"Sự khác nhau ở 1 gen duy nhất trong bảng mã di truyền của con người, cũng có thể tác động lớn đến quá trình di căn của ung thư", kết quả được chỉ ra trong 1 nghiên cứu vừa được công bố.
Di căn là hiện tượng các tế bào ung thư di chuyển khắp cơ thể và hình thành các khối u thứ phát ở các cơ quan khác. Từ lâu, giới khoa học đã dự đoán rằng, một đột biến gen xuất hiện bên trong khối u có vai trò quyết định để dẫn đến hiện tượng di căn.
Mới đây, một nghiên cứu được được thực hiện bởi GS Sohail Tavazoie và cộng sự (Đại học Rockefeller, Mỹ) công bố trên tạp chí khoa học Nature Medicine đã chỉ ra rằng, sự khác nhau ở 1 gen duy nhất trong bảng mã di truyền của con người, cũng có thể tác động lớn đến quá trình di căn của ung thư tế bào hắc tố (một loại ung thư da).
Nghiên cứu trước đây cũng của Đại học Rockefeller đã xác định được 1 gen mang tên APOE, hiện diện trong các tế bào của con người, có thể tác động đến sự phát tán của các tế bào ung thư hắc tố. APOE có nhiệm vụ sản xuất 1 loại protein có vai trò ức chế nhiều quá trình được thực hiện bởi tế bào ung thư để có thể di căn, điển hình là hình thành các mạch máu riêng để nuôi khối u, phát triển sâu hơn vào các mô khỏe mạnh, chống chịu những cuộc tấn công của tế bào miễn dịch.
Trong cơ thể con người, ApoE có thể xuất hiện ở 1 trong 3 dạng khác nhau là ApoE2, ApoE3 và ApoE4. Các chuyên gia khi đó cũng đặt ra giả thiết rằng, sự khác nhau về kiểu gen ApoE ở mỗi người chính là lý do sự phát triển của ung thư hắc tố ở mỗi cá thể là không giống nhau.
Trong thí nghiệm được thực hiện trên chuột mang những kiểu gen ApoE khác nhau, nhóm tác giả nhận thấy, khối u ở những cá thể mang gen ApoE4 phát triển chậm nhất và di căn ít nhất.
Những nghiên cứu chuyên sâu hơn đã chỉ ra, ApoE4 là kiểu gen ApoE hoạt động hiệu quả nhất trong việc tăng cường các đáp ứng miễn dịch với tế bào ung thư. Thực tế phân tích cũng đã cho thấy, những chú chuột mang gen ApoE4 có lượng tế bào T chống ung thư lớn hơn tại vị trí khối u phát triển, bên cạnh đó lượng mạch máu nuôi khối u được hình thành ở những chú chuột này cũng ít hơn.
“Chúng tôi cho rằng, tác động của các kiểu gen ApoE lên sự phát triển của khối u chủ yếu xuất phát từ cách chúng tăng cường sức tấn công của hệ miễn dịch”, nhóm tác giả kết luận.
Trên nền tảng của thí nghiệm trên chuột, trong nghiên cứu lần này, GS Sohail Tavazoie và cộng sự đã tiến hành phân tích dữ liệu di truyền của hơn 300 bệnh nhân ung thư hắc tố. Kết quả cũng đã cho thấy sự tương đồng với thí nghiệm trước đó: Những bệnh nhân mang kiểu gen ApoE có thời gian sống sau khi phát hiện ung thư lâu nhất, trong khi những người mang kiểu gen ApoE2 lại có thời gian sống ngắn nhất. Mối liên kết giữa kiểu gen và tiên lượng bệnh này cũng mở ra một hướng đi mới trong việc dự đoán tình trạng bệnh của bệnh nhân ung thư, thông qua kiểu gen của họ. Bên cạnh đó, kiểu gen ApoE4 cũng giúp các bệnh nhân đáp ứng tốt hơn với liệu pháp miễn dịch được dùng để điều trị ung thư.
Từ kết quả thu được, nhóm tác giả đã thử nghiệm 1 hợp chất mang tên RGX-104 giúp tăng cường sự sản sinh của ApoE, để điều trị ung thư hắc tố. Thí nghiệm trên chuột mang kiểu gen ApoE4 chỉ ra rằng, RGX-104 đã phát huy tác dụng trong việc giúp cơ thể chống lại khối u.
Theo Minh Nhật/dantri.com.vn