Đại dịch Covid-19 đã thổi bùng tâm lý ngờ vực của người tiêu dùng Mỹ và Trung Quốc đối với sản phẩm của đối phương trong bối cảnh nguy cơ tách rời của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng cao.
Đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc ở cả Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi nền tảng dữ liệu lớn dbDIG của ngân hàng Deutsche cho thấy, 41% người tiêu dùng Mỹ sẽ không mua tiếp các sản phẩm “Made in China” và 35% khách hàng Trung Quốc sẽ tránh mua hàng hóa “Made in USA”.
South China Morning Post dẫn lời nhà phân tích Apjit Walia của ngân hàng Deutsche rằng, mặc dù hầu hết người tiêu dùng Mỹ và Trung Quốc chưa sẵn sàng để tẩy chay hoàn toàn hàng hóa của nước còn lại, kết quả khảo sát vẫn cho thấy chủ nghĩa dân tộc đang lên ngôi trong lĩnh vực thương mại và tâm lý chán ghét toàn cầu hóa cũng ngày càng tăng.
Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đối với các sản phẩm Trung Quốc sa sút một phần là do bình luận từ các quan chức Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Donald Trump. Ông Trump liên tục đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch và làm dấy lên nghi ngờ về độ tin cậy của Bắc Kinh.
Khi chưa đầy 6 tháng nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Trump được dự đoán là sẽ tiếp tục nhắm đến Trung Quốc để đánh lạc hướng dư luận khỏi phản ứng chống dịch thiếu hiệu quả của chính phủ và những thiệt hại gây ra cho nền kinh tế.
“Tâm lý giận dữ của người dân ngày càng lớn và các chính trị gia biết rất rõ điều này, họ khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn vì 2020 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ”, ông Walia nói.
Trong một cuộc khảo sát riêng biệt với người tiêu dùng Mỹ, do công ty tư vấn có trụ sở tại Washington FTI Consulting thực hiện, 78% số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một sản phẩm nếu công ty sản xuất mặt hàng đó rời khỏi Trung Quốc.
Trong số những người Mỹ được khảo sát, 55% cho biết họ không tin tưởng vào việc Trung Quốc sẽ thực hiện các cam kết mua hàng hóa Mỹ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký vào hồi tháng 1.
Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, Trung Quốc đã tăng cường chiến lược toàn cầu hóa và thương mại đa phương. Đây được xem là công cụ giúp hàng tỷ người dân Trung Quốc thoát nghèo và đưa nước này vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Lao động giá rẻ và dồi dào cùng cơ sở hạ tầng đẳng cấp đã biến Trung Quốc thành “công xưởng của thế giới”. Người tiêu dùng Mỹ từ đó cũng được hưởng lợi nhờ nguồn cung hàng hóa rẻ tiền được sản xuất ở thị trường tỉ dân này.
Tuy vậy, các chi phí trong nước tăng và cuộc chiến thương mại kéo dài 2 năm với Mỹ đã bắt đầu làm suy yếu vị thế của Trung Quốc trong một số chuỗi giá trị toàn cầu ngay cả trước khi đại dịch bùng phát. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự phụ thuộc quá mức của các nước vào Trung Quốc, đặc biệt là nguồn cung ứng các thiết bị y tế, dược phẩm và công nghệ quan trọng.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực từ cổ đông, cơ quan quản lý và chính phủ trong việc đưa các chuỗi cung ứng trở lại nước và củng cố những chuỗi cung ứng này trước những cú sốc trong tương lai.
Bà Marie Owens Thomsen, Giám đốc phân tích đầu tư tại Indosuez Wealth Management cho hay, “Trung Quốc trỗi dậy một cách thần kì khiến các nước phương Tây lo lắng về địa vị của họ trong nền kinh tế thế giới sẽ đi xuống vì lẽ đó.”
Trong quá khứ, nền kinh tế Trung Quốc từng là động cơ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, mức độ tin cậy của cỗ máy tăng trưởng này đã sụt giảm trong thập kỉ qua khi Trung Quốc chuyển sang ưu tiên tiêu dùng nội địa.
Ông Sulmaan Khan, Giáo sư lịch sử quốc tế và quan hệ đối ngoại Trung Quốc tại Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts cho rằng, chính sách ngoại giao cương quyết của Trung Quốc để bảo vệ an ninh quốc gia đang làm mất thêm lòng tin ở chính các doanh nghiệp nước này.
Ông cũng nhận định rằng, nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc có thể phản tác dụng, khiến người dân quay sang bất mãn với chính phủ.
Theo Hương Vũ/dantri.com.vn