Việc đưa Nhà Trưng bày Hoàng Sa (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) trở thành một điểm du lịch đã làm tăng giá trị của những hiện vật lịch sử được lưu giữ nơi đây.
Du khách tham quan Nhà Trưng bày Hoàng Sa
Nhà Trưng bày Hoàng Sa đi vào hoạt động từ cuối tháng 3.2018 là công trình văn hóa, lịch sử có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, minh chứng một cách sinh động về quá trình khai phá, xác lập, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Để đưa địa điểm văn hóa này tiếp cận nhiều hơn với người dân cũng như bạn bè quốc tế, đồng thời làm phong phú thêm hành trình du lịch cho du khách đến với Đà Nẵng, giữa tháng 12 năm ngoái, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định công nhận Nhà Trưng bày Hoàng Sa là điểm du lịch. Qua đó giao cho UBND huyện Hoàng Sa, Nhà trưng bày Hoàng Sa chịu trách nhiệm quản lý, khai thác các dịch vụ, tu bổ và nâng cấp, bảo vệ cảnh quan môi trường, công tác phòng cháy chữa cháy… để đảm bảo an toàn cho du khách khi tham quan tại đây.
Nhà Trưng bày Hoàng Sa được thiết kế trên 4 tầng với năm chủ đề trưng bày cùng hơn 300 tư liệu, hiện vật, bản đồ, hình ảnh… được tổ chức trưng bày hợp lý, qua đó phản ảnh chiều dài quá trình lịch sử từ những ngày đầu khi các Chúa Nguyễn khai phá, xác lập chủ quyền cho đến thời điểm hiện nay. Trong đó giai đoạn lịch sử từ năm 1954 - 1975 được thể hiện đầy đủ, rõ nét và phong phú về tư liệu chứng minh hoạt động quản lý của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Mới đây nhất, khuôn viên khu trưng bày có thêm hiện vật là tàu cá Dna 90152 bị đâm chìm vào năm 2014 trong đợt Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép HD981 trong vùng biển Việt Nam. Từ khi đi vào hoạt động, Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã đón trên 50.000 lượt khách (riêng năm 2019 là trên 30 ngàn lượt khách) đến tham quan, tìm hiểu, học tập. Ngoài khách nội địa, các trường học, đơn vị trên địa bàn thành phố, một số đơn vị lữ hành cũng đã liên kết đưa khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu và cho rằng, địa điểm Nhà Trưng bày Hoàng Sa chắc chắn sẽ trở thành điểm đến quan trọng, làm phong phú thêm cho hành trình của khách du lịch khi đến Đà Nẵng.
Xúc động khi tận mắt chứng kiến những hiện vật lịch sử, anh Tom Hiddleston (du khách Anh) cho biết: “Khi đến Đà Nẵng, tôi đã tham quan nhiều bảo tàng như Bảo tàng Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng. Khi đến Nhà Trưng bày Hoàng Sa, tôi cảm nhận tình cảm đặc biệt giữa con người và biển đảo. Tư liệu được trưng bày rất rõ ràng, thông suốt, tôi có thể tự tìm hiểu các hiện vật được trưng bày, hoặc nhờ các bạn hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại đây để rõ thêm. Tôi đã ghi vào sổ những “bài học mới” tại đây và khi về nước tôi sẽ tìm hiểu thêm trên mạng. Tôi hy vọng khi quay trở lại lần nữa sẽ được tìm hiểu thêm nhiều hiện vật, tư liệu quý giá để chúng tôi có thể hiểu thêm về biển đảo, con người anh hùng Việt Nam”. Cùng đi với anh Tom, chị Zelda (du khách Anh) bày tỏ:“Tôi đã đọc không ít tư liệu về cuộc chiến tranh giành độc lập của Việt Nam và cũng đã được biết về Hoàng Sa. Khi tới đây chứng kiến các hiện vật, được nghe thuyết minh viên giải thích, tôi hiểu và ghi nhớ thêm nhiều điều về lịch sử của Việt Nam, thấy rất cảm phục và yêu quý đất nước Việt Nam hơn”.
Ông Lê Tiến Công, Phó Giám đốc phụ trách Nhà Trưng bày Hoàng Sa cho biết, để Nhà Trưng bày Hoàng Sa là địa điểm du lịch, văn hóa, lịch sử hấp dẫn thì công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật mới về Hoàng Sa là rất cần thiết. Sau khi được công nhận là một trong những điểm đến du lịch, đơn vị sẽ tập trung bổ sung hiện vật để thu hút du khách. Ngoài việc chủ động liên kết với các trường học, đơn vị trong địa phương, đơn vị cũng sẽ kết nối với các đơn vị lữ hành để giới thiệu Nhà Trưng bày Hoàng Sa đến với du khách trong nước cũng như quốc tế.
Theo NGỌC HÀ/baovanhoa.vn