Trung Quốc đã chỉ trích quyết định của Ấn Độ về việc ngừng sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 có xuất xứ Trung Quốc vì vấn đề chất lượng là “không công bằng và vô trách nhiệm”.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại thủ đô New Delhi. Ảnh: Indiatoday
Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm đối phó với dịch Covid-19 vừa đưa ra thông báo rằng họ đã lên kế hoạch trả lại các bộ dụng cụ xét nghiệm kháng thể được mua từ hai công ty Trung Quốc do độ chính xác kém.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ cho biết họ rất quan tâm đến quyết định của Ấn Độ. Ngay sau khi nghe tin, chính quyền Trung Quốc đã xác nhận các thiết bị phía Ấn Độ đưa ra được sản xuất bởi hai công ty của mình- Công ty Công nghệ sinh học Quảng Châu Wondfo và Công ty chẩn đoán Chu Hải Livzon.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ Ji Rong nhận định: “Một số cá nhân đã không công bằng và vô trách nhiệm khi “dán nhãn” sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc là “đồ rởm” và xử lý các vấn đề xảy ra bằng định kiến ngay từ đầu”.
Theo bà Ji Rong, các công ty Trung Quốc đã xuất khẩu các bộ xét nghiệm tới nhiều nước ở châu Âu, châu Á và Mỹ Latin mà không xảy ra bất cứ vấn đề nào.
Hơn nữa, Trung Quốc đang giúp Ấn Độ chống lại Covid-19 bằng hành động cụ thể và chắc chắn rằng các nhà sản xuất của nước này đặt chất lượng các sản phẩm y tế xuất khẩu là ưu tiên hàng đầu.
Hình ảnh các bộ kit xét nghiệm sản xuất bởi Công ty Công nghệ sinh học Guangzhou Wondfo - Ảnh: SCMP
Bà Ji cho biết các bộ xét nghiệm cần được thực hiện theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất để đưa ra được kết quả chuẩn xác. Theo đó, “việc lưu trữ, vận chuyển và sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh kháng thể Covid-19 có yêu cầu nghiêm ngặt, nếu không được thực hiện bởi chuyên gia và tuân thủ đúng thông số kỹ thuật của sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của xét nghiệm”.
Công ty Công nghệ sinh học Wondfo cũng đã phát hành thông cáo báo chí khẳng định chất lượng của các thiết bị và cho biết các thiết bị đã được chính Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ xác nhận ngay tại thời điểm cấp giấy phép nhập khẩu.
Căng thẳng ngoại giao mới nhất này xảy ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc lên tiếng chỉ trích quyết định tăng cường giám sát các khoản đầu tư từ các nước láng giềng của Ấn Độ. Hành động được coi nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc tranh thủ trục lợi trong dịch bệnh Covid-19.
Ấn Độ và Trung Quốc đã và đang có nhiều hành động nhằm cải thiện mối quan hệ hai bên nhưng vẫn còn tồn tại sự ngờ vực lẫn nhau do vấn đề tranh chấp biên giới cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng trong toàn khu vực.
Theo Hương Vũ/dantri.com.vn