Nhằm khôi phục kinh tế, đồng thời thể hiện quyết tâm phục hồi các hoạt động du lịch sau khi phòng, chống dịch Covid-19. Ngành Du lịch Kiên Giang đã và đang nhanh chóng đưa các hoạt động du lịch trở lại từ bằng và tăng trưởng hơn góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Ngoài việc cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch khảo sát điểm đến sau dịch covid-19 với quyết tâm mạnh mẽ là phục hồi nền kinh tế, trước mắt đưa Du lịch nội địa tăng trưởng trở lại với chương trình kích cầu hấp dẫn, thiết thực, những sản phẩm du lịch mới, chất lượng dịch vụ tốt, giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi du lịch của người dân trên cả nước, Sở Du lịch Kiên Giang xác định tăng cường đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch sau dịch Covid-19 là yếu tố quan trọng góp phần phát triển du lịch đồng bộ với định hướng xúc tiến thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch.
Du lịch biển đảo luôn thu hút đông khách du lịch khi đến với Kiên Giang
Thu hút đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch như các dự án khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh núi Bình San, khu du lịch Thạch Động - núi Đá Dựng, khu du lịch Mũi Nai, Đầm Đông Hồ, khu du lịch nghỉ dưỡng quần đảo Hải Tặc, khu du lịch Moso - Hang Tiên - quần đảo Bà Lụa, khu du lịch nghỉ dưỡng quần đảo Nam Du, khu vui chơi giải trí, thể thao dưới nước Kiên Hải, khu di tích lịch sử - sinh thái U Minh Thượng, khu di tích lịch sử, danh thắng Ba Hòn, khu di tích lịch sử - văn hóa xép Ba Tàu, các khu du lịch sinh thái vườn tại huyện Giồng Riềng...
Để thu hút xúc tiến đầu tư các dự án du lịch, ngành Du lịch Kiên Giang đã đề xuất các giải pháp như sau: Tập trung hoàn thiện môi trường đầu tư và hoạt động xúc tiến đầu tư: Đẩy mạnh cải cách hành chính theo quy trình một cửa, một cửa liên thông trong cấp phép đầu tư, xây dựng...; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng và thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, huy động có hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cần chú trọng chất lượng, hiệu quả của dự án, tuân thủ quy hoạch phát triển ngành, tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát; có chế tài ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án về quy mô, tiến độ và các nghĩa vụ khác, trong đó vấn đề môi trường là quan trọng nhất. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước để kêu gọi đầu tư, phát triển thương mại và du lịch; Tập trung rà soát bổ sung, điều chỉnh và nâng cao chất lượng quy hoạch: Rà soát quy hoạch Du lịch, đẩy mạnh công tác giám sát quy hoạch, khuyến khích nhân dân, nhà đầu tư tham gia vào công tác quy hoạch. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường, đào tạo lao động…, để thu hút đầu tư; Tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; Tập trung phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn lao động qua đào tạo có tay nghề; việc cải thiện chất lượng nguồn lao động sẽ tăng sức hấp dẫn trong môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư; Kêu gọi đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Khu du lịch Vinpearl Phú Quốc nhìn từ trên cao
Trong thời gian nghỉ lễ từ ngày 30.4 đến 3. 5, tổng số khách đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đạt 36.713 lượt, bằng 13,6% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế là 1.136 lượt, bằng 27,7% so cùng kỳ; khách lưu trú 11.750 lượt; tham quan các khu, điểm du lịch 25.963 lượt, chỉ bằng 11,8% so cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động du lịch dịp này đạt trên 43,2 tỷ đồng, bằng 45,6% so cùng kỳ.
Đến nay, tỉnh Kiên Giang thu hút 311 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 10.117ha và tổng vốn đầu tư 337.974 tỷ đồng. Riêng địa bàn huyện Phú Quốc có 267 dự án đầu tư du lịch (chiếm 86% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh), với diện tích 9.615ha và tổng vốn đầu tư 332.031 tỷ đồng.
Theo THẾ HẠNH/baovanhoa.vn