Số ca nhiễm Covid-19 tăng lên tỷ lệ thuận với số trung tâm du lịch lớn của Việt Nam phải đóng cửa, ngừng tiếp khách, nhưng toàn ngành du lịch đang nỗ lực với tinh thần chủ động, đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn.
Giai đoạn khó khăn của du lịch
Rất nhanh sau thời điểm bùng phát dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Ngay "đợt sóng" đầu tiên, khi Việt Nam mới có 16 ca nhiễm, nhiều doanh nghiệp du lịch đã không thể trụ vững. Các trang mạng xã hội thời điểm đó lan truyền một đoạn video, ghi lại cảnh nữ quản lý khách sạn ở Hà Nội buộc lòng phải thông báo cho nhân viên nghỉ việc tạm thời khiến nhiều người xót xa. “Với nhiều ngành nghề khác như giày dép, quần áo, không bán được thì cất trong kho, đợi hết dịch bệnh thì bán tiếp, nhưng với khách sạn, phòng không bán được, công ty vẫn phải trả nhiều chi phí”, nữ quản lý khách sạn bật khóc nói với nhân viên.
Nếu so với hiện nay, đó vẫn là thời điểm ít nhiều lạc quan bởi nhiều doanh nghiệp vẫn nhúc nhắc, tìm cách tự cứu mình, tìm kiếm khách bằng giảm giá vé, tặng voucher, thêm ưu đãi... Nhưng đến lúc này, khi ở cả Việt Nam và thế giới, dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường thì dường như những cách làm trước đó cũng không đủ để vớt vát tình hình. Hàng loạt trung tâm du lịch lớn của Việt Nam đã tuyên bố tạm dừng đón khách hoặc đóng cửa các điểm tham quan. Có thể kể đến như Quảng Ninh tạm dừng dịch vụ nghỉ đêm trên vịnh, dừng đón khách tham quan vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, trên các đảo thuộc vùng biển đảo Cô Tô, Vân Đồn, dừng hoạt động của các khu di tích lịch sử danh thắng trên địa bàn toàn tỉnh; Tiền Giang tạm dừng nhận khách du lịch nước ngoài; tạm đóng cửa các điểm di tích, du lịch sinh thái tại Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu); Hội An tạm dừng bán vé tham quan khu phố cổ và phố đi bộ; tạm ngừng đón du khách ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)... Cùng với đó, hàng loạt đường bay, chuyến bay phải dừng lại vì dịch, Việt Nam cũng đã tạm thời dừng miễn thị thực đơn phương với công dân một số nước... Du lịch và doanh nghiệp du lịch, từ lớn đến bé, chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Những người làm du lịch đều đồng tình cho rằng, đây là thời kỳ khó khăn nhất của ngành từ trước đến nay.
Du khách tham quan Quần thể bảo tồn di tích Huế. Ảnh: TTXVN.
Chuẩn bị tốt nhất để phục hồi
Thế nhưng, vào lúc này, vấn đề quan tâm hàng đầu của những người làm du lịch không phải là các con số thiệt hại mà chính là tìm giải pháp để tạo ra một "cú hích" lớn đưa du lịch vượt "bão". Nhiều hướng đi được đưa ra khi tại các địa phương chính quyền đã thực sự vào cuộc: Quảng Ngãi xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch; Khánh Hòa nghiên cứu phát triển du lịch tại Hòn Bà; Lâm Đồng xây dựng giải pháp quảng bá điểm đến du lịch an toàn; Bạc Liêu đẩy mạnh kích cầu, đưa du lịch vượt "bão"; Quảng Ninh còn xây dựng hẳn Chương trình kích cầu du lịch Quảng Ninh 2020 nhằm thu hút du khách trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động mạnh tới ngành du lịch cả nước nói chung và du lịch Quảng Ninh nói riêng...
Cùng với chính quyền, đáng mừng là các doanh nghiệp du lịch cũng luôn trong tư thế sẵn sàng tự lực tự cường. Trong tình huống “nước sôi lửa bỏng” của dịch Covid-19, chúng ta lại thấy những nỗ lực đáng quý khi các doanh nghiệp du lịch tích cực chủ động đoàn kết, nắm tay nhau vượt "bão" lớn. Họ đã sẵn sàng với tâm thế của “lò xo bị nén lại chờ ngày bật lên” như bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, đã phát biểu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc của người đứng đầu Chính phủ với các tập đoàn kinh tế tư nhân giữa tuần qua.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SunGroup cũng cho biết: “Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, song SunGroup tin tưởng du lịch sẽ nhanh chóng hồi phục mạnh mẽ, trở thành đòn bẩy để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là khi Chính phủ Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch Covid-19. Là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, SunGroup không chỉ tiên phong trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho du khách mà chắc chắn sẽ đi đầu trong chiến dịch phục hồi hoạt động du lịch. Với những dự án, sản phẩm du lịch mới đang ấp ủ trong năm 2020, chúng tôi tin rằng SunGroup sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng, góp phần thúc đẩy ngành du lịch hồi sinh mạnh mẽ ngay khi dịch Covid-19 chấm dứt”. Được biết, doanh nghiệp này đang tích cực xây dựng kế hoạch, nghiên cứu thị trường để đưa ra những gói kích cầu hấp dẫn nhất nhằm thu hút khách đến với các khu vui chơi, khách sạn, resort do SunGroup quản lý. Ngoài ra, các kế hoạch đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng đang được triển khai rốt ráo để sẵn sàng tái xuất khi dịch Covid-19 chính thức được ngăn chặn tại Việt Nam.
Trong khi cho rằng chống dịch là yếu tố quan trọng hàng đầu, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel đề xuất: “Bây giờ là lúc các doanh nghiệp cần kết nối lại, hiệp hội cũng cần hoạt động mạnh hơn. Đề nghị các doanh nghiệp hợp tác cùng nhau để tạo thành một chuỗi giá trị, dồn lợi nhuận vào một người rồi chia lại cho cả hệ thống”. Tư tưởng đoàn kết chống dịch cũng được quán triệt khá mạnh mẽ ở cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) cho biết: “Năm nay, VCTC tập trung hỗ trợ hội viên qua các lớp đào tạo nghiệp vụ, họp bàn chính sách và đóng góp ý kiến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hội viên. Đặc biệt hơn là chúng tôi cùng đoàn kết chống dịch và hoàn thiện sản phẩm để sau dịch phục hồi nhanh nhất có thể. Giai đoạn này, các doanh nghiệp du lịch không bán sản phẩm nhưng VCTC đã lập nhóm kích cầu riêng với các sản phẩm trọn gói từ các vùng miền để hội viên cùng bán sau này”.
Cơn "bão" tuy lớn, thử thách nhiều, nhưng đây là lúc "lửa thử vàng" với toàn ngành du lịch. Bằng sự chủ động, cách làm linh hoạt, chiến lược phù hợp, tin rằng, khi bão qua, du lịch sẽ nhanh chóng lấy lại vị thế.
HUY AN/Báo điện tử Quân đội nhân dân
https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/nganh-du-lich-doan-ket-vuot-bao-612306