Trước những diễn biến phức tạp và có thể kéo dài của dịch Covid-19, ngành Du lịch đang nỗ lực tìm lối thoát để các doanh nghiệp có thể tồn tại và nhanh chóng phục hồi khi dịch bệnh được khống chế.
Nhiều khách sạn ở Hà Nội đã không còn sáng đèn, nhân viên phải nghỉ việc Ảnh: ANH VŨ
“Từ 2 tháng trở lại đây, hàng loạt các khách sạn, nhà hàng… phải tạm ngừng hoạt động một phần hoặc toàn bộ, kéo theo đó là hàng nghìn người lao động không có việc làm. Tình trạng này không biết sẽ diễn ra đến bao giờ”, bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn lo lắng nói.
Tìm việc làm cho nhân viên khách sạn
Có thể nói, đây là thời điểm khó khăn nhất của ngành Du lịch. Hội nhân sự khách sạn Việt Nam VHRO (Hiệp hội Khách sạn Việt Nam) đã phối hợp với chuỗi siêu thị của Vinmart+ tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM để giải quyết việc làm cho các nhân viên khách sạn đang thất nghiệp. Theo chương trình này, Vinmart+ sẽ tiếp nhận hơn 1.300 lao động khách sạn để sắp xếp vào vị trí nhân viên bán hàng, giao hàng. Tại cuộc họp online diễn ra ngày 30.3, các bên cùng thống nhất cụ thể về lương, chế độ và thời gian làm việc.
Việc mua bán online trong thời gian tới chắc chắn sẽ đẩy mạnh hơn, do đó, nhân lực phục vụ trong các chuỗi siêu thị là rất lớn. Hệ thống Vinmart+ cam kết sẽ bố trí việc làm cho người lao động là nhân viên khách sạn chuyển sang tại địa điểm gần nhà nhất có thể; hỗ trợ để họ quay trở lại khách sạn làm việc trong trường hợp người lao động có nhu cầu muốn quay về khi ngành du lịch, khách sạn hoạt động trở lại. VinMart+ cũng sẽ ký thỏa thuận về việc sử dụng lao động của các khách sạn (theo từng nhu cầu).
Thực tế cho thấy, những tháng vừa qua, ngành Du lịch, khách sạn trải qua giai đoạn khủng hoảng chưa từng có. Một nhân viên nhà hàng tâm sự: “Mấy năm học nghề, hàng chục năm làm nghề nhưng vì dịch Covid-19 giờ chúng tôi rơi vào cảnh thất nghiệp. Tôi đứng bếp kiêm chạy bàn, làm bar kiêm rửa bát. Chúng tôi đã cầm cự cả tháng trời như vậy cho đến khi chính thức có thông báo đóng cửa nhà hàng…”.
Hiện hầu hết khách sạn trên cả nước đã cho nhân viên nghỉ việc và đóng cửa. Những khách sạn còn đang hoạt động phần lớn là lỗ nhưng để bảo vệ thương hiệu vẫn phải cố chống đỡ để chờ dịch qua. Chương trình hợp tác giữa VHRO, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam và hệ thống Vinmart + vì thế được kỳ vọng sẽ giúp hàng nghìn gia đình vượt qua khó khăn, cùng Chính phủ chống dịch Covid-19.
Kiến nghị các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp lữ hành
Dịch bệnh Covid-19 đã có những ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp đến các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh du lịch, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giảm thiểu khó khăn, thiệt hại, có khả năng phục hồi sau dịch bệnh, Bộ VHTTDL, TCDL đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch đầu tư đề xuất các chính sách hỗ trợ đồng bộ, cấp bách, thiết thực cho doanh nghiệp. Trong đó có các ưu đãi về thuế, phí, lãi suất vay, giá điện, đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, chính sách về thị thực nhằm thu hút khách du lịch quốc tế cũng như các chính sách truyền thông, xúc tiến, mở rộng thị trường du lịch sau khi chấm dứt dịch bệnh.
Trong ngày 30.3, TCDL đã đề nghị các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành báo cáo kết quả kinh doanh lữ hành trong vòng 3 năm trở lại đây, đánh giá thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị các gói hỗ trợ doanh nghiệp và giải pháp cụ thể để ngành Du lịch phục hồi sau dịch bệnh. Căn cứ trên kết quả kinh doanh thực tế và kiến nghị của các doanh nghiệp, TCDL sẽ có thêm cơ sở đưa ra các đề xuất, kiến nghị cụ thể trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài.
TCDL đã đề nghị các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành báo cáo kết quả kinh doanh lữ hành trong vòng 3 năm trở lại đây, đánh giá thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị các gói hỗ trợ doanh nghiệp và giải pháp cụ thể để ngành Du lịch phục hồi sau dịch bệnh. Căn cứ trên kết quả kinh doanh thực tế và kiến nghị của các doanh nghiệp, TCDL sẽ có thêm cơ sở đưa ra các đề xuất, kiến nghị cụ thể trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài.
Theo THÚY HÀ/ baovanhoa.vn