Theo TS.BS Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội 6, Bệnh viện K, người bệnh ung thư có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn so với người không mắc bệnh ung thư.
Theo TS.BS Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội 6, Phụ trách phòng Kế hoạch tổng hợp, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch SARS-CoV-2 tại Bệnh viện K, dịch Covid -19 đang là mối lo ngại, quan tâm hàng đầu của cả cộng đồng, người bệnh ung thư cũng không ngoại lệ.
Nhất là ở bệnh nhân ung thư, nguy cơ nhiễm virus nguy hiểm này cao hơn người bình thường.
Theo nghiên cứu mới đây được các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện và công bố trên tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới The Lancet Oncology tháng 3/2020 cho thấy, người bệnh ung thư có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn so với người không mắc bệnh ung thư. Người bệnh ung thư (đặc biệt là ung thư phổi) đang hoặc vừa được điều trị phẫu thuật hay hóa chất, khi nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng cao hơn người không ung thư.
Tất cả người bệnh đến khám đều được sàng lọc, đo thân nhiệt nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc Covid-19.
Khi khởi phát, nhiễm SARS-CoV-2 có thể gây ho khan, sốt. Trường hợp tiến triển nặng có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Do đó, khi người bệnh ung thư phổi đã có tổn thương ở phổi thì việc nhiễm thêm SARS-CoV-2 càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt với người bệnh ung thư phổi đang xạ trị, hoá trị, nếu mắc SARS-CoV-2 bệnh dễ có nguy cơ diễn biến nặng hơn.
Không riêng gì bệnh ung thư, người bệnh có các bệnh lý nền mạn tính khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận ... có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn và nếu mắc Covid-19 thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn so với những người không mắc các bệnh kèm theo này.
Vì thế, việc sàng lọc Covid-19 với bệnh nhân ung thư rất quan trọng. Tại Bệnh viện K, người bệnh đến khám sẽ được khảo sát tờ khai y tế, khám sàng lọc trước khi ra vào và theo dõi sát những người có biểu hiện về triệu chứng hô hấp, ho, sốt .... Tất cả các khoa, phòng điều trị nội trú đều được bố trí khu vực khám, cách ly cho những người có dấu hiệu lâm sàng, dịch tễ nghi ngờ.
Với bệnh nhân nội trú, công tác khử khuẩn, phòng dịch tại bệnh viện cũng được tăng cường 24/24.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người bệnh sử dụng các thuốc điều trị ung thư (hóa trị) có thể gây biến chứng hạ bạch cầu, sốt, viêm phổi... Vì thế, nếu người bệnh bị sốt khi đang hóa trị nhưng sau khi khai thác kỹ không có yếu tố dịch tễ hay tiếp xúc gần với người nghi nhiễm Covid-19 thì không có gì đáng lo ngại, sẽ tiếp tục theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
Với người bệnh cần đi khám ung thư trong mùa dịch và cả những bệnh nhân đang điều trị, các bác sĩ khuyến cáo:
- Tránh tiếp xúc với nguồn lây, tránh đến nơi đông người.
- Chủ động đeo khẩu trang khi đến bệnh viện và những nơi đông người.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước (trong 20 giây) hoặc bằng dung dịch vệ sinh tay khô có ít nhất 60% cồn.
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng.
- Sử dụng khăn giấy nếu ho hoặc hắt hơi. Sau đó bỏ khăn giấy đi.
- Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
- Làm sạch các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào như: tay nắm cửa, quầy hàng, nhà vệ sinh, bàn phím, máy tính bảng, điện thoại…
Cùng với đó, người bệnh cần được chăm sóc dinh dưỡng tích cực để duy trì sức khỏe, tăng cường miễn dịch vừa điều trị bệnh ung thư vừa phòng ngừa dịch bệnh.
Theo TS Huyền, khi có biểu hiện như mệt mỏi, sút cân, ho ra máu, đi ngoài ra máu, phát hiện u, cục, hay nhận thấy dấu hiệu bất thường của cơ thể thì nên chủ động đến khám tầm soát ung thư tại các cơ sở chuyên khoa uy tín. Bởi nếu vì lo lắng dịch bệnh lan rộng, mà bỏ qua “thời điểm vàng” để phát hiện sớm và điều trị ung thư hiệu quả thì hậu quả để lại với sức khỏe còn đáng lo ngại hơn rất nhiều.
Ngoài ra với những người bệnh đã điều trị ổn định, không có dấu hiệu bất thường, đến lịch tái khám thì có thể trao đổi với bác sĩ để hẹn lùi ngày, không cần thiết phải đến khám ngay trong thời điểm cao điểm dịch bệnh.
Theo Tú Anh/dantri.com.vn