Cập nhật: 27/05/2020 19:11:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo công bố mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Dịch tả lợn Châu phi lại đang bùng phát tại 20 tỉnh, thành trong cả nước. Tại Vĩnh Phúc không phát hiện thêm ổ dịch mới và chưa có hiện tượng tái bùng phát, song từ thực tiễn dịch tả lợn Châu Phi vừa qua đã đặt ra vấn đề phải cơ cấu lại ngành chăn nuôi lợn để đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Trước kia gia đình anh Triệu Thanh Toàn, thôn Đồng Vang, xã Kim Long, huyện Tam Dương chăn nuôi hơn 200 con lợn thịt và lợn nái. Mặc dù, đã thực hiện nhiều giải pháp như phun khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột xung quanh khu vực chăn nuôi nhưng khi cơn bão Dịch tả lợn Châu Phi ập tới, toàn bộ số lợn của gia đình bị nhiễm bệnh và phải tiêu hủy. Hiện nay, cuộc sống của gia đình anh gặp nhiều khó khăn khi phải gánh khoản nợ ngân hàng hơn 200 triệu đồng.

Cũng giống như hộ nhà anh Toàn, do nhiễm dịch bệnh, toàn bộ đàn lợn đến kỳ xuất chuồng của nhà ông Phạm Hồng Tường, thôn Chùa, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương đều đã bị chết. Khó khăn chồng chất khó khăn và những chi phí phát sinh kéo theo khi các hộ chăn nuôi không thể tiếp tục tái đàn. Khó khăn lớn nhất của các hộ chăn nuôi lúc này đó là nguồn cung cấp lợn giống chất lượng. Họ không biết tìm đâu lợn bột khi mà nguồn cung khung đủ cầu.

Trống chuồng là khó khăn chung của các hộ dân chăn nuôi  trên địa bàn tỉnh. Dịch bệnh xảy ra ở mỗi hộ, cơ bản đều phải tiêu hủy cả đàn, trong đó có cả lợn giống bố mẹ. Chính vì vậy, ngay sau khi hết dịch, các hộ chăn nuôi, một mặt làm tốt công tác khử trùng tiêu độc chuồng trại, mặt khác  áp dụng  mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo chất lượng đàn lợn đồng thời phòng Dịch bệnh lợn tả Châu Phi hiệu quả. 

Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học được triển khai thực hiện thành công trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Không phát sinh hoặc tái phát ổ dịch mới, không có lợn bị chết do dịch gây ra.  Đây cũng là phương pháp chăn nuôi được các ngành chức năng đánh giá khá hiệu quả trong công tác phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi tính đến thời điểm này. Quy trình chăn nuôi được áp dụng trên nền tảng đưa các chủng men vi sinh vào thức ăn chăn nuôi, nước uống và sử dụng men vi sinh làm đệm lót sinh học đã tạo ra các vi sinh vật trong thức ăn, làm tăng sức đề kháng cho đàn lợn. 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, thực tiễn chăn nuôi lợn ở Việt Nam hiện nay thì khu vực các doanh nghiệp, trang trại quy mô lớn đã có giải pháp an toàn, phát triển ở tốc độ cao. Tuy nhiên đối với chăn nuôi nông hộ, nơi tập trung khoảng trên dưới 50% sản lượng hiện nay thì bài toán an toàn dịch bệnh và môi trường đang là vấn đề cấp bách. Do vậy, để phát triển chăn nuôi nông hộ trong thời gian tới cần phải có mô hình áp dụng giải quyết được vấn đề môi trường và phòng chống dịch bệnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ  có khuyến cáo đến các địa phương áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học đã xây dựng mô hình thành công tại một số địa phương

Ngay từ khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, Vĩnh Phúc đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề phải giữ bằng được đàn lợn ông bà, để sau khi kết thúc dịch bệnh sẽ có điều kiện khôi phục lại đàn lợn nhanh nhất. Chính vì vậy, công tác tái đàn, khôi phục đàn lợn của tỉnh cũng thuận lợi và triển khai nhanh. Chỉ sau hơn 3 tháng đẩy mạnh công tác tái đàn, tăng đàn, toàn tỉnh có gần 1.400 hộ tái đàn với tổng đàn hơn hơn 30 nghìn con. Và hiện nay, Vĩnh Phúc cũng đã xây dựng thành công 3 mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học và sẽ liên kết triển khai trên diện rộng.

Trước tình hình giá lợn tăng cao, mong muốn tái đàn lợn là tâm lý chung của nhiều người chăn nuôi. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, trong bối cảnh dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp, mầm bệnh vẫn còn, nguy cơ tái phát ổ dịch mới vẫn có thể xảy ra, người chăn nuôi cần hết sức cẩn trọng khi tái đàn. Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại an toàn sinh học, VietGap, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường./.

Đặng Thưởng 

Tệp đính kèm