Trong vòng 24h qua, thế giới ghi nhận thêm hơn 78.752 ca mắc Covid-19, trong đó số ca ghi nhận tại Nga là 10.663 trường hợp.
Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 29/4, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 3.560.123 trường hợp, trong đó 248.029 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 1.152.981 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 212 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nga hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 7 thế giới. Ảnh: Anadolu
Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 24.511 ca mắc và 1.063 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 1.185.285 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 68.507 trường hợp.
Trong một phát biểu trên kênh truyền hình ABC ngày 3/5, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định có chứng cứ cho thấy virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, tuy nhiên không cung cấp chi tiết cụ thể về tuyên bố này. Ông cho biết Trung Quốc từng có lịch sử lây nhiễm cho thế giới và có nhiều phòng thí nghiệm kém chất lượng. Ông Pompeo nhấn mạnh đây không phải là lần đầu tiên thế giới phải đối mặt với virus từ các sự cố ở một phòng thí nghiệm của Trung Quốc.
Theo Ngoại trưởng Pompeo, Trung Quốc đã tìm cách che đậy, giấu và gây nhiễu thông tin đồng thời sử dụng Tổ chức y tế Thế giới như một công cụ cho mục đích của mình. Trung Quốc tiếp tục ngăn cản các chuyên gia y tế của WHO và Mỹ tiếp cận các mẫu virus của nước này để nghiên cứu về dịch bệnh. Ông Pompeo cho rằng hành động này của Trung Quốc là không chấp nhận được trong khi đại dịch vẫn đang tiếp diễn.
Tại Tây Ban Nha, tổng số ca mắc Covid-19 hiện tại là 247.128 sau khi ghi nhận thêm 1.533 trường hợp trong ngày 3/5. Tây Ban Nha hiện là “ổ dịch” lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất ở châu Âu. Số ca tử vong do Covid-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 25.264 sau khi ghi nhận thêm 164 trường hợp trong ngày 3/5.
Số ca tử vong ghi nhận trọn ngày 3/5 là mức thấp nhất ở Tây Ban Nha từ 18/3, trong bối cảnh nước này đang từng bước nới lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, điều phối viên phản ứng khẩn cấp thuộc Bộ Y tế Tây Ban Nha Fernando Simon cho biết các số liệu tích cực mới nhất cần được đón nhận một cách "thận trọng".
Giới chuyên gia y tế tin rằng Tây Ban Nha đã đi qua đỉnh dịch vào ngày 2/4 khi báo cáo 950 người chết do Covid-19 trong vòng 24 giờ. Từ đó đến nay, số ca tử vong mới giảm dần.
Italy ghi nhận thêm 1.389 ca mắc mới và 174 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 210.717, trong đó có 28.359 ca tử vong. Italy hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 3 thế giới sau Mỹ và Tây Ban Nha nhưng là nước có số ca tử vong do dịch bệnh này cao thứ 2 thế giới sau Mỹ.
Bắt đầu từ ngày 4/5, Italy chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống Covid-19 với việc gỡ bỏ một loạt các biện pháp phong toả trong bối cảnh tổn thất nhân mạng vì Covid-19 tại nước này xuống thấp nhất sau hơn 9 tuần phong toả. 4 triệu lao động Italy sẽ quay trở lại làm việc tại một số nhà máy, công trường xây dựng. Người dân được tự do ra khỏi nhà. Các công viên được mở cửa trở lại để người dân đi dạo và tập luyện thể thao. Đặc biệt, sau gần 9 tuần thực hiện một trong những lệnh phong toả khắc nghiệt nhất châu Âu, người dân Italy có quyền đến thăm gia đình người thân.
Tuy nhiên, tất cả việc nới lỏng phải đi kèm điều kiện đeo khẩu trang bắt buộc trong không gian kín và giữ khoảng cách tối thiểu 2m tại nơi công cộng. Ngoài ra, người dân Italia vẫn chưa được phép di chuyển ra khỏi vùng mà mình đang sinh sống.
Anh ghi nhận thêm 4.339 ca mắc và 315 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 3/5. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 186.599 trường hợp, trong đó 28.446 ca tử vong.
Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) hôm 29/4 bắt đầu thay đổi cách tính ca tử vong do Covid-19, đưa cả số người chết trong viện dưỡng lão và những nơi khác vào thống kê thay vì chỉ tính những trường hợp trong bệnh viện như trước. Anh đang là vùng dịch lớn thứ tư thế giới, nhưng là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao thứ ba toàn cầu, chỉ sau Mỹ và Italy.
Lệnh phong tỏa ở Anh đã kéo dài hơn một tháng. Anh dự kiến đánh giá công tác chống dịch vào ngày 7/5 và lộ trình nới các hạn chế sẽ được công bố vào tuần sau, khi nhiều người lo ngại về tác động kinh tế của các biện pháp "cách biệt cộng đồng". Thủ tướng Boris Johnson nói Anh đã qua đỉnh dịch nhưng vẫn còn quá sớm để nới lỏng lệnh phong tỏa.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp tính đến hết ngày 3/5 là 169.693 sau khi ghi nhận thêm 297 ca mắc mới trong ngày. Số ca tử vong ghi nhận trong ngày là 135, nâng tổng số ca tử vong lên 24.895.
Người phát ngôn của Chính phủ Pháp, bà Sibeth Ndiaye cho biết, tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 đang có dấu hiệu tăng trở lại, mặc dù rất chậm. Theo bà Ndiaye, nguyên nhân của tình trạng này là trong một vài ngày gần đây, người dân Pháp đã ra đường nhiều hơn, đồng nghĩa với việc tăng tiếp xúc và vi phạm các quy định phong tỏa nhiều hơn. Trong khi đó, Bộ Y tế Pháp tái khẳng định, thời điểm dự kiến dỡ bỏ phong tỏa toàn quốc vào ngày 11/5 có thể sẽ được xem xét lại nếu các ca bệnh mới tiếp tục tăng lên.
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Chính phủ Pháp cũng dự kiến sẽ tổ chức lại các cuộc bầu cử địa phương vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Cuộc bầu cử địa phương vòng 1 tại Pháp đã diễn ra vào ngày 15/3, giữa tâm bão dịch Covid-19.
Đức này ghi nhận thêm 697 ca mắc mới và 54 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 165.664 trong đó có 6.866 ca tử vong.
Dịch bệnh tại Nga tiếp tục diễn biến phức tạp. Nước này ghi nhận thêm 10.663 ca mắc và 58 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 134.687 trường hợp, trong đó 1.280 trường hợp tử vong. Nga hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 7 thế giới.
Theo Cơ quan kiểm soát và bảo vệ tiêu dùng Nga, tại nước này đã tiến hành hơn 4,1 triệu xét nghiệm. Hiện có 215.000 người đang được theo dõi y tế do nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2.
Còn tại thủ đô Moscow, khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19, thị trưởng Sergei Sobianin cho biết, số lượng xét nghiệm SARS-CoV-2 được tăng gấp đôi kể từ ngày 30/4. Điều này giúp cho chính quyền ngăn chặn sớm sự lây lan dịch bệnh và hỗ trợ tốt hơn cho những người bị bệnh. Tuy nhiên, theo ông, rủi ro vẫn đang tăng lên. Vì thế, ông kêu gọi người dân Moscow tuân thủ chặt chẽ chế độ tự cách ly.
Ổ dịch lớn nhất Trung Đông – Thổ Nhĩ Kỳ - ghi nhận thêm 1.670 ca mắc mới và 61 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 3/5. Tổng số ca mắc tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại là 126.045 trường hợp, trong đó có 3.397 ca tử vong.
Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 ở Nam Bán cầu, với 101.147 ca mắc và 7.025 ca tử vong do dịch bệnh này.
Trong khi đó, tổng số ca mắc Covid-19 tại Iran hiện tại là 97.424 sau khi ghi nhận thêm 976 trường hợp trong ngày 3/5. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 6.203 trường hợp.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 82.877 trường hợp, trong đó có 4.633 ca tử vong. Trung Quốc đại lục là nơi đầu tiên trên thế giới bùng phát dịch Covid-19 nhưng giờ đã không còn là tâm dịch của thế giới. Các ca mới ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong ngày vẫn chủ yếu là các ca nhập cảnh.
Số ca mắc Covid-19 tại các nước châu Á khác vẫn tiếp tục tăng.
Ấn Độ hiện đã có 42.505 ca mắc và 1.391 ca tử vong. Con số này tại Nhật Bản là 14.571 và 474, tại Hàn Quốc là 10.793 và 250.
Singapore là ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á với 18.205 ca mắc và 18 ca tử vong do Covid-19. Các con số này ở Indonesia là 11.192 và 845, ở Philippines là 9.223 và 607, ở Malaysia là 6.298 và 105./.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN