Cập nhật: 25/05/2020 18:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 25/5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV bước sang ngày làm việc thứ 5. Trong sáng nay, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thảo luận trực tuyến về dự án Luật này. Dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh và các ông, bà ĐBQH khóa XIV tỉnh.

Thảo luận về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý; tạo cơ chế pháp lý mới, hiệu quả về hòa giải, đối thoại để tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đồng thời bảo đảm hiệu lực thi hành thỏa thuận giữa các bên bằng quyền lực của Nhà nước; tạo niềm tin, động lực cho các bên lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đại biểu quốc hội đề nghị trong dự thảo Luật cần cụ thể hóa chi phí về hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong trường hợp pháp nhân, cá nhân nộp yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch. Về điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên, cần xem xét chỉnh lý nội dung này theo hướng giảm điều kiện về kinh nghiệm xuống còn 5 năm để tăng cơ hội trở thành hòa giải viên đối với những chuyên gia, nhà chuyên môn trẻ được đào tạo bài bản và tâm huyết với công tác hòa giải; đồng thời chỉnh lý quy định về thời hạn hòa giải, đối thoại theo hướng trong trường hợp có sự thỏa thuận của các bên đương sự thì việc hòa giải, đối thoại có thể kéo dài hơn mà không có giới hạn. Cũng trong sáng nay, thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, các đại biểu đề nghị Quốc hội xây dựng nghị quyết mới để phù hợp với tình hình thực tế và hệ thống pháp luật hiện nay tại Việt Nam; làm rõ đối tượng được xem xét miễn thuế; khắc phục hạn chế liên quan đến thu ngân sách; hội nhập quốc tế và quản lý thuế.

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội  đã nghe, thảo luận về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Thảo luận về nội dung này, đại biểu Phùng Thị Thường, Đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản tán thành với dự án Luật và đề nghị bổ sung tại Điều 3, Đối tượng áp dụng, cụm từ “ Có quốc tịch Việt Nam” sau cụm từ “Luật này áp dụng đối với thanh niên” để làm rõ hơn luật này chỉ áp dụng với thanh niên Việt Nam, không áp dụng đối với thanh niên mang quốc tịch nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam; bổ sung thẩm quyền đôn đốc, kiểm tra chính sách pháp luật về thanh niên đảm bảo cho việc thực thi luật tại Điều 7, Ủy ban Quốc gia về thanh niên. Tại điều 24, quy định Đối với thanh niên có tài năng, đề nghị cần giải thích rõ, cụ thể thế nào là thanh niên có tài năng. Đồng thời, cần bổ sung điều khoản quy định “Đối với thanh niên làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Theo đại biểu Phùng Thị Thường, hiện nay, lực lượng công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là thanh niên chiếm tỷ lệ rất cao. Sau thảo luận, Quốc hội đã làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm./.

Ngọc Anh - Thùy Linh

 

Tệp đính kèm