Cuối năm 2019, sự kiện tàu cứu hộ tàu ngầm đầu tiên do cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam đóng mới được hạ thủy là minh chứng sinh động cho việc làm chủ công nghệ đóng tàu hiện đại tầm cỡ thế giới. Con tàu này ghi thêm một dấu mốc trong chặng đường xây dựng, phát triển của Nhà máy Z189 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng-CNQP). Sự kiện nêu trên cũng minh chứng cho tinh thần vượt khó, phấn đấu không ngừng của người lính thợ.
Từ xuồng nhỏ tới tàu lớn, tối tân
Khi chúng tôi tới thăm, trên cầu cảng Nhà máy Z189, tàu cứu hộ tàu ngầm mang tên danh tướng Yết Kiêu đang được hoàn thiện, chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu tiên. Tàu 927 Yết Kiêu được đánh giá là tàu cứu hộ tàu ngầm tối tân với các trang thiết bị thế hệ mới, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Ưu thế đáng kể của tàu chính là khả năng hoạt động liên tục trong điều kiện sóng cấp 9, gió cấp 12. Việc đóng mới thành công con tàu này gây được tiếng vang lớn không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Trang Sputnik bản tiếng Việt đánh giá rằng, việc chế tạo thành công tàu 927 Yết Kiêu-tàu cứu hộ tàu ngầm cỡ lớn-là một thành tựu đáng kể của nền CNQP Việt Nam, đáp ứng nhu cầu bảo đảm hậu cần và tăng cường năng lực tác chiến cho Hải quân nhân dân Việt Nam.
Tàu cứu hộ tàu ngầm 927 Yết Kiêu khi hạ thủy vào tháng 12-2019. Ảnh: LÊ PHƯỢNG
Để hoàn thành thi công tàu 927 Yết Kiêu đáp ứng tiến độ cũng như các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, những người lính thợ Z189 đã được trui rèn qua nhiều sản phẩm trước đó, nổi bật là hai tàu cứu hộ tàu ngầm đóng mới cho Australia được đánh giá cao về chất lượng. Thiếu tá Vũ Văn Diễn, Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ (Nhà máy Z189) chia sẻ: "Khi thực hiện dự án đóng mới tàu cho Australia thông qua đối tác là Tập đoàn Damen (Hà Lan), chúng tôi rất háo hức và tự tin sẽ hoàn thành tốt sản phẩm này. Quá trình hợp tác với Damen từ sản phẩm đầu tiên chỉ là xuồng nhỏ, dài 8m, sau đó, chúng tôi đã đóng những tàu cứu hộ, tàu đa năng dài gần 100m". Các kỹ sư, công nhân của Z189 đã nhanh chóng vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu khi tiếp cận với công nghệ mới, hiện đại trong lĩnh vực đóng tàu. Mỗi con tàu hoàn thành, kinh nghiệm được đúc rút, quy trình thực hiện được tối ưu hóa, nhờ vậy, thời gian thi công nhanh hơn. Theo Thiếu tá Vũ Văn Diễn, mốc tiến độ hoàn thành từng công đoạn trong dự án đóng mới tàu đều được xây dựng cụ thể, chi tiết. Với tàu 927 Yết Kiêu, thời gian thi công là 27 tháng. Để đáp ứng yêu cầu này, ngoài tăng ca, làm thêm giờ, cần phải có giải pháp thi công hợp lý, khoa học. “Chúng tôi thực hiện công việc song song, không nhất thiết phải hoàn thành hạng mục này rồi mới làm hạng mục tiếp theo. So với phương án chuyên gia nước ngoài đưa ra, nhiều công đoạn đã được rút ngắn, đồng thời vẫn bảo đảm quy trình giám sát chất lượng nghiêm ngặt. Đây là kết quả từ việc nắm vững công nghệ và tích cực học hỏi, rút kinh nghiệm sau mỗi sản phẩm”, Thiếu tá Vũ Văn Diễn bày tỏ.
Làm chủ công nghệ mới là một trong những bí quyết giúp Nhà máy Z189 không ngừng phát triển, mở rộng sản xuất. Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, công nghệ đóng tàu bằng hợp kim nhôm được Z189 thử nghiệm và trở thành nhà máy đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu, chế thử, đóng mới thành công tàu, xuồng cao cấp vỏ hợp kim nhôm. Để có thành quả đó, nhà máy đã cử cán bộ, kỹ sư ra nước ngoài học tập về công nghệ đóng tàu vỏ hợp kim nhôm, hình thành nguồn nhân lực nòng cốt, trên cơ sở này phát triển sản phẩm mới. Hiện nay, tàu, xuồng cao cấp vỏ hợp kim nhôm trở thành thương hiệu của Nhà máy Z189. Với việc mạnh dạn đầu tư vào công nghệ, Z189 đã đạt những bước tiến vượt bậc, có tên tuổi trong ngành đóng tàu Việt Nam cũng như thế giới; có thể kể đến các sản phẩm: Tàu tuần tra Hải Âu 01, tàu HQ798 và HQ787 (đóng năm 1996), tàu chỉ huy huấn luyện chiến đấu, tàu cứu nạn tự phục hồi cân bằng, tàu Cảnh sát biển TT120 (năm 2001), tàu khách hai thân vỏ hợp kim nhôm ST180 (năm 2003)... Những con tàu này trực tiếp góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội và thiết thực phục vụ nền kinh tế.
Nhà máy Z189 tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng kinh tế, xuất khẩu mang tính đột phá; đồng thời, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ những sản phẩm, như: Tàu, xuồng tuần tra cao tốc, tàu đổ bộ, tàu cá, tàu vận tải, tàu khách, tàu chỉ huy huấn luyện chiến đấu, tàu cứu nạn tự phục hồi chức năng, du thuyền, xuồng cứu nạn. Từ năm 2011 đến nay là giai đoạn đánh dấu sự phát triển toàn diện của Z189. Nhà máy tập trung nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất quốc phòng, đẩy mạnh xuất khẩu, phát huy thế mạnh trong sản xuất, tăng cường tiềm lực kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong đó, sản phẩm quốc phòng tiêu biểu, như: Đóng mới tàu K122, K123 cho Quân chủng Hải quân; đóng mới tàu Cảnh sát biển đa năng DN 2000, CSB8001 và CSB8004. Đây là những con tàu được đánh giá hiện đại và lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, Z189 còn thi công đóng mới du thuyền, mở rộng hợp tác với Tập đoàn Damen (Hà Lan) để sản xuất các tàu, thuyền hiện đại. Tàu chở khách ra đời từ Nhà máy Z189 đã có mặt khắp các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam, phục vụ đi lại hằng ngày của người dân cũng như góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương.
Kỹ sư phải học cách làm công nhân
Trên boong tàu cứu hộ tàu ngầm còn nguyên mùi sơn mới, nhóm kỹ sư của Nhà máy Z189 say sưa trao đổi với chuyên gia nước ngoài, chuẩn bị cho ngày chạy thử đang đến gần. Bên cạnh nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ là lợi thế không nhỏ của cán bộ, kỹ sư Z189 khi tiếp cận với dự án mới. "Chuyên gia nước ngoài có thế mạnh về công nghệ, họ cũng luôn đòi hỏi cao, khắt khe. Xuất phát từ nhu cầu nhiệm vụ, việc trau dồi khả năng ngoại ngữ giúp chúng tôi chủ động hơn, tích cực giao tiếp hơn để không ngừng nâng cao kỹ năng", anh Đặng Quang Thuân, nhân viên kỹ thuật phân xưởng Nhà máy Z189 bày tỏ. Làm việc trong môi trường của đơn vị quân đội cũng như thường xuyên cộng tác với các chuyên gia hàng đầu đến từ những nước công nghiệp phát triển đã hình thành phong cách chuyên nghiệp, tỉ mỉ, kỷ luật có kế hoạch cụ thể, khoa học của những người lao động ở Z189.
Quy trình đào tạo nhân lực của Nhà máy Z189 có nhiều nét khác biệt. Theo anh Đặng Quang Thuân, trước khi trở thành kỹ sư phân xưởng, những người mới được tuyển dụng vào nhà máy dù đã có trình độ đại học vẫn trải qua thời gian làm việc như công nhân. Phương pháp đào tạo gắn liền với thực hành, bám sát thực tiễn giúp tay nghề của kỹ sư, công nhân không ngừng được nâng lên, quen dần với áp lực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Để tạo động lực cho người lao động, Nhà máy Z189 luôn chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần. Đại tá Nguyễn Văn Điều, Chủ tịch Công ty TNHH MTV 189 (Nhà máy Z189) chia sẻ, để thu hút nguồn nhân lực, mấu chốt là phải bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động, thu nhập từng bước được nâng cao hơn, gắn lương, thưởng với hiệu quả công việc. Ngoài ra, người lao động luôn được chăm lo giải quyết tốt chế độ, chính sách thông qua việc bảo đảm đúng, đủ, kịp thời về bảo hiểm, xét nâng bậc lương, khám sức khỏe định kỳ, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ...
Với cơ sở vật chất ngày càng được đầu tư, nâng cấp cùng những chính sách chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, Nhà máy Z189 đã nhanh chóng bắt kịp nhịp độ phát triển của khoa học công nghệ tiên tiến, giữ vững uy tín, thương hiệu, xứng đáng là địa chỉ đỏ về đóng tàu cấp chiến lược của quân đội và ngành đóng tàu Việt Nam, vươn tầm ra thế giới.
BẢO LINH/Báo điện tử Quân đội nhân dân
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/noi-tiep-them-suc-manh-quoc-gia-tren-bien-617771