về sau chuyến biển dài ngày.
Đến năm 2011, anh bán con tàu này được 800 triệu đồng để đóng mới tàu lưới vây trị giá 3 tỷ đồng. Một lần nữa, ông Sáu Ninh lại cho anh Phần mượn tiền, rồi đi biển làm ăn trả nợ. Sau nhiều năm được ông Sáu Ninh giúp đỡ, ngư dân Nguyễn Văn Phần, từ 2 bàn tay trắng đã đồng sở hữu 3 con tàu đánh bắt xa bờ trị giá nhiều tỷ đồng.
“Có vợ, nhờ chú Sáu giúp đỡ để tạo điều kiện chung hùn vô 1 góc ghe đi làm. Mấy năm đầu làm ăn cũng kiếm sống được. Mình biết ơn chú thím rất nhiều, mình 2 bàn tay trắng mà nhờ chú bỏ vốn ra cho mình làm mà đến nay mình có cơ ngơi đủ thu nhập sống vợ con hàng ngày” - anh Phần nói.
Mọi người trân quý ông Sáu Ninh bởi ông luôn vô tư giúp đỡ những ngư dân gặp khó. Bạn tàu, ai không đủ tiền xây nhà, ông cho ứng tiền; thuyền viên nào chưa có tiền đóng tàu lớn, ông cho mượn không tính lãi.
Chị Cao Thị Kim Thiện, vợ lái tàu Nguyễn Sinh cho biết, trước đây, 2 vợ chồng chị rất nghèo. Chồng đi bạn trên biển, còn chị buôn bán ở chợ. Từ khi đi làm cho ông Sáu Ninh, anh Sinh được ông ấy cho vay tiền đóng tàu mới. Nhà dột nát, ông Sáu Ninh bỏ tiền ra xây nhà cho vợ chồng anh. Đã 20 năm gắn bó với ông Sáu Ninh, gia đình anh Sinh có nhà cửa khang trang, đồng sở hữu 2 con tàu câu cá ngừ đại dương trị giá nhiều tỷ đồng.
Ông Sáu Ninh bên con tàu đánh bắt xa bờ.
Chị Cao Thị Kim Thiện không bao giờ quên ơn người giúp đỡ gia đình mình: “Hồi đó đâu có gì đâu. Sau này về làm với ông Sáu Ninh cũng đâu có bỏ ra đồng nào. Nhà cửa giờ cũng ổn định rồi. Hồi đó ông Sáu Ninh cũng đứng ra cất.”
Không mấy ai biết rằng, ông Sáu Ninh sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất nghèo khó ven biển. Thuở nhỏ, ông cùng cha, chèo chống chiếc ghe nhỏ, ngày đêm trên biển kiếm ăn. 19 tuổi, Sáu Ninh nhập ngũ, đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Xuất ngũ trở về quê, ông theo đuổi khát vọng làm giàu từ biển. Ông dành dụm được ít vốn, vay thêm ngân hàng, đi khắp nơi tìm mua gỗ rồi thuê thợ đóng chiếc tàu cá đầu tiên, công suất 50 CV.
Lấy ngắn nuôi dài, vài năm sau đó ông đóng tiếp những chiếc tàu công suất lớn hơn. Giờ đây, lão ngư Sáu Ninh đã sở hữu những chiếc tàu “khủng” cả ngàn sức ngựa. Ông là một trong những ngư dân đầu tiên ở Bình Định thành lập đội tàu đoàn kết đánh bắt thủy sản xa bờ.
Hiện nay, đội tàu mang tên Sáu Ninh có 16 chiếc với tổng công suất khoảng 8.000 CV, chủ yếu hành nghề lưới vây và đánh bắt cá ngừ đại dương tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đội tàu này, ông Ninh chủ sở hữu 10 chiếc, 6 tàu còn lại là của ngư dân trong làng. Theo nhẩm tính, sản lượng đánh bắt của đội tàu của ông mỗi năm gần 2.000 tấn thủy sản, tổng doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Sau khi trừ phí tổn, mỗi năm đội tàu này lãi khoảng 6 tỷ đồng, riêng ông Sáu Ninh lãi khoảng 2 tỷ đồng.
Với ông Sáu Ninh, tiêu chuẩn chọn thuyền trưởng cho các tàu cá của ông không dựa vào quan hệ ruột rà, thân quen, mà là sự yêu nghề và hiệu quả công việc. Các thuyền trưởng đều phải góp vốn làm ăn. Ai thiếu, ông hỗ trợ không lấy lãi và trừ dần sau những chuyến biển.
Thuyền trưởng được ông giao cho việc tuyển chọn thuyền viên. Ông còn bỏ ra 1 tỉ đồng làm quỹ tương trợ, ai có việc cần tiền gấp, quỹ này sẽ kịp thời hỗ trợ. Quỹ này còn cho vay quay vòng trong đội tàu đoàn kết. Ông Sáu Ninh suy nghĩ đơn giản rằng, một khi lợi ích của người lao động được giải quyết hài hòa thì họ sẽ gắn bó mật thiết với tổ đội.
“Kêu gọi bà con anh em vô để giúp đỡ nhau trên biển. Những người lao động trên biển người ta khổ mà người ta có năng lực, có sức khỏe, cũng là dân biển gốc. Mình thấy người ta có đủ điều kiện đánh bắt được nhưng kinh tế không có. Vốn thì mình đầu tư ra cho anh em hùn vào thì cũng như cho mượn ăn phần mà không lãi mà. Nói chung cũng đạt hơn, cùng nhau phát triển kinh tế” - ông Sáu Ninh chia sẻ.
Ông Sáu Ninh đã được Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động Hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen nông dân tiêu biểu…
Nhưng với ông Sáu Ninh, phần thưởng lớn nhất chính là sự hiện diện của mỗi con tàu trong Tổ đội đoàn kết của ông ngày đêm lênh đênh trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. Mỗi con tàu ra khơi vừa làm giàu cho gia đình, quê hương mình; vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Theo Thành Long/VOV.VN