Tỉnh đã tăng cường các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền, đào tạo nghề, lắp đặt các trang thiết bị hàng hải hiện đại giúp ngư dân vươn khơi khai thác hải sản.
Cảng cá Cà Ná tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Nâng cao hiệu quả khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản là hướng đi của tỉnh Ninh Thuận nhằm giúp ngư dân tích cực bám biển, nâng cao thu nhập và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ninh Thuận có đường bờ biển dài hơn 105km, vùng lãnh hải rộng 18.000km2, là một trong bốn ngư trường khai thác hải sản lớn nhất của cả nước với sản lượng bình quân đạt trên 100.000 tấn/năm.
Xác định khai thác hải sản là một trong những ngành quan trọng trong phát triển kinh tế biển, tỉnh tập trung phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, bền vững.
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, cho biết với định hướng phát triển các tàu cá có công suất lớn, có khả năng vươn khơi xa nhằm giảm gánh nặng khai thác nguồn lợi thủy sản gần bờ, thời gian qua tỉnh đã tăng cường các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền, đào tạo nghề, lắp đặt các trang thiết bị hàng hải hiện đại giúp ngư dân vươn khơi khai thác hải sản.
Cụ thể, thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Ninh Thuận đã có 43 dự án đóng mới, nâng cấp “tàu 67” bao gồm một tàu vỏ thép, 24 vỏ composite và 18 tàu vỏ gỗ với tổng dự toán trên 490 tỷ đồng. Đến nay, toàn bộ “tàu 67” đều đã hạ thủy, đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt 12 dự án tàu cá đóng mới theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP; trong đó có bốn dự án đã đi vào hoạt động với tổng mức hỗ trợ đầu tư đóng mới tàu cá trên 22,7 tỷ đồng để giúp ngư dân tiếp tục vươn khơi, nâng cao hiệu quả khai thác.
Cùng với nâng cấp tàu cá, tỉnh tăng cường cải tiến ngư lưới cụ, chuyển giao các ứng dụng thiết bị hàng hải hiện đại vào khai thác.
Các tàu khai thác hải sản có công suất lớn được lắp đặt các thiết bị kỹ thuật hiện đại như máy thông tin liên lạc VX-1700, máy dò ngang Sonar, máy Rada hàng hải, thiết bị kết nối vệ tinh Movimar để đưa vào khai thác nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho ngư dân.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi, nghề khai thác hải sản đang đối mặt với không ít khó khăn do nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm, thời tiết diễn biến thất thường, giá nhiên liệu tăng, thiếu lao động đi biển khiến hoạt động khai thác gặp nhiều trở ngại.
Tình trạng ngư dân sử dụng ngư cụ khai thác sai quy định, sử dụng chất nổ trái phép, vi phạm vùng, tuyến khai thác vẫn còn xảy ra làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.
Theo thống kê năm 2019, qua kiểm tra cơ quan chức năng đã phát hiện 111 đối tượng vi phạm, xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 142 triệu đồng về hành vi vi phạm như sử dụng công cụ khai thác mang tính tận diệt, thiếu trang thiết bị an toàn tàu cá, thuyền trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định, không ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất, vi phạm hoạt động trong nuôi trồng thủy sản...
Ông Đặng Văn Tín cho hay, trong năm 2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển nghề cá theo hướng hiện đại; trong đó tập trung phát triển khai thác xa bờ.
Tỉnh còn đẩy mạnh chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) để xây dựng nghề cá phát triển bền vững.
Tỉnh tiếp tục chuyển đổi cơ cấu đội tàu và cơ cấu nghề khai thác vùng lộng một cách hợp lý; tăng năng lực khai thác xa bờ theo hướng phát triển các nghề lưới vây, nghề câu, nghề chụp, lưới rê hỗn hợp để khai thác các hải sản ở vùng khơi cho giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, ngành chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác thủy sản mang tính tận diệt.
Cụ thể, tỉnh tăng cường tuyên truyền Luật Thủy sản 2017; trong đó, nhấn mạnh về 14 hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp để ngư dân nắm rõ không vi phạm khi tham gia khai thác hải sản trên biển.
Song song với đó, ngành chức năng đẩy mạnh kiểm tra tàu cá, thuyền viên, thiết bị an toàn tàu cá, vệ sinh thực phẩm, ngư lưới cụ, kiểm soát sản lượng và giám sát ghi nhật ký khai thác tại văn phòng kiểm soát nghề cá ở các cảng.
Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Để mở rộng ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác, hằng tháng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận tiếp tục cử các kỹ sư khai thác hải sản đi cùng ngư dân ra các ngư trường khai thác thuộc vùng biển các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang...
Các kỹ sư đi cùng sẽ hỗ trợ ngư dân kỹ thuật khai thác, phổ biến quy định pháp luật khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi hải sản và không xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Ninh Thuận chưa có tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.
Hiện nay, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định để xác định tọa độ làm căn cứ xử phạt, xử lý tranh chấp, cứu hộ cứu nạn xảy ra trên biển.
Dự kiến, tới tháng 4/2020, 100% tàu cá của Ninh Thuận sẽ được gắn thiết bị giám sát hành trình.
Trong năm 2020, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu sản lượng thác thủy sản đạt 113.500 tấn. Để nâng cao năng lực sản xuất, hiện nay tỉnh tiếp tục xây dựng, mở rộng các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh, trú bão, phát triển dịch vụ đóng sửa chữa tàu thuyền, cung cấp nguyên vật liệu, đa dạng hóa sản phẩm sau khai thác để giúp ngư dân phát triển sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế./.
Theo Nguyễn Thành (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/ninh-thuan-dinh-huong-xay-dung-nghe-ca-phat-trien-ben-vung/624759.vnp