Cập nhật: 05/03/2020 09:04:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Số nạn nhân của virus Sars-CoV-2 tại Italia đã tăng lên 107 người thiệt mạng và trên 3.000 người nhiễm.

Số liệu chính thức tính đến 18h giờ địa phương ngày 4/3 cho thấy trong ngày có đến 28 nạn nhân thiệt mạng vì virus Sars-CoV-2 tại Italia. Đây là số người thiệt mạng cao nhất trong một ngày từ khi dịch bùng phát tại nước này, nâng tổng số người thiệt mạng lên 107 người. Số ca nhiễm mới cũng tiếp tục tăng cao, thêm hơn 300 ca và hiện ở mức 3.089 ca nhiễm.

Sau khi đã đóng cửa trường học tại các vùng dịch, chính phủ Italia quyết định áp dụng biện pháp này với mọi trường học ở mọi cấp bậc trên toàn quốc đến ít nhất là ngày 15/03. Các sự kiện thể thao hiện chưa bị hoãn nhưng sẽ phải diễn ra mà không có khán giả.

Nhân viên kiểm dịch chuẩn bị phun thuốc khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại nhà ga tàu hỏa ở Milan, Italy ngày 28/2/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tại Pháp, số ca nhiễm mới cũng tăng đột biến trong ngày 4/3, thêm 73 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm virus Sars-CoV-2 tại nước này lên 285 người, trong đó có 15 ca đang trong tình trạng nguy kịch. Đây là số ca nhiễm cao nhất trong một ngày tại Pháp từ trước đến nay.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong ngày 4/3 đã điện đàm với Tổng thống Mỹ, Donald Trump và Thủ tướng Anh, Boris Johnson nhằm thúc đẩy nhóm G7 đưa ra các biện pháp đối phó với dịch Covid 19. Trong ngày 5/3, chính phủ Pháp tiếp tục triệu tập cuộc họp khẩn cấp với nhóm các nhà khoa học hàng đầu nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu chế tạo vaccine.

Nhận định về dịch hiện nay ở Pháp, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho rằng Pháp vẫn chỉ ở “giai đoạn 2” của dịch nhưng gần như chắc chắn sẽ sớm chuyển sang giai đoạn 3 trong những ngày tới, tức tình huống mà dịch lan rộng trong cả nước.

Hiện 13/15 vùng tại Pháp đã có bệnh nhân nhiễm virus Sars-CoV-2, trong đó có 3 ổ dịch chính là tỉnh Oise nằm cạnh Paris, tỉnh Morbihan ở vùng Bretagne phía Tây Bắc và một số thị trấn ở vùng Haute-Savoie ở miền Đông.

Sau Pháp, Đức là ổ dịch lớn thứ 3 tại châu Âu, với tổng số ca nhiễm đến ngày 4/3 là 240. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuyên bố diễn biến hiện nay đã đủ yếu tố của của một đại dịch toàn cầu. Nhằm đối phó, chính phủ Đức ra quyết định cấm ngay lập tức việc xuất khẩu các mặt hàng y tế như khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ. Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch, hãng hàng không Đức Lufthansa cũng đã quyết định tạm dừng hoạt động 150 máy bay của hãng này do thiếu vắng hành khách. 

Nước có số ca nhiễm nhiều thứ 4 tại Tây Ban Nha trong ngày 4/3 cũng đã ghi nhận ca tử vong thứ 2, đồng thời có tổng cộng 220 ca nhiễm. Tại Anh, số ca nhiễm trong ngày 4/3 cũng đã tăng cao nhất từ trước đến nay, với 34 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số lên 85 ca.

Theo Quang Dũng/VOV-Paris

Tệp đính kèm