Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người lính Trường Sa vẫn luôn chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Được giải phóng trong những ngày tháng 4 năm 1975 lịch sử. 45 năm trôi qua, lớp lớp cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam ở Trường Sa thay nhau gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc nơi đầu sóng, xây dựng huyện đảo ngày càng giàu đẹp.
Duyệt đội ngũ trên đảo Song Tử Tây
Song Tử Tây là đảo đầu tiên được giải phóng ở Quần đảo Trường Sa. Để có được chiến thắng thần tốc ấy, những người lính Đoàn Đặc công 126 Hải quân lúc đó đã chuẩn bị lực lượng kỹ, tranh thủ thời cơ, mưu trí, dũng cảm, bất ngờ tấn công. Chỉ sau 30 phút khi quân ta tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, các mũi tiến công ào lên dữ dội, bất ngờ đánh chiếm mục tiêu, địch bị đánh bất ngờ, chống cự yếu ớt và đầu hàng.
Rạng sáng ngày 14/4, đảo Song Tử Tây được giải phóng, khiến quân địch trên toàn quần đảo Trường Sa hoang mang, dao động, tạo điều kiện cho ta giải phóng các đảo còn lại thuận lợi. Thượng tá Bùi Thanh Tùng, chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết: Trong những ngày lịch sử tháng tư này, cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây vô cùng tự hào với những chiến công oanh liệt, của thế hệ cha anh đi trước. Chiến công ấy đã để lại cho mỗi cán bộ chiến sĩ đảo Song Tử Tây nói riêng và cán bộ chiến sĩ Quần đảo Trường Sa nói chung những bài học kinh nghiệm sâu sắc để vận dụng trong nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu hiện nay. Đó là vận dụng bài học về tinh thần vượt qua khó khăn gian khổ, ý chí dám đánh, quyết đánh và quyết thắng; đó là bài học về tinh thần cảnh giác, bí mật, luôn sẵn sàng chiến đấu cao và bài học về thuần thục các phương án tác chiến.
Hướng dẫn xuồng CQ vào đảo
Thời gian qua, cán bộ chiến sĩ đảo Song Tử Tây luôn tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện để bộ đội vừa giỏi tác chiến, vừa có bản lĩnh vững vàng; lấy chiến trường làm thao trường, lấy nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo làm mục tiêu huấn luyện; Huấn luyện sát đối tượng, phương án tác chiến biển đảo; huấn luyện trong những điều kiện khó khăn phức tạp; giỏi vị trí của mình, biết vị trí của người khác... để cán bộ chiến sĩ có niềm tin vào vũ khí trang bị kỹ thuật, phương án tác chiến, tin vào chỉ huy, mưu trí trong xử lý các tình huống, và tin vào khả năng chiến thắng cả trong điều kiện khó khăn phức tạp nhất.
Trung tá Hoàng Đức Chiến, Chính trị viên đảo Sơn Ca khẳng định: 45 năm đã trôi qua, nhưng các thế hệ cán bộ chiến sĩ nối tiếp nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Trường Sa luôn khắc ghi chiến thắng thần tốc giải phóng Trường Sa của thế hệ cha anh đi trước, đã không tiếc máu xương để gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đó không chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường anh dũng, mà còn là khát vọng hòa bình của bộ đội Hải quân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Để kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của thế hệ cha anh đi trước, cán bộ chiến sĩ trên Đảo Sơn Ca thường xuyênquán quán triệt và thực hiện có hiệu quả quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và giải quyết các vấn đề trên biển; thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo của trên và yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc; xây dựng tốt tinh thần đoàn kết nội bộ, tích cực học tập, huấn luyện và rèn luyện. Xây dưng ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Trung tá Đinh Văn Cường, Chính trị viên Đảo Trường Sa: Thế hệ cán bộ chiến sĩ Trường Sa hôm nay luôn khắc sâu và ghi nhớ lời căn dặn của cố Đại tướng Lê Đức Anh tại lễ mít tinh kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo Trường Sa (07/05/1955- 07/05/1988): Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, hương hồn của các chiến sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ta trên biển Đông”.
Mỗi cán bộ chiến sĩ đang công tác trên đảo ra sức học tập, rèn luyện xây dựng bản lĩnh chính trị, kiên định vững vàng, ý chí quyết tâm cao, phát huy tinh thần yêu nước, yêu biển đảo, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, quân, dân, các lực lượng trên đảo cũng nguyện đoàn kết một lòng, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân và chế độ XHCN; Không quản khó khăn, gian khổ; tích cực chủ động, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, quần đảo Trường Sa trong mọi tình huống; Quyết tâm xây dựng đảo thành pháo đài vững chắc, là cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển. Xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân cả nước đã dành cho quân và dân Trường Sa.
Đảo Sơn Ca
Đảo chìm - nơi những người lính ngày đêm đối mặt với biến động thất thường nhất của biển khơi. Nói là đảo nhưng điều kiện môi trường và sinh hoạt ở đảo không mấy khác biệt so với các nhà giàn. Không thể kể hết những gian khó mà người lính ở các đảo chìm phải đối mặt trong quá trình bám biển, nhưng vượt qua khó khăn, vất vả và cả những hiểm nguy, những người lính đảo chìm vẫn vươn lên kiên cường giữa nắng, giữa gió của biển khơi. Thiếu úy Vũ Văn Tuấn, Đảo Đá Nam cho biết: Trước tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp song những năm qua, cán bộ chiến sĩ trên đảo chìm luôn xử lý tốt các tình huống, không để lọt mục tiêu, các vụ việc luôn được giải quyết kịp thời, đúng đối sách, đảm bảo an toàn, không để xảy ra các tình huống bất ngờ, bị động.
Kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020) và giải phóng Quần đảo Trường Sa (29/4/1975-29/4/2020) là thời điểm có ý nghĩa vô cùng trọng đại để cán bộ chiến sĩ và các lực lượng trên Quẩn đảo Trường Sa ôn lại những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, quân đội và Quân chủng Hải quân, đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở Trường Sa thấy được niềm vinh dự, tự hào và trách niệm của bản thân trong học tập, công tác tiếp tục tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đoàn Trường Sa anh hùng.
Trung tá Vũ Nguyên Trung, chỉ huy trưởng đảo Nam Yết cho biết, hiện nay trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, cán bộ chiến sĩ trên đảo Nam Yết đã thực hiện tốt phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Bác để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc. Đó là “kiên định nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về sách lược” trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; xử lý linh hoạt, đúng đối sách các tình huống phức tạp trên biển, không để tạo cớ gây xung đột trong mọi tình huống, luôn là lực lượng nòng cốt, kiên cường bám trụ, chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trước tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng lời Bác dạy: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động của mỗi cán bộ chiến sĩ Hải quân nói chung và những cán bộ chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa nói riêng. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người lính Trường Sa vẫn luôn chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng./.
Theo Thu Lan/VOV1