Cập nhật: 30/03/2020 08:37:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khi ngành khai thác cá ngừ đại dương được mở rộng thì hợp tác quốc tế sẽ là giải pháp để giúp sản phẩm này tạo được thương hiệu uy tín dễ dàng lưu thông trên thị trường quốc tế.

Ngư dân thành phố Tuy Hòa đưa cá ngừ từ tàu câu lên cảng cá Đông Tác, phường Phú Đông để bán cho thương lái. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Đánh bắt cá ngừ của Việt Nam đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ.

Trong 2 năm qua, ngành khai thác cá ngừ vẫn phát triển ổn định tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, nhưng lại gặp khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Do đó, khi ngành khai thác cá ngừ đại dương được mở rộng thì hợp tác quốc tế sẽ là giải pháp để giúp sản phẩm này tạo được thương hiệu uy tín dễ dàng lưu thông trên thị trường quốc tế.

Tăng giá trị cho cá ngừ

Kể từ năm 2014 cho đến nay, Tổng cục Thủy sản Việt Nam đã tạo điều kiện cho ngư dân và doanh nghiệp khai thác, chế biến cá ngừ thực hiện các dự án hợp tác khai thác cá ngừ với Philippines và gần đây nhất là hợp tác với “ông vua cá ngừ” của Nhật Bản.

Sự hợp tác này thể hiện, cá ngừ Việt Nam đạt chất lượng mà người tiêu dùng khó tính nhất thế giới như Nhật Bản đang yêu cầu.

Bên cạnh đó, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên và Tổng cục Thủy sản đã triển khai dự án Cải thiện nghề cá đối với nghề câu cá ngừ đại dương ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Cùng với dự án này, ngành khai thác và chế biến cá ngừ ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đó chính là cơ sở để cá ngừ Việt Nam được gắn nhãn sinh thái. Như vậy, khai thác cá ngừ và nghề cá nói chung của Việt Nam không thể nằm ngoài yêu cầu phát triển bền vững.

Gần đây nhất là sự hợp tác công nghệ khai thác, đánh bắt và chế biến cá ngừ đã được ký kết giữa ông Kiyoshi Kimura được mệnh danh là vua cá ngừ Nhật Bản và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên để tạo điều kiện cho ngư dân khai thác cá ngừ phát triển bền vững nghề cá tại địa phương.

Ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, chia sẻ nếu có được nhà đầu tư đủ năng lực và kinh nghiệm trong chế biến, xuất khẩu cá ngừ thì cá ngừ Phú Yên nói riêng và cá ngừ Việt Nam nói chung hoàn toàn có thể phát triển thành những sản phẩm chất lượng, giá trị gia tăng cao.

Với hơn 40 năm kinh nghiệm đánh bắt, thu mua và chế biến cá ngừ, ông Kiyoshi Kimura, chủ chuỗi nhà hàng sushi Nhật Bản (còn được mệnh danh là vua cá ngừ Nhật Bản) hợp tác, xuất khẩu cá ngừ với hơn 90 quốc gia đánh bắt cá ngừ trên thế giới. Thông qua sự hợp tác này, ông đã hỗ trợ các quốc gia, địa phương nâng cao khả năng đánh bắt, phát triển ngư trường và chế biến cá ngừ.

Ông Kiyoshi Kimura đánh giá cao kỹ thuật khai thác cá ngừ đại dương của Việt Nam. Chính vì vậy, ông đã ký kết hợp tác kỹ thuật và công nghệ khai thác để nâng cao giá trị cho cá ngừ Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, nhìn nhận chất lượng sản phẩm cá ngừ đại dương của Việt Nam đã tăng trưởng rõ rệt trong những năm qua. Nhận thức, tay nghề, kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm cá ngừ của ngư dân cũng ngày càng được nâng cao, các tàu tham gia mô hình liên kết chuỗi đã tạo ra sự đoàn kết, gắn bó trong sản xuất.

Để ngành hàng cá ngừ đại dương tiếp tục ổn định hướng đến bền vững, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng; nâng cấp đồng bộ hệ thống cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ và cơ sở hậu cần dịch vụ riêng cho cá ngừ đại dương, tăng nguồn vốn nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ khai thác, chế biến, bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương trên tàu cá để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cá ngừ đại dương được chuyển lên xe đông lạnh để chở đi tiêu thụ. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Với sự hợp tác quốc tế trong việc áp dụng kỹ thuật khai thác, đánh bắt chế biến và tiêu thụ cá ngư, ngư dân đánh bắt cá ngừ có thêm sự an tâm trong lao động sản xuất, thực hiện đúng các tiêu chuẩn do người tiêu dùng quốc tế đưa ra.

Trong những dự án liên kết sản xuất, phải nói đến mối liên kết giữa doanh nghiệp và ngư dân, tạo nên sự nhịp nhàng trong đánh bắt và thu mua, giúp ngư dân tiêu thụ sản phẩm nhanh, có lãi và cải thiện được kỹ thuật khai thác.

Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết đối với hỗ trợ chuỗi liên kết ngư dân và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ, kể từ năm 2019, Chi cục thủy sản Khánh Hòa đã xây dựng chính sách hỗ trợ chuỗi liên kết cá ngừ, dựa trên Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình lên Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Doanh nghiệp liên kết hỗ trợ đơn giá cá ngừ đại dương 2.000 đồng/kg và cá ngừ vằn 1.000 đồng/kg đồng thời, doanh nghiệp liên kết cũng hỗ trợ chủ tàu chi phí ra vào cảng và 50% mua sắm thiết bị. Các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết được hỗ trợ 50% chi phí tham gia quảng bá sản phẩm tại hội thảo, hội chợ, phí xác nhận nguồn gốc thủy sản.

Cụ thể, Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa thực hiện liên kết với doanh nghiệp để nâng cao kỹ thuật khai thác cá ngừ. Chuỗi liên kết ngư dân và doanh nghiệp đã cùng chia sẻ lợi ích, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, mang lại nhiều lợi ích cho ngư dân có thêm nhiều lợi ích từ cá ngừ như: giá bán cao hơn giá thị trường, đặc biệt là giá cá bán ra ổn định, tập huấn cách bảo quản cá ngừ để đảm bảo chất lượng như yêu cầu của doanh nghiệp.

Cụ thể, toàn bộ sản phẩm cá ngừ của ngư dân Khánh Hòa được Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Hưng Thịnh Nha Trang (Khánh Hòa) thu mua theo giá thị trường. Đồng thời, công ty đã hỗ trợ thêm 2.000 đồng/kg cho toàn bộ lô cá ngừ sau khai thác có 10% sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất (tiêu chuẩn hàng Bay hoặc Fillet, được cột dây màu đỏ).

Ông Lê Quốc Hùng, thành viên Tổ Hợp tác Phước Đồng chia sẻ, với thời gian hơn 3 năm tham gia tổ hợp tác, ông nhận thấy, bên cạnh chính sách thu mua trợ giá cho ngư dân, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Thịnh Hưng Nha Trang đã có nhiều chính sách khen thưởng cho các chủ tàu đánh bắt cá ngừ đạt sản lượng và chất lượng cao, tạo điều kiện cho ngư dân hăng hái, yên tâm bám biển.

Từ khi thành lập tổ hợp tác, các ngư dân luôn đoàn kết, gắn bó, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất, cũng như giúp đỡ nhau trên biển khi gặp sự cố. Đặc biệt, ngư dân trong tổ hợp tác thường xuyên nhắc nhở nhau không vi phạm vùng biển nước ngoài để góp phần gỡ thẻ vàng IUU.

Nói về chất lượng cá ngừ, ông Nguyễn Trọng Thuận, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Thịnh Hưng Nha Trang chia sẻ, chất lượng cá quyết định đến giá cá. Nếu bà con không tuân thủ các kỹ thuật giết mổ đã khuyến cáo thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của cá ngừ, xuất khẩu của doanh nghiệp.

Do đó, với chuỗi liên kết này, doanh nghiệp đã nỗ lực hết mình để hướng dẫn ngư dân bảo quản sản phẩm đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng cá ở giá trị cao nhất, như vậy, cả ngư dân và doanh nghiệp mới có được lợi nhuận cao như mong muốn./.

Theo Hồng Nhung (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/hop-tac-quoc-te-tao-thuong-hieu-cho-ca-ngu-viet-nam/623153.vnp

Tệp đính kèm