Cập nhật: 04/03/2020 12:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, TCDL, các địa phương đang tìm mọi cách để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khủng hoảng.

Các doanh nghiệp du lịch tung nhiều chương trình kích cầu nội địa

Sau khi khảo sát, lắng nghe phản ánh tình hình thực tế tại các địa phương, TCDL sẽ báo cáo Bộ VHTTDL, trình Chính phủ nhiều chính sách như: miễn, giảm hoặc giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, cho chậm trả lãi vay; cho chậm đóng bảo hiểm xã hội; giảm tiền thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất, tiền điện…

Gần 56.000 ngày phòng khách sạn bị hủy ở Hà Nội

Theo báo cáo mới nhất của Sở Du lịch Hà Nội, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn tới quyết định của khách du lịch trong việc hủy kế hoạch đi du lịch giai đoạn từ tháng 1-4. Tính đến ngày 2.3, theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp lữ hành như HanoiTourism, Kimlien Travel, Vietravel, Suntour, Phượng Hoàng, Vietrantour, Haseco: Có khoảng 19.846 khách quốc tế hủy tour tới Hà Nội, chủ yếu là khách Trung Quốc (17.120 lượt người), còn lại là các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản, Indonesia, châu Âu, Mỹ… Ước có 15.125 lượt khách Việt Nam hủy tour đi nước ngoài, cũng chủ yếu đi tới thị trường Trung Quốc. Hơn 19.200 lượt khách nội địa hủy tour đến Hà Nội, đi lễ hội… Cũng tính đến ngày 2.3, số ngày phòng bị hủy, theo thống kê từ các cơ sở lưu trú là 55.900 ngày phòng, số lượng khách thông báo hủy là 77.960 lượt.

Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Thời gian tới, ngoài việc tập trung kiểm soát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến du lịch, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân, khách du lịch về dịch bệnh này; tuân thủ nghiêm các quy định, khuyến cáo của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng về đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chỉ đạo các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn chủ động hủy tour du lịch, không tổ chức các đoàn khách tới các vùng đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào thành phố. Nắm chắc tình hình sức khỏe và hành trình của khách để kịp thời báo cáo nếu có trường hợp nghi mắc dịch. Chủ động phòng chống dịch cho khách du lịch và cán bộ nhân viên tại khách sạn, điểm đến du lịch, trên xe vận chuyển khách du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch, cơ sở vui chơi giải trí và văn phòng công ty bằng nhiều hình thức (tiêu độc khử trùng, phát khẩu trang miễn phí, đặt dung dịch sát khuẩn, nhắc nhân viên đeo khẩu trang khi phục vụ khách...).

Một trung tâm du lịch lớn khác ở phía Bắc là Lào Cai cũng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Tính hết năm 2019, Lào Cai có 1.302 cơ sở lưu trú với trên 15.500 buồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2015, trong đó có 3 khách sạn 5 sao, 6 khách sạn 4 sao, 14 khách sạn 3 sao, 54 khách sạn 2 sao, 130 khách sạn 1 sao và 532 nhà nghỉ du lịch và 340 nhà có phòng cho khách du lịch thuê (homestay). Công suất sử dụng buồng bình quân đạt khoảng trên 60%. Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra dịch Covid-19, từ ngày 26.1, các tour du lịch đưa khách Việt Nam sang Trung Quốc và đón khách Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã tạm dừng hoàn toàn. Lượng khách hủy phòng khách sạn tăng mạnh, tính đến thời điểm hiện tại công suất chỉ đạt khoảng 30%. 2 tháng đầu năm 2020, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt 583.630 lượt, giảm 29,3% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, khách quốc tế đạt 93.600 lượt khách, giảm 42,5%; khách du lịch nội địa đạt 490.030 lượt, giảm 26%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.279 tỉ, giảm 31,8%.

Nhiều doanh nghiệp có thể không cầm cự nổi

Mới đây, đoàn công tác của TCDL do Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở VHTTDL Quảng Nam, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cùng một số doanh nghiệp tại địa phương về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch. Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam Lê Ngọc Tường cho biết: Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch Quảng Nam suy giảm nghiêm trọng khi dịch bệnh xảy ra. Ngoài thị trường khách Trung Quốc bị ảnh hưởng trực tiếp, nhiều thị trường trọng điểm, truyền thống khác cũng sụt giảm như: Hàn Quốc, Đài Loan, các nước ASEAN, thị trường khách châu Âu, thị trường khách nội địa giảm sút mạnh. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khách hủy tour (khoảng 70%), hủy phòng, hủy dịch vụ số lượng lớn, lượng khách mới đặt dịch vụ giảm mạnh. Một số doanh nghiệp hiện nay hoạt động cầm chừng, phải cắt giảm nhân viên, đặc biệt là khối khách sạn, nhà hàng. Một số đơn vị phải đóng cửa ngừng hoạt động. Ngoài các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, vận chuyển, các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, mua sắm, các khu, điểm du lịch cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Về những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho du lịch thời gian tới, lãnh đạo Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết đã đề xuất tỉnh miễn, giảm giá vé tham quan; quảng bá về điểm đến Quảng Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn trên đài báo; phối hợp với Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế tổ chức xúc tiến du lịch tại Ấn Độ, Australia; tổ chức roadshow tại TP.HCM, Cần Thơ, Hà Nội…; đề nghị các hãng hàng không giảm phí vận chuyển cho các thị trường khách quốc tế, đặc biệt là các thị trường châu Âu, Australia, Mỹ.

 Theo NGUYỄN ANH/baovanhoa.vn

Tệp đính kèm