Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) là một huyện cù lao nằm ở cuối nguồn của dòng sông Hậu. Đây là một vùng đất khá đặc biệt, giàu tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, tâm linh,...
Cù Lao Dung là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là dải đất xanh thắm mượt mà của những ruộng mía bạt ngàn, của những vườn cây ăn trái sum suê, của những rặng rừng bần vững vàng nơi sóng gió,...
Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung Võ Thanh Quang giới thiệu: Trong kho tàng địa danh của Sóc Trăng, Cù Lao Dung là một trong những vùng đất có nhiều tên gọi nhất, như Huỳnh Dung Châu, Hổ Châu, Kắc Tung, Cù Lao Vuông, Cù Lao Chằng Bè,...
Nơi đây, Nguyễn Ánh cùng tùy tùng từng nương náu dọc theo những con rạch nhỏ, ngoằn ngoèo, len lỏi vào sâu trong cù lao, vì thế địa danh rạch Long Ẩn đã hình thành từ đây.
Bãi nghêu rộng lớn ở Cù Lao Dung.
Khu nghỉ dưỡng Sân Tiên.
Về du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, Cù Lao Dung được bao bọc bởi bốn bề sông nước, địa hình bằng phẳng, hệ thống sông rạch chằng chịt, hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động vật, thực vật phong phú.
Đến đây, du khách sẽ bị “mê hoặc” bởi những vườn cây ăn trái, hoặc ngắm nhìn những cánh đồng mía thênh thang xen lẫn hàng dừa cao xanh mướt, những rẫy hoa màu xanh tươi tạo nên nét đẹp riêng độc đáo của Cù Lao Dung.
Khu rừng bần ngập nước rộng khoảng 1.500 ha được đánh giá là rộng lớn nhất trong khu vực ĐBSCL, có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài thực vật và động vật hoang dã; khu rừng này có nhiều đàn dơi, cò, chim với số lượng hàng ngàn con, cộng với nhiều đàn ong rừng làm tổ; trải nghiệm ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp khi thủy triều rút tại bãi nghêu rộng hơn 800 ha; tìm hiểu vẻ đẹp hoang sơ của Đảo khỉ; đi thuyền trên sông, tham gia hành trình tìm lại 1 trong 9 cửa sông Cửu Long;…
Du khách thích thú giữa rừng sinh thái.
Khỉ ở rừng An Thạnh Nam.
Cù Lao Dung cũng thu hút du khách bởi đây là nơi có nhiều địa điểm gắn với truyền thuyết về những dấu tích trên đường bôn tẩu của vua Gia Long (Nguyễn Ánh) như rạch Long Ẩn, rạch Trường Tiền, hay vùng đất linh thiêng có tên gọi Sân Tiên,… hội tụ đầy đủ những điều kiện để đầu tư xây dựng khu văn hóa tín ngưỡng, phát triển du lịch tâm linh.
Xứ cù lao này còn là một trong những “địa chỉ đỏ” của địa phương, khi là một nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng và quê hương của nhiều anh hùng cách mạng. Thêm vào đó, còn có những điểm du lịch truyền thống, về nguồn, là những di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia như Đền thờ Bác Hồ, Bia tưởng niệm chiến thắng Rạch Già,…
Ngoài ra, Cù Lao Dung cũng được xem là nơi có điều kiện rất thuận lợi cho phát triển điện gió. Hiện đã có một số nhà máy điện gió đã được tỉnh phê duyệt kêu gọi đầu tư. Trong tương lai, những nhà máy điện gió này sẽ là điểm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước.
Đền thờ Bác Hồ.
Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung Trần Bé Tư cho rằng, đây là địa phương có biển, sông, có nuôi trồng, đánh bắt và một điều đặc biệt mà có lẽ không nơi nào ở ĐBSCL có được khi nơi đây được xem như một “tiểu đồng bằng sông Cửu Long” vì có cả 3 vùng ngọt, mặn, lợ.
“Đặc biệt, sau khi hoàn thành cầu Đại Ngãi, Cù Lao Dung hứa hẹn sẽ trở thành “hòn ngọc xanh”, là điểm đến du lịch thân thiện, hấp dẫn cho nhiều du khách trong và ngoài nước”, Chủ tịch huyện Cù Lao Dung hy vọng.
Theo Cao Xuân Lương/dantri.com.vn