Nhờ chiếc xe phun khử khuẩn môi trường mà Bệnh viện đa khoa Lào Cai đã nâng cao năng suất lao động, bớt giảm nhân lực, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 tại đây.
Chiếc xe phun khử khuẩn cải tiến do anh Lê Văn Tấn thực hiện, tại Bệnh viện đa khoa Lào Cai.
Từ trước tới nay, công việc khử khuẩn môi trường tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai (BVĐK) được coi là nặng nhọc, đòi hỏi nhiều thời gian và nhân công. Cách khử khuẩn thông thường của bệnh viện là dùng bình chạy bằng năng lượng dầu diezel, do giá trị chi phí của chiếc máy khử khuẩn này cao khoảng vài chục triệu đồng/chiếc, nên cả bệnh viện chỉ có một chiếc máy khử khuẩn. Do máy chạy bằng dầu, gây tiếng ồn và thải ra một lượng khí thải khá lớn, gây ô nhiễm môi trường, hơn nữa bình phun chứa tầm hai chục lít, to nặng cồng kềnh, nên tổng trọng lượng mà nhân công phải mang vác trên vai khi tác nghiệp nặng đến hơn hai chục cân, rất bất tiện so với sức mang vác của phụ nữ, mà nhân viên làm việc tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện phần lớn là nữ.
Là một cử nhân điều dưỡng, trực tiếp làm công việc khử khuẩn tại bệnh viện, sau nửa tháng quan sát và nghiên cứu, anh Lê Văn Tấn đã thiết kế một chiếc xe phun khử khuẩn bằng ý tưởng tận dụng các nguyên liệu sẵn có tại bệnh viện, đó là chiếc xe tiêm cũ, can nhựa cùng chiếc ắc-quy nhỏ 12V, kèm một vài phụ kiện khác, với kinh phí trích từ số tiền lương của mình.
Ngày 9-4-2020, chiếc xe phun khử khuẩn môi trường được đưa vào thử nghiệm và sử dụng tại bệnh viện, đem lại kết quả và năng suất cao, vượt ngoài mong đợi. Với chiếc xe phun khử khuẩn môi trường của anh Tấn, bệnh viện ghi nhận tiết kiệm được 2/3 nhân công lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm hàng chục lần chi phí so các máy khử khuẩn đang sử dụng tại nhiều bệnh viện ở Lào Cai.
Chị Vũ Thị Kim Việt, Tổ trưởng Quản lý chất lượng, BVĐK tỉnh Lào Cai nhận xét, chiếc xe khử khuẩn có ưu điểm vượt trội so với máy khử khuẩn thường dùng vì đã khắc phục được các hạn chế, như không còn phun khói thải khí độc gây ô nhiễm môi trường. Máy được di chuyển bằng xe đẩy nên công nhân không phải mang vác gần 30kg trên vai như trước đây. Theo tính toán của chị Việt và những người trực tiếp làm công việc khử khuẩn thì với chiếc máy này, một nhân lực làm việc trong chín tiếng trước đây thì bây giờ rút ngắn chỉ còn ba tiếng, tức là tiết kiệm được sáu tiếng/ngày cho người lao động, giảm thiểu được 2/3 thời gian làm việc. Xe đẩy còn bảo đảm các yếu tố an toàn, dùng điện ắc-quy 12V, thời gian sử dụng lên đến 20 giờ liên tục.
Theo chị Đỗ Thị Huệ, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BVĐK tỉnh Lào Cai, đơn vị đã báo cáo với lãnh đạo bệnh viện khen thưởng sáng kiến của anh Lê Văn Tấn và nhân rộng việc lắp đặt, sử dụng xe phun khử khuẩn mới này cho bệnh viện để tiết kiệm nhân lực và chi phí, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19.
BÀI, ẢNH: PHẠM THANH HUYỀN
Hội Nhà báo tỉnh Lào Cai
Theo nhandan.com.vn