Dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nghề hướng dẫn viên du lịch bỗng chốc rơi vào cảnh thất nghiệp, không có nguồn thu. Trong tình thế ấy, người thì chờ du lịch hồi phục, người phải chạy đôn chạy đáo lo cơm, áo, gạo, tiền.
Chi hội Hướng dẫn viên du lịch TP.HCM chuẩn bị quà hỗ trợ hướng dẫn viên trong dịch Covid-19
Trong tổng số 26.989 hướng dẫn viên du lịch hiện nay, phần lớn là hướng dẫn viên hành nghề tự do, không thuộc công ty du lịch hay hội nghề nghiệp nào, không có lương cứng (chỉ có tiền công tác phí theo ngày tour), không được đóng bảo hiểm, đương nhiên không có trợ cấp thất nghiệp.
Làm đủ nghề kiếm sống
Bà Trần Việt Hương, Trung tâm Điều hành Hướng dẫn viên Việt Nam, Ủy viên BCH Chi hội hướng dẫn viên du lịch TP.HCM (HTGA) cho biết: TP.HCM hiện có hơn 5.000 hướng dẫn viên nhưng mới chỉ có 514 hướng dẫn viên tham gia HTGA, một số khác là hướng dẫn viên ký hợp đồng với các công ty du lịch, còn rất nhiều hướng dẫn viên tự do, không có việc làm đồng nghĩa với không có thu nhập, phải sống bằng tiền tích lũy. “Với tình hình hiện nay, toàn bộ các công ty du lịch tạm dừng hoạt động, hướng dẫn viên không có việc làm, phải xoay đủ kiểu để kiếm sống: Bán hàng online, chạy xe công nghệ, về quê làm nông… Trong hai ngày 20-21.4, HTGA sẽ phát 100 phần quà cho hội viên (mỗi phần gồm nhu yếu phẩm và 500.000 đồng tiền mặt) và 100 phần cho anh chị em hướng dẫn không phải hội viên (mỗi phần gồm nhu yếu phẩm) để hỗ trợ hướng dẫn viên vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bà Trần Việt Hương nói.
Ông Lê Đình Huy, Phó chủ tịch Hội Lữ hành Thừa Thiên Huế cho biết: “Hướng dẫn viên ở Huế đã phải tạm chuyển nghề để kiếm sống. Nữ hướng dẫn viên thì làm các loại bánh, chè Huế để bán online; nam hướng dẫn viên thì đi phụ nề, đưa hàng”. Còn bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó chủ tịch HHDL Bình Định chia sẻ: “Nhiều hướng dẫn viên đang trông ngóng tiền hỗ trợ từgói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng của Chính phủ. Chưa nhận được nhưng vẫn đang nuôi hy vọng. Trong khi đó, còn rất nhiều hướng dẫn viên chưa tham gia Chi hội hướng dẫn viên, mới nghỉ ở các công ty du lịch hoặc là người tỉnh/thành khác, không có giao kết hợp đồng lao động… thì không có căn cứ xác định là mất việc, sẽ khó khăn hơn nhiều trong việc xin hỗ trợ từgói này”.
Theo quy luật thông thường sau khủng hoảng, thị trường nội địa sẽ hồi phục đầu tiên, sau đó mới đến thị trường outbound (đưa khách Việt Nam ra nước ngoài) và cuối cùng là thị trường inbound (đưa khách nước ngoài vào Việt Nam). Thậm chí, các doanh nghiệp dự đoán, sau khi khống chế được dịch, hoạt động du lịch dần hồi phục, doanh nghiệp du lịch chuyên làm outbound và inbound cũng sẽ chuyển sang làm du lịch nội địa vì khi đó ít người dám đi xa. Vì thế, hướng dẫn viên nội địa có thể được đi làm trở lại sớm và đỡ khó khăn về việc làm hơn hướng dẫn viên quốc tế.
Kịch bản xấu nhất - khách quốc tế giảm 80%
Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin du lịch (TCDL): “Tình hình khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2020 được dự báo sẽ phụ thuộc vào thời điểm dịch Covid-19 được khống chế trên thế giới. Từ đó, cần có những dự báo, đánh giá và hoạt động ứng phó hợp lý”.
Nếu dịch kết thúc cuối tháng 6.2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ ở đáy từ tháng 4 - 6. Thời gian này, gần như không có khách quốc tế đến Việt Nam. Số lượng khách sẽ hồi phục dần vào cuối năm nhưng còn thấp, chưa thể tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2019. Sau khi dịch được khống chế, hoạt động du lịch công vụ có thể phục hồi trước do nhu cầu trên toàn thế giới khẩn trương khôi phục các hoạt động giao dịch, trao đổi thương mại, sản xuất... Tuy nhiên, độ mở về đi lại chưa hoàn toàn như trước khi có dịch do các nước vẫn còn đề phòng sự quay lại của Covid-19. Các thị trường gần trong khu vực châu Á có khảnăng sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia... Theo kịch bản này, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2020 có thể giảm khoảng gần 70% so với năm 2019, chỉ còn khoảng 5,5 triệu lượt.
Nếu dịch kết thúc cuối tháng 9.2020, thời gian ngưng trệ và gần như không có khách du lịch quốc tế sẽ kéo dài hơn trong khoảng từ tháng 4 - 9, chỉ có thể bắt đầu hồi phục rất hạn chế từ cuối năm với các hoạt động đi lại du lịch công vụ, giao thương. Theo kịch bản này, lượng khách du lịch quốc tế đến năm 2020 sẽ giảm khoảng gần 75%, chỉ còn khoảng 4,6 triệu lượt. Nếu tình hình diễn biến xấu hơn, đến hết tháng 12.2020 dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, từ tháng 4 - 12 sẽ gần như không có khách du lịch quốc tế đến, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm khoảng 80% so với năm 2019, dừng ở tổng số 3 tháng đầu năm với 3,7 triệu lượt.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Xuyên Đông Dương (Hà Nội) cho rằng sau cuộc khủng hoảng này Chính phủ, các địa phương, Bộ ngành khác sẽ nhìn nhận rõ hơn vai trò của ngành Du lịch trong nền kinh tế. Khi vào giai đoạn phục hồi cần có những chính sách đầu tư thỏa đáng để xúc tiến và phát triển du lịch, cơ cấu lại thị trường. Với các doanh nghiệp, đây cũng là dịp để làm mới mình, đào tạo nhân viên, xây dựng lại sản phẩm, nếu muốn phát triển bền vững. Còn nếu làm ăn chụp giật, bóc ngắn cắn dài, phá sản là việc vốn dĩ sẽ xảy ra, sớm hay muộn thôi. Với các nhà cung cấp dịch vụ, nhất là các hướng dẫn viên cũng cần có cách làm việc chuyên nghiệp hơn, đồng hành với công ty lữ hành trong phát triển du lịch, phục vụ khách chứ không phải mùa cao điểm công tác phí cao mới đi tour.
Theo NGUYỄN ANH/baovanhoa.vn