Cùng với truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển ngành KH&CN cả nước, ngành KH&CN tỉnh đã góp phần tạo ra những thành quả phát triển KT-XH, được khẳng định trong 3 mục tiêu quốc gia về sản xuất, dân sinh và quốc phòng. Đó là một quá trình từng bước đi lên và trưởng thành từ một nền tảng khoa học kỹ thuật non trẻ, hết sức thiếu thốn về trang thiết bị nghiên cứu và các nguồn lực cơ bản đến nay đã chủ động nắm bắt xu thế phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân, xã hội.
Vĩnh Phúc luôn quan tâm thực hiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về phát triển khoa học và công nghệ thông qua việc triển khai nhiều đề án, chương trình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, nhất là các dự án công nghệ cao, công nghệ sinh học vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều dự án đã mang lại hiệu quả, góp phần từng bước thúc đẩy hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh sớm đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn, thúc đẩy hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, nâng cao vai trò, vị thế của KH&CN, góp phần đưa khoa học công nghệ trở thành một trong các trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Được Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo Vĩnh Phúc chuyển giao quy trình kỹ thuật trong sản xuất nấm lim xanh, gia đình bà Sáu đã đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm lim xanh trong lán trại quy mô 3.000 bịch nấm. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế tốt, giúp gia đình bà thu khoảng trên 200 triệu đồng/vụ từ bán nấm lim xanh. Mô hình trồng và nhân giống nấm Lim xanh được nhân rộng, mỗi người nông dân trở thành cánh tay nối dài của khoa học công nghệ, họ không chỉ có khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh sống, mà còn nhạy bén trong tiếp thu tri thức khoa học, áp dụng rất nhanh các kiến thức về khoa học khi được chuyển giao và thực hành thành thục.
Ngành KH&CN đã triển khai hàng trăm mô hình ứng dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả tốt khi triển khai vào thực tiễn. Toàn tỉnh hiện có 34 tổ chức KH&CN, 5 doanh nghiệp nhỏ và vừa được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và chế biến thực phẩm. Dễ dàng thấy được khoa học công nghệ đã len lỏi vào mọi góc cạnh của cuộc sống, giúp ích cho sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Các mô hình khoa học được nhân rộng ngoài thực tiễn, đều mang lại giá trị kinh tế tốt cho người dân, giúp người dân tin, yêu và chủ động tiếp cận với khoa học công nghệ.
Thùy Linh