Nghe danh động Am Tiên (Hoa Lư, Ninh Bình) đã lâu, nhưng gần đây chúng tôi mới có dịp đến tham quan. Với không gian tĩnh mịch, động Am Tiên là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tĩnh tâm, tìm kiếm sự thư thái.
Cách Hà Nội gần 100km, động Am Tiên rất thích hợp cho khách du lịch muốn đi trong ngày. Vài năm trở lại đây, động Am Tiên được UBND tỉnh Ninh Bình đầu tư xây dựng, chỉnh trang. Nếu như trước đây muốn đến được động Am Tiên thì du khách phải đi một con đường nhỏ băng qua núi thì nay hai đường hầm xuyên núi được xây dựng, rất thuận tiện cho việc tham quan.
Cổng chính vào động Am Tiên được xây dựng theo kiến trúc cổ, bên trên là mái ngói hai tầng, dưới là cổng vào hình vòng cung. Để đi qua được cổng vào trong chùa động, hồ nước, chúng tôi phải trèo qua hàng chục bậc đá với vẻ đẹp cổ kính rêu phong rất lạ mắt. Nằm ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển, khí hậu ở Am Tiên quanh năm khá ôn hòa. Hai bên đường vào khu di tích được phủ một màu xanh của những cây cổ thụ khiến không gian càng thêm huyền ảo. Với địa thế hiểm trở ở nơi thâm sơn cùng cốc, ít người qua lại, động Am Tiên vẫn còn chứa nhiều điều bí ẩn.
Động Am Tiên có vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh mịch.
Phong cảnh động Am Tiên hùng vĩ khi được bao quanh bởi các dãy núi đá vôi, nhưng ám một màu u buồn, huyền bí như còn lưu dấn ấn tàn dư của pháp trường năm xưa. Theo sử sách ghi lại, dưới thời nhà Đinh, động Am Tiên là nơi nuôi hổ, cá sấu để trừng trị những tử tù. Dưới thời vua Lê Đại Hành, động Am Tiên là nơi nhốt các tù binh của giặc Tống xâm lược. Sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, nơi đây được dân chúng dọn dẹp tẩy uế, hương khói giải oan để xua đi âm khí nặng nề. Nó dần trở thành địa điểm lý tưởng cho những người tìm đến Phật pháp, tìm tới sự giải thoát và an nhiên.
Phần lớn khu vực trong động Am Tiên là thung lũng ngập nước, địa hình lại đặc biệt khi được bao bọc xung quanh bởi vách núi đá. Nguồn nước từ các dãy núi đá vôi hai bên chảy xuống tích tụ vào thung hẹp uốn lượn sát theo chân núi. Dòng nước trong xanh nhìn rõ rong rêu tận đáy, không ghềnh đá, không chảy xiết, phẳng lặng như tờ, in bóng núi. Trong khu vực đó, một hang sâu rộng lưng chừng vách núi là điểm nhấn mà thiên nhiên ban tặng.
Không biết từ khi nào, động Am Tiên được gọi với cái tên “tuyệt tình cốc”. Có người nói tên này được đặt bởi các bạn trẻ khi lấy từ cảm hứng của một câu chuyện kiếm hiệp. “Tuyệt tình cốc” có nghĩa là hang núi xảy ra câu chuyện tình đẹp nhưng có kết cục bi tráng. Có ý kiến cho rằng, tên gọi này nhằm để ám chỉ về Thái hậu Dương Vân Nga, người đã xuất gia tu hành và dành những ngày cuối đời của mình tại đây. Tại chùa vẫn còn khắc câu thơ: “Hai vai gồng gánh hai vua/ Hai triều hoàng hậu, tu chùa Am Tiên/ Theo chồng đánh Tống bình Chiêm/ Có công với nước, vô duyên với đời”. Tuy nhiên, động Am Tiên cũng được nhiều người gọi là “tuyệt tịnh cốc”. "Tuyệt" ở đây có thể hiểu nghĩa là hoàn toàn, hết sức, vô cùng, cực kỳ; "tịnh" là sạch sẽ, thanh tịnh, trong sạch, yên lặng; "cốc" là hang núi, khe núi, động. Như vậy, “tuyệt tịnh cốc” có thể hiểu là hang núi vô cùng thanh tịnh.
Dù gọi là “tuyệt tình cốc” hay “tuyệt tịnh cốc” thì động Am Tiên vẫn quyến rũ du khách nhờ những vẻ đẹp hoang sơ, chốn bình yên, tĩnh mịch, trái ngược với cuộc sống sôi động, ồn ào bên ngoài.
HOÀI PHƯƠNG/Báo điện tử Quân đội nhân dân
https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/den-am-tien-tim-su-an-nhien-611287