Cập nhật: 18/05/2020 15:37:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đại gia bán lẻ với 118 năm tuổi đời JCPenney của Mỹ mới đây đã chính thức để đơn xin phá sản.

Điều này là một trong những dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy tác động ngày một sâu rộng của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu. Mỹ cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch viêm phổi cấp do virus SARS CoV-2.

Theo JCPenney, tập đoàn bán lẻ này đã đạt được thỏa thuận với hầu hết các nhà cho vay, trong đó có các ngân hàng Wells Fargo hay Bank of America. Khoản vay tài trợ quay vòng này sẽ giúp cho chuỗi bán lẻ lừng lẫy một thời còn khả năng hoạt động trong thời gian chờ phán quyết của tòa giám sát về thủ tục phá sản.

JCPenney vừa trải qua “giai đoạn vùng xám” 30 ngày sau khi không thể trả lãi đúng hạn cho các chủ nợ đối với các khoản vay đáo hạn ngày 15/4.

Đại gia bán lẻ với 118 năm tuổi đời JCPenney của Mỹ mới đây đã chính thức để đơn xin phá sản.

Trên thực tế, JCPenney đã trải qua một thập kỷ chìm trong khó khăn, song những tác động từ đại dịch Covid-19 được xem là “giọt nước tràn ly”. Trước JCPenney, tính riêng trong tháng 5 này đã có 3 nhà bán lẻ lớn khác tại Mỹ đệ đơn xin phá sản.

Chuyên gia phân tích bán lẻ Trae Bodge nhận định: “JCPenney là một thương hiệu mạnh và tôi hi vọng một khi được tái cơ cấu, họ sẽ có thể tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên đây là một thời kỳ khó khăn đối với rất nhiều thương hiệu. Các doanh nghiệp thực sự đang phải chiến đấu. Tôi hi vọng mọi thứ sẽ trở lại bình thường và khi đại dịch kết thúc, một số trong những thương hiệu này có thể hồi sinh”.

Trong bối cảnh này, Hạ viện Mỹ vừa thông qua gói cứu trợ trị giá 3.000 tỷ USD do đảng Dân chủ đề xuất, song lại ít khả năng được thông qua tại Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số. Gói viện trợ khổng lồ bao gồm gần 1.000 tỷ USD cho các chính quyền tiểu bang và địa phương, 200 tỷ USD trả cho công nhân trong các lĩnh vực thiết yếu, 75 tỷ USD để xét nghiệm và truy dấu người mắc Covid-19, gia hạn trợ cấp thất nghiệp, cũng như một đợt thanh toán tiền mặt khác cho các cá nhân.

Không chỉ tại Mỹ, nhiều nền kinh tế lớn khác trên thế giới cũng đang chật vật đối phó với những tác động kinh tế do đại dịch Covid-19. Tại Anh, các số liệu chính thức cho thấy, nền kinh tế nước này đã giảm 2% trong quý đầu tiên của năm. Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cảnh báo, Anh đang phải đối mặt với một “cuộc suy thoái đáng kể”.

“Như bạn đã biết, suy thoái kinh tế được định nghĩa về mặt kỹ thuật là sự suy giảm GDP trong 2 quý liên tiếp. Chúng ta đã thấy những gì xảy ra ở quý 1 sau chỉ vài ngày chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, khả năng cao nền kinh tế Anh sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái đáng kể trong năm”, ông Rishi Sunak nói. 

Theo Thu Hoài/VOV1

Tệp đính kèm