Cập nhật: 30/03/2020 09:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những năm gần đây, Vùng 4 Hải quân (Quân chủng Hải quân) được biên chế thêm nhiều tàu chiến đấu hiện đại, có lượng giãn nước lớn, tầm hoạt động xa. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), đơn vị còn được cấp trên giao sử dụng các tàu chiến đấu tham gia một số hoạt động đối ngoại quân sự của Quân chủng Hải quân.

Qua đó, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tin cậy giữa Hải quân Việt Nam với lực lượng hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, Vùng 4 Hải quân đã cử nhiều lượt tàu đến thăm 11 nước, hoạt động hàng trăm nghìn hải lý trên biển bảo đảm an toàn tuyệt đối. Có được kết quả đó, ngành kỹ thuật Vùng 4 Hải quân đã đề ra nhiều biện pháp thiết thực nhằm bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, giúp các tàu hoàn thành nhiệm vụ đối ngoại quân sự, khẳng định vị thế, khả năng khai thác làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) của bộ đội hải quân trong mắt bạn bè quốc tế.

Trước mỗi chuyến công tác, đơn vị luôn xác định, biện pháp quan trọng hàng đầu trong bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) cho các tàu hoạt động dài ngày là phải xây dựng kế hoạch tốt. Các kế hoạch đều dựa trên cơ sở nhiệm vụ được giao, căn cứ vào tình hình thực tế VKTBKT và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, khả năng bảo đảm vật tư, trang thiết bị của cấp trên và đơn vị. Trong kế hoạch, đơn vị đều dự kiến từng tình huống kỹ thuật để triển khai các biện pháp xử lý cụ thể, phù hợp. Sau khi xây dựng kế hoạch, cơ quan kỹ thuật đều quán triệt sâu kỹ, phổ biến đến các cơ quan liên quan cùng phối hợp triển khai thực hiện. Có những chuyến công tác, ngành kỹ thuật phải tham gia nhiều nội dung BĐKT khác nhau, như: BĐKT cho tàu, BĐKT cho các lực lượng phối thuộc khác, vì vậy cần có sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, phân công và giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận tham gia.

Cán bộ, nhân viên kỹ thuật Lữ đoàn 162 (Vùng 4 Hải quân) thực hiện công tác kỹ thuật trên tàu trước khi đi làm nhiệm vụ. Ảnh: QUỐC ANH

Cùng với khâu xây dựng kế hoạch, trong BĐKT, việc làm tốt công tác chuẩn bị luôn là yếu tố quyết định đến sự an toàn của chuyến đi. Chính vì vậy, trước mỗi chuyến đi biển, cơ quan kỹ thuật các cấp đều phối hợp tổ chức kiểm tra tỉ mỉ, kỹ lưỡng tình trạng kỹ thuật VKTBKT, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra tình trạng kỹ thuật của các trang thiết bị hàng hải, thông tin quan sát và các trang thiết bị động lực, điều khiển tàu. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, các bộ phận, kíp kỹ thuật tiến hành phương án tổ chức bảo quản, bảo dưỡng, kịp thời khắc phục, sửa chữa hư hỏng, hiệu chỉnh để bảo đảm trang, thiết bị có tình trạng kỹ thuật tốt nhất. Quá trình chuẩn bị, cán bộ, nhân viên luôn tính toán dự phòng các tình huống sự cố, xây dựng phương án xử lý, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng mang theo. Nhờ có sẵn phương án xử lý và vật tư dự phòng, cán bộ, nhân viên kỹ thuật đã khắc phục thành công các sự cố kỹ thuật ngay trên biển, không để ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện nhiệm vụ.

Song song với công tác chuẩn bị, cơ quan kỹ thuật vùng còn thường xuyên tổ chức huấn luyện kỹ thuật bổ sung cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, trong đó tập trung vào huấn luyện các phương án xử lý sự cố, quy tắc bảo đảm an toàn và bảo dưỡng chuyên sâu VKTBKT. Quá trình hành quân, các tàu luôn thực hiện nghiêm quy định về trực canh, đi ca, kiểm tra tình trạng kỹ thuật của trang, thiết bị, theo dõi chặt chẽ các thông số kỹ thuật. Nhờ đó, kịp thời phát hiện yếu tố bất thường để kiểm tra, khắc phục. Ngoài duy trì nghiêm chế độ trực, các tàu còn tổ chức tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật trong quá trình hành quân và khi tàu cập cảng. Trong thời gian tàu hành quân đều có kế hoạch bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị không hoạt động theo định kỳ dựa theo số giờ hoạt động hoặc theo tình trạng thực tế. Khi tàu neo đậu tại cảng nước bạn, các kíp tàu đều tổ chức lực lượng bảo quản, bảo dưỡng kiểm tra toàn bộ trang, thiết bị kỹ thuật, làm tốt công tác chuẩn bị cho tàu tham gia hoạt động và hành quân về nước.

Trước thực trạng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật trên một số tàu trình độ còn hạn chế, chưa đồng đều, thời gian qua, cơ quan kỹ thuật đã triển khai nhiều phương án bổ sung hợp lý, hiệu quả. Trong đó, đề xuất thủ trưởng các cấp tăng cường cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ tay nghề cao, giàu kinh nghiệm từ các nhà máy, cơ quan kỹ thuật cấp trên để bổ sung thêm cho lực lượng làm công tác kỹ thuật tại chỗ. Với cách làm này, đội ngũ kỹ thuật trên tàu đã học hỏi, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm, đồng thời, tự tin phối hợp xử trí nhiều tình huống, sự cố kỹ thuật phát sinh. Đây là kinh nghiệm quý, đơn vị sẽ tiếp tục áp dụng, thực hiện trong thời gian tới…

Có thể khẳng định, nhờ triển khai đồng loạt các biện pháp trong công tác BĐKT nên những năm qua, ngành kỹ thuật Vùng 4 Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm cho các tàu chiến đấu tham gia hoạt động đối ngoại, hoạt động hành quân đường dài. Thời gian tới, cơ quan kỹ thuật sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với cấp trên đề ra nhiều biện pháp thiết thực, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng công tác BĐKT, góp phần để Vùng 4 Hải quân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.

LÊ HỒNG QUANG/Báo điện tử Quân đội nhân dân

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bao-dam-ky-thuat-cho-tau-chien-hoat-dong-dai-ngay-tren-bien-613672

Tệp đính kèm